Thứ sáu, 5/3/2010, 16h03

Hoa cúc vàng tháng 3: Bài 2: Nữ bác sĩ họ Diệp

Bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM

Hơn 30 năm ra nghề, bây giờ đã là một thầy thuốc giỏi của Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM nhưng bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình – Trưởng Khoa nội vẫn không quên ơn nghĩa của nhân dân miền Bắc đã nuôi dưỡng mình khôn lớn cũng như những tháng ngày chị đã sống và học tập ở đất nước bạn Hung-ga-ri.
Cô SV Trường ĐH Budapest
Hồi nhỏ mỗi lần ba mẹ gợi nhớ về quê hương hay kể chuyện ở trong Nam, cô bé Thanh Bình ngồi nghe say sưa và gần như thuộc hết những địa danh. Ba mẹ quê ở Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang nhưng cả 2 sớm thoát ly gia đình theo cách mạng nên mỗi đứa con sinh ra ở mỗi nơi khác nhau. Khi ba mẹ xuống hoạt động ở vùng U Minh, cô bé Bình lại được sinh ra tại Bạc Liêu – vùng đất gần tận cùng của Tổ Quốc. Mới 2 tuổi Bình đã được mẹ ẵm xuống tàu cùng với các anh trai ra miền Bắc tập kết. Thầy cô, bạn bè Trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều còn nhớ cô học trò thích ca hát, học giỏi và rất dễ thương người gốc Nam bộ này. Kỳ thi ĐH năm 1971 bạn bè lại càng bất ngờ hơn khi Thanh Bình đạt số điểm rất cao và sau đó có tên trong danh sách 8 SV Việt Nam được chọn sang Hung-ga-ri học tập. Thời gian trôi qua đã 40 năm nhưng bác sĩ Thanh Bình vẫn không quên những tháng ngày học tập ở nước bạn: “Dù sang đó rất nhớ nhà nhưng ai cũng lao vào việc học. Thời gian đi chơi hầu như không có nhất là dân học y khoa như chúng tôi. Nhiều khi chúng tôi học suốt cả tuần quên cả ngày chủ nhật”. Khó khăn ban đầu của lưu học sinh là phải nói được tiếng Hung-ga-ri, nhất là đối với SV Y khoa lại rất cần và đòi hỏi độ chính xác cao để hỏi và khám cho người bệnh khi xuống cơ sở thực tập. Ngoài các giờ học trên lớp về ký túc xá, Bình tìm cách tự học ngoại ngữ bằng cách kết thân với một người bạn học chung lớp để trò chuyện. Chính anh bạn này là “người thầy tiếng Hung” thứ 2 kéo điểm ngoại ngữ của Thanh Bình lên và giúp chị nghe, đọc, viết dễ dàng. Nhờ giỏi môn công cụ mà sức học của cô SV y khoa đã vượt qua nhiều bạn bè khác trong khóa. Sau 7 năm miệt mài học tập, Thanh Bình đã tốt nghiệp xuất sắc ngành Đa khoa tổng quát tại Trường ĐH Y khoa Budapest.
Trăn trở trong tâm sự
Là cán bộ giảng dạy bộ môn nội của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chị thấy mình thật sự may mắn khi được trở về miền Nam công tác. Các thế hệ SV trường y vẫn không thể nào quên hình ảnh một cô giáo trẻ nhiệt tình trong giảng dạy, hướng dẫn tỉ mỉ trong từng tiết thực hành ở phòng thí nghiệm, trên giường bệnh ở các trung tâm y tế và bệnh viện.
Sau nhiều năm giữ cương vị Phó chủ nhiệm bộ môn nội tiết, năm 2005, bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình được đề bạt Trưởng khoa nội, Trưởng đơn vị Bàn chân Đái tháo đường Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM. Nữ bác sĩ họ Diệp thường tâm sự về nghề: “SV vào học trường y đều có lực học tốt, em nào cũng thật sự đam mê với nghề. Được rèn luyện trong môi trường có nhiều GV giỏi, xuống bệnh viện đi thực tập được tiếp xúc nhiều với mặt bệnh, tay nghề các em rất vững nên có uy tín tại các cơ sở y tế địa phương”. Tuy nhiên điều trăn trở của chị là xu thế chung còn coi trọng khoa học thực nghiệm mà chưa chú ý đến khoa học cơ bản trong lúc khoa học cơ bản là nền móng. Vì thế nghiên cứu khoa học cơ bản chưa có chất lượng cao, thiếu bài bản chỉ mới dừng lại ở mức độ thống kê, đánh giá dịch tễ, chưa thực sự là công cụ đánh giá lâm sàng. Bác sĩ Bình mong muốn thời gian tới khoa học cơ bản cần được các bộ ngành đầu tư đúng mức, các nhà sản xuất có sự tài trợ và đặt hàng để làm đòn bẩy cho khoa học cơ bản phát triển.
Ông xã của bác sĩ Thanh Bình cũng là một HS miền Nam tập kết ra Bắc, quê ở Tiền Giang và bạn học cùng khóa ở Trường ĐH Budapest. Họ đã có một tình yêu đẹp trong những ngày trên đất nước Hung-ga-ri thơ mộng, trữ tình. Ngoài công việc của một thầy thuốc về nhà chị là người vợ đảm đang, người mẹ chu toàn dạy dỗ 2 cậu con trai nên người.
Phan Ngọc Quang
Năm ngoái tại buổi giao lưu với cán bộ GV Trường ĐH Y dược TP.HCM Đoàn cán bộ Hung-ga-ri thật sự bất ngờ và xúc động khi nghe bài hát dân ca Hung-ga-ri qua giọng ca của bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình: “Con chim nhỏ dễ thương ơi! Hãy làm ơn mang những cánh thư đến những người thân yêu ở đất nước Hung-ga-ri xinh đẹp. Cảm ơn những ngày tháng tốt đẹp, những ngày sống ở Hung-ga-ri”(Con chim nhỏ). Đó cũng chính là tình cảm chung của những thế hệ lưu học sinh Việt Nam.