Thứ bảy, 7/12/2019, 19h36

Dạy con biết giá trị của lời hứa!

Dy con gi li ha, có nghĩa là cha m đã dy tr biết tôn trng ngưi khác, sng có trách nhim trong li nói và hành đng ca mình đúng vi nhng gì chúng đã nói hay đã ha.

Chị Minh (Bình Thạnh, TP.HCM) còn nhớ như in lời hứa của cậu quý tử: “Ba mẹ cứ yên tâm, thế nào con cũng dọn dẹp nhà cửa gọn gàng trong buổi sáng chủ nhật cho ba mẹ xem”. Thế nhưng, cu cậu đã ngủ nướng đến 10 giờ sáng và quên mất lời hứa của mình với cha mẹ. “Cha mẹ cứ làm nghiêm trọng hóa vấn đề. Cha mẹ còn hứa với con nhiều lần mà có thực hiện đâu?”. Chị Minh thừa nhận rằng: “Đúng là vợ chồng tôi có hứa với con nếu thi được vào lớp 10 ở trường điểm của thành phố thì mẹ sẽ mua cho con chiếc xe máy để cháu tự đi. Vậy mà, sau đó do điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn, nên dù con trai có nhắc nhở, tôi cũng cố ý phớt lờ cho qua. Rồi một vài lần tôi đã hứa mua cho con thứ này thứ kia nhưng rồi do bộn bề công việc mà tôi cũng quên đi không thực hiện được. Không giữ được lời hứa với con nên giờ đây tôi rất khó ăn nói cũng như đưa ra những lời giáo huấn con”.

Trong suốt quá trình dạy dỗ con cái, những việc mà cha mẹ thực hiện khi đã hứa với trẻ là rất quan trọng. Và thái độ ứng xử của cha mẹ về việc thực hiện lời hứa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc và hành vi của con cái. Những hành vi ứng xử của cha mẹ luôn ăn sâu trong từng nét tính cách của trẻ. Vì thế, việc cha mẹ không giữ lời hứa với trẻ cũng dễ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển tính cách của trẻ, khiến trẻ bất an, hoài nghi và mất lòng tin về gia đình - điểm tựa tinh thần đặc biệt quan trọng của trẻ.

Bất cứ trường hợp nào cha mẹ cũng phải nhất quán gương mẫu giữa lời nói và việc làm. Khi cha mẹ được tín nhiệm, trẻ sẽ hành động một cách tích cực và trẻ cũng sẽ ứng xử theo khuôn mẫu mà cha mẹ đã thể hiện. Dạy con giữ lời hứa, có nghĩa là cha mẹ đã dạy trẻ biết tôn trọng người khác, sống có trách nhiệm trong lời nói và hành động của mình đúng với những gì chúng đã nói hay đã hứa. Giữ lời hứa với con chính là dạy con cách ứng xử và hành động phù hợp giữa lời nói và việc làm, giáo dục cho trẻ thái độ sống.

Người lớn có thể hứa với trẻ, để tạo một động lực để trẻ phấn đấu thực hiện công việc của mình. Song, không được thất hứa với chúng với bất cứ lý do gì, nó có thể trở thành con dao hai lưỡi. Cha mẹ càng không nên lấy lý do hoàn cảnh khó khăn để biện minh cho việc thất tín của mình, điều đó sẽ khiến trẻ càng dễ bất mãn và buông xuôi. Bởi trẻ đang sống trong hy vọng rằng mong muốn, ước ao của trẻ sẽ được cha mẹ đáp ứng. Trẻ cố gắng quyết tâm hết mình để đạt được những điều được hứa hẹn. Trẻ sẽ ghi nhớ rất kỹ những gì cha mẹ đã nói. Nếu vì một lý do nào đó không thể thực hiện được lời hứa mình đặt ra thì cha mẹ hãy thẳng thắn chủ động nhận lỗi và thực hiện càng sớm càng tốt những gì mình đã hứa, không nên giải thích qua loa, đại khái cho xong việc. Điều này không hạ thấp uy tín của bạn trong mắt trẻ, mà có khi còn tạo được cho trẻ sự thông cảm, gần gũi, tin tưởng ở trẻ dành cho cha mẹ. Trong mọi lúc mọi nơi, cha mẹ cần dạy con cách sống có trách nhiệm với những lời đã nói và với cả những việc phải làm để thực hiện đúng lời hứa. Khi được cha mẹ giữ lời hứa, con cái sẽ luôn noi gương và sống với thái độ tích cực, tự tin. Chúng sẽ có trách nhiệm với bản thân, không nói suông và luôn quyết tâm không bao giờ phụ lòng người khác. Các bậc phụ huynh cần lưu ý, để dạy cho con biết giữ lời hứa, cha mẹ phải là người biết gương mẫu. Tuy nhiên, phẩm chất biết giữ lời hứa không phải tự nhiên mà có, cũng không phải là sự trấn áp bằng quyền lực hay sự gia trưởng, độc đoán dùng quyền uy của người làm cha mẹ tạo khoảng cách áp đặt với con mà là sự gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu những nỗi lòng của trẻ. Đồng thời cha mẹ phải luôn thống nhất trong lời nói và việc làm để thuyết phục con hiệu quả nhất.

Lê Phm Phương Lan
(Ging viên tâm lý)