Thứ bảy, 1/10/2016, 21h16

Giáo viên, học sinh phải kịp thời “chuyển mình”

Phương án thi THPT quốc gia 2017 có nhiều điểm thay đổi so với các kỳ thi trước đây, do đó các trường THPT sẽ tăng cường chuẩn bị nhằm giúp giáo viên và học sinh thích ứng với cách thức ra đề mới.

Việc thay đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm khiến giáo viên và học sinh lo lắng do thời gian quá cập rập. Ảnh: Thí sinh xem lại bài sau buổi thi môn sử tại Hội đồng thi Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: D.Bình

Ông Nguyễn Văn Chặng (Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú, TP.HCM): Kỳ thi sẽ tạo ra sự công bằng

Khi thông tin Bộ GD-ĐT chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017, đa phần học sinh đều tỏ ra vui mừng vì áp lực kỳ thi đã được giảm đáng kể. Việc chuyển từ bài thi tự luận sang bài thi trắc nghiệm sẽ khiến các em cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi lựa chọn các phương án trả lời trong đề thi. Đối với những phương án không tìm được câu trả lời, các em có thể đánh “lụi” vào đáp án mà mình cho là chính xác.

Đối với giáo viên, phương án này ban đầu có thể sẽ tạo ra những khó khăn nhất định. Thời gian học đã hết tháng 9, chương trình học của học sinh đã thực hiện được 2 tháng. Do đó, việc thay đổi phương án thi sẽ phải kéo theo sự thay đổi về cách dạy, cách ra bài kiểm tra trên lớp từ tự luận sang trắc nghiệm để tạo sự thích nghi cho học sinh. Tuy nhiên, những khó khăn này chỉ là tạm thời, giáo viên và học sinh sẽ “chuyển mình” kịp thời theo định hướng của bộ. Ở góc độ của nhà quản lý, tôi cho rằng, phương án này sẽ tạo ra sự công bằng cho hàng triệu thí sinh dự thi. Rõ ràng, nếu với hình thức thi tự luận, bài thi sẽ không tạo ra sự khách quan, nhất là với những thí sinh ở vùng sâu, vùng xa. Với giải thích của các vị đứng đầu Bộ GD-ĐT, tôi cho rằng đây là phương án tốt và phù hợp với mọi đối tượng học sinh.

Ý kiến

PGS.TS Hà Thanh Toàn (Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ): Bài thi tổ hợp khiến các trường rất khó để biết thế mạnh từng môn học của thí sinh, và tách các môn theo tổ hợp đặc trưng của chuyên ngành như: Trường ĐH Y dược cần thí sinh xuất sắc các môn toán, hóa, sinh, nhưng ngành công nghệ thông tin lại cần thí sinh giỏi các môn toán, lý, hóa... Rõ ràng, nếu chỉ để xét công nhận tốt nghiệp thì phương án thi mới khá tốt, nhưng lại không đảm bảo đánh giá đúng khả năng của thí sinh để xét tuyển ĐH, nên ĐH Cần Thơ đã trình Bộ GD-ĐT hai phương án tuyển sinh: Phương án 1, trường sẽ tổ chức thi tuyển sinh đầu vào đối với những thí sinh tốt nghiệp THPT, đề thi do Bộ GD-ĐT ra. ĐH Cần Thơ cũng nhận tổ chức thi tuyển sinh đầu vào cho các trường ĐH khác nếu có yêu cầu. Phương án 2: Nếu Bộ GD-ĐT không chấp nhận, trường sẽ nghiên cứu để áp dụng bộ đề và phương thức thi tuyển sinh đầu vào của ĐH Quốc gia Hà Nội. Tóm lại, Bộ GD-ĐT chủ trương giao kỳ thi THPT cho các sở GD-ĐT chủ trì nên chúng tôi phải có phương án tuyển sinh riêng, để chọn người học có năng lực.

GS.TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ): Theo tôi, nếu được, đề thi môn ngoại ngữ cần bổ sung phần nghe - nói. Trong xét tuyển ĐH, ngoài kỳ thi THPT quốc gia, tôi đề nghị làm như các trường ĐH danh tiếng trên thế giới: Bộ cần ban hành văn bản yêu cầu tất cả thí sinh, ngoài bảng điểm, phải có bài tự luận trình bày tại sao chọn ngành nghề đó? Khi ra trường sẽ làm gì, sử dụng chuyên môn ra sao để phục vụ đất nước, gia đình và xã hội? Như vậy nhà trường có cơ sở đánh giá sự hiểu biết, lòng yêu nghề và tâm huyết của người học, trước khi quyết định, góp phần chọn được người thực sự có tâm huyết với ngành nghề đã chọn.

Đ.Phượng (ghi)

Em Nguyễn Khánh Phương (học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM): Thời gian thi chưa hợp lý

Em nghĩ thời gian dành cho các bài thi trong tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội chưa hợp lý. Theo phương án công bố thì mỗi tổ hợp đề thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 150 phút, như vậy là quá áp lực đối với thí sinh. Ở kỳ thi THPT quốc gia 2016, thí sinh làm bài thi trắc nghiệm gồm 50 câu trong thời gian 90 phút đã là áp lực, nay lại chuyển qua 40 câu trong thời gian 50 phút lại càng áp lực hơn. Đâu phải câu hỏi trắc nghiệm nào thí sinh cũng giải quyết trong vòng 1-2 phút, nhất là với những câu hỏi khó dùng để xét tuyển ĐH. Hơn nữa, với những câu hỏi trong bộ môn khoa học tự nhiên đòi hỏi phải có sự tính toán, cẩn thận ở từng bước giải thì thời gian và số câu hỏi trong từng bộ môn khác nhau trong cùng một buổi thi sẽ tạo ra áp lực rất lớn đối với thí sinh dự thi.

Ông Nguyễn Huy Bính (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng): Cập rập về thời gian

Phương án thi THPT quốc gia 2017 có nhiều điểm mới như ngoài 3 bài thi bắt buộc gồm văn, toán và ngoại ngữ, các bài thi còn lại được phân theo tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đây là ý tưởng tốt, giúp học sinh học đều tất cả các môn. Tuy nhiên, các em học sinh lại chưa được chuẩn bị về cách thi này. Một vấn đề nữa là lưu lượng kiến thức để thực hiện cho kỳ thi này nằm ở mức độ nào cũng chưa được quy định rõ ràng. Nếu yêu cầu học sinh thi trong một lượng thời gian mà chưa biết rõ lưu lượng kiến thức thì rất khó khăn cho các em trong quá trình học cũng như thi cử. Mặt khác, khi chưa định lượng được vấn đề học và thi đi liền với nhau thì không chỉ học sinh mà cả giáo viên bộ môn cũng gặp khó khăn trong quá trình giảng dạy, ôn tập kiến thức.

Tôi cho rằng cần có quy trình, lộ trình nhất định để đáp ứng mục tiêu và mang lại kết quả tốt cho việc đổi mới toàn diện giáo dục: “Nếu phương án thi này được thông báo và áp dụng cho học sinh năm nay bước vào lớp 10 thì rất tốt. Như vậy học sinh và giáo viên có một quá trình chuẩn bị, tập dượt, làm quen”.

N.Anh - V.Yên (ghi)