Thứ ba, 7/11/2017, 22h27

Mặt trái của “tấm áo” du học sớm

Chưa thể hòa nhập với môi trường mới, lạc lõng giữa văn hóa bản địa khi tuổi còn quá nhỏ. Sau một thời gian du học, nhiều gia đình phải đưa con trở lại Việt Nam. Khi đó, trẻ lại rơi vào vòng xoáy “bước hụt chân” so với các bạn tại trường. Lâu dần, trẻ sẽ tự thu mình lại, nặng hơn là trầm cảm.

Phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin du học tại một ngày hội du học. Ảnh: N.Anh

Không chỉ là ngoại ngữ, để trẻ đi du học, điều mà các bậc phụ huynh cần trang bị cho con là kỹ năng tự lập, kỹ năng chịu đựng, thích nghi với môi trường bản xứ.

Du học sớm, thành công sớm?

Chưa có một khảo sát cụ thể nào để xác định độ tuổi thích hợp nhất cho trẻ đi du học mà tùy vào điều kiện kinh tế cũng như cách nhìn nhận của từng gia đình. Tuy nhiên, đa phần các bậc phụ huynh nghĩ rằng, khi cho trẻ đi du học sớm, trẻ sẽ nhanh hòa nhập và khả năng thành công cao. Với tính “ưu việt” như thế, nhiều bậc phụ huynh đã sẵn sàng đầu tư cho con mình “xuất ngoại” từ rất sớm. “Tôi đang hoàn thiện hồ sơ để gửi con đi học bên Singapore. Bé nhà tôi hết năm nay sẽ hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học ở một trường quốc tế tại TP.HCM”, chị Thu Hồng (Q.Phú Nhuận) cho biết. Nói về việc cho con đi du học sớm, chị Hồng thẳng thắn thừa nhận rằng, đi du học sớm trẻ sẽ sớm tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến của nước ngoài. Từ đó trẻ sẽ có cơ hội phát triển, học cấp 2, cấp 3 rồi ĐH ở bên đó một cách dễ dàng hơn so với những trẻ du học muộn. Dù cũng băn khoăn con mình còn quá nhỏ để có thể xa bố mẹ, tự lập một mình, nhưng theo chị Hồng, vì tương lai của con, “đến đâu hay đến đó, bên Singapore nhà tôi cũng có họ hàng”.

Muộn hơn chị Hồng, gia đình anh Đức Phúc (Q.Thủ Đức) lại quyết định cho cậu con trai đầu đi du học ở Anh quốc khi vừa kết thúc chương trình THCS. “Gia đình tôi đã đầu tư ngoại ngữ cho con từ khi còn nhỏ. Đến giờ, bé đã có thể tự tin để giao tiếp thuần thục với người bản địa”, anh Phúc tự hào. Theo anh Phúc, lựa chọn cho con đi du học sớm là gia đình đã trao cho con chìa khóa thành công. Điều còn lại là do con phấn đấu.

“Nếu không trang bị đủ kỹ năng, trẻ dễ bị trầm cảm”

Chưa có một khảo sát cụ thể nào để xác định độ tuổi thích hợp nhất cho trẻ đi du học mà tùy vào điều kiện kinh tế cũng như cách nhìn nhận của từng gia đình.
ThS. Lê Khanh chia sẻ về hệ lụy của việc cho trẻ du học quá sớm. Ảnh: Y.Hoa

Đó là lời cảnh báo của ThS. Lê Khanh - chuyên gia tâm lý trẻ em. Theo ông Khanh, ông đã từng tư vấn cho rất nhiều gia đình cho con đi du học quá sớm và nhận cái kết “đắng”. Ông kể: “Có một gia đình ở Q.1, khi cậu con trai vừa học xong chương trình tiểu học đã gấp rút làm hồ sơ cho con sang Singapore du học. Thế nhưng, chỉ qua một học kỳ, bố mẹ phải đưa cậu bé trở về nước vì em không thể theo kịp chương trình học bên đó. Nhưng khi quay trở về, cậu bé lại rơi vào trầm cảm vì không thể hòa nhập được với chính những điều vốn dĩ đã quen thuộc, em không chịu đến trường…”. Từ trường hợp trên, ông Khanh nhấn mạnh: “Đừng tưởng có trình độ ngoại ngữ là đã đủ. Điều quan trọng nhất cho một đứa trẻ khi đi du học đó chính là kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thích ứng với môi trường, nền văn hóa, thói quen của người bản xứ. Điểm chung của những đứa trẻ du học buộc phải quay về nước giữa chừng là các em không thể hòa nhập được với các bạn bản xứ, chỉ có thể chơi, trò chuyện với bạn bè cùng màu da hoặc cùng nền văn hóa”.

Cũng theo ông Khanh, lứa tuổi chín nhất để đi du học là khi trẻ đã tự ý thức được những hành động của bản thân. “Ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, trẻ không thể tự mình xử lý khủng hoảng được. Khi du học quá sớm, cảm giác đơn độc, những tổn thương tâm lý đối với trẻ là không thể tránh khỏi”, ông Khanh nói.

Yến Quân