Thứ năm, 6/11/2014, 23h11

“Lờ” quy định cấm phát tờ rơi

Tại nhiều tuyến đường, việc phát tờ rơi vẫn diễn ra vào những giờ cao điểm

Mặc dù quy định về việc cấm phát tờ rơi tại các giao lộ, ngã tư, vòng xoay đã được ban hành nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập.
Khó xử lý triệt để
Tình trạng phát tờ rơi quảng cáo, khoan cắt bê tông… đã xuất hiện từ lâu, gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị. Chỉ cần lên mạng và gõ từ khóa “dịch vụ phát tờ rơi” thì chỉ trong vòng 0,28 giây đã cho ra 97.200 kết quả liên quan. Trên nhiều trang mạng, các công ty chuyên cung cấp dịch vụ phát tờ rơi đều đưa ra những lời quảng cáo uy tín, chất lượng. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hình thức này để thúc đẩy hoạt động quảng cáo cho đơn vị mình. Công việc phát tờ rơi dường như cũng được khá nhiều người lựa chọn để kiếm thêm thu nhập bởi tính chất công việc này không đòi hỏi yêu cầu cao.
Trước tình hình này, từ ngày 26-9-2014, UBND TP.HCM đã có chỉ thị 25/2014/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP. Theo đó, TP sẽ tiến hành xử phạt đối với người phát tán tờ rơi tại các giao lộ, vòng xoay. UBND TP.HCM đã giao cho các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động này. Khoản 6, điều 4 quyết định số 108/2002/QĐ-UB ngày 25-9-2002 của UBND TP.HCM cũng đã có quy định về việc cấm phát tán ngoài đường các loại tờ gấp, tờ rơi quảng cáo. Các loại tờ này chỉ được phát tại nơi bán hàng, trưng bày và giới thiệu sản phẩm, treo dán tại những vị trí đã được quy định. Theo điều 16 của quyết định này thì tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tại Việt Nam khi thực hiện quảng cáo trên địa bàn TP.HCM có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo và vi phạm nội dung quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM, tình trạng phát tờ rơi vẫn diễn ra vào những giờ cao điểm. Tại ngã tư Hàng Xanh, Nguyễn Duy T. (sinh viên Trường ĐH GTVT TP.HCM) cứ chờ đèn đỏ là lại thực hiện phần việc của mình. T. nhận ca làm từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30. Công việc vất vả khi phải đứng dưới trời nắng trong suốt 2 tiếng đồng hồ, xe cộ đông đúc. Mỗi khi đến đèn đỏ là T. bước xuống đường phát mỗi người đi đường một tờ quảng cáo, khi đèn xanh thì em lại quay lên vỉa hè. T. chia sẻ: “Em biết công việc này từ một bạn cùng phòng. Mỗi tiếng đứng phát tờ rơi, em được 30.000 đồng. Đối với sinh viên năm nhất như tụi em, có được một khoản thu nhập như vậy cũng trang trải được một phần nào cuộc sống xa nhà”. Khi được hỏi về quy định cấm phát tờ rơi quảng cáo, T. hồn nhiên trả lời: “Em cũng có nghe nói nhưng từ lúc làm đến nay em chưa bị phạt bao giờ”.
 Trần Ngọc H., sinh viên một trường CĐ ở Q.10 đã từng bị mời về phường vì tham gia phát tờ rơi tại ngã tư Thành Thái - Nguyễn Tri Phương. H. cho biết: “Lúc nghe các anh công an ở đồn giải thích về quy định cấm phát tờ rơi, em mới biết đó là việc phạm pháp. Sau lần đó, em sợ nên cũng không dám làm nữa”. Lực lượng phát tờ rơi đa phần là các bạn sinh viên phát thuê cho một người hay một công ty nào đó. “Nhiều lúc thấy thương các em làm việc cực mà lương bổng không bao nhiêu. Vì vậy phường và các cơ quan chức năng thẳng tay xử phạt các em thì không nỡ nên chỉ nhắc nhở các em là chính”, anh Trần Văn Hải (ngụ Q.3) chia sẻ.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền
Khi chỉ thị 25/2014/CT-UBND của UBND TP.HCM về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP.HCM được ban hành, nhiều người đồng tình với việc kiên quyết xử phạt những người phát tờ rơi quảng cáo để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng các cơ quan chức năng ra quân rầm rộ, sau đó lại “phớt lờ” vẫn còn tồn tại trên địa bàn TP. Việc phát tờ rơi có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Hơn nữa, việc này còn gây khó khăn cho nhân viên của các công ty đô thị khi phải dọn dẹp một lượng rác “khổng lồ” từ các tờ rơi mà người đi đường vứt xuống đường. Nếu không được trang bị những kiến thức về pháp luật, không có biện pháp xử lý kịp thời thì sẽ còn rất nhiều người thờ ơ với quy định này.
Bài, ảnh: Yên Hà