Thứ ba, 15/6/2021, 14h04

Nhà virus học tại Vũ Hán nói gì về giả thuyết Covid-19 từ phòng thí nghiệm?

Bà Thạch Chính Lệ, nhà khoa học nghiên cứu về virus Corona tại Viện Virus học Vũ Hán, đã phủ nhận việc cơ sở nghiên cứu của bà đã làm rò rỉ virus gây đại dịch Covid-19.
Bà Thạch Chính Lệ trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 tại Viện Virus học Vũ Hán /// AFP
Bà Thạch Chính Lệ trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 tại Viện Virus học Vũ Hán. AFP
“Làm sao mà tôi có thể đưa ra bằng chứng cho điều mà không hề có bằng chứng nào”, tiến sĩ Thạch Chính Lệ thuộc Viện Virus học Vũ Hán (WIV) tức giận trả lời phỏng vấn, theo tờ The New York Times ngày 14.6.
“Tôi không biết làm thế nào thế giới lại đi tới mức này, liên tục trút những thứ rác rưởi lên một nhà khoa học vô tội”, bà Thạch trả lời.
Cuộc phỏng vấn được đưa ra trong bối cảnh lời kêu gọi điều tra khả năng virus gây Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán gia tăng trong thời gian gần đây. Bà Thạch cho rằng những nghi ngờ này là vô căn cứ và bác bỏ thông tin đồng nghiệp của bà có thể đã bị bệnh tương tự Covid-19 trước khi đại dịch bùng phát.
WIV có gần 300 nhân viên và là một trong 2 nơi có phòng thí nghiệm với cấp độ an toàn sinh học cao nhất tại Trung Quốc. Bà Thạch là người dẫn đầu nghiên cứu của viện về các bệnh truyền nhiễm mới nổi và trong nhiều năm, bà đã cùng đồng nghiệp thu thập hơn 10.000 mẫu nghiên cứu từ loài dơi ở khắp Trung Quốc.
Bà Thạch (57 tuổi) có bằng tiến sĩ tại Đại học Montpellier (Pháp) vào năm 2000 và bắt đầu nghiên cứu loài dơi từ năm 2004 sau đại dịch SARS. Năm 2011, bà đạt bước đột phá khi phát hiện dơi trong hang động tại tây nam Trung Quốc mang virus Corona, tương tự như virus gây SARS.
Những năm gần đây, bà Thạch bắt đầu thử nghiệm biến đổi gien virus Corona trên loài dơi để tìm hiểu cách hoạt động của chúng.
Nhà virus học tại Vũ Hán nói gì về giả thuyết Covid-19 từ phòng thí nghiệm? - ảnh 1
Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 tại Viện Virus học Vũ Hán. AFP
Theo The New York Times, bà Thạch và một số nhà khoa học đã đăng một báo cáo vào năm 2017 về thử nghiệm trong đó họ tạo ra chủng virus Corona mới trên dơi, lai giữa các chủng đã có, gồm loại có thể lây nhiễm cho người, nhằm nghiên cứu khả năng lây nhiễm và sản sinh của chúng trong tế bào con người.
Một số nhà khoa học cho rằng bà Thạch có thể là người dẫn đầu nghiên cứu gain-of-function (GOF) của WIV, loại nghiên cứu mà các nhà khoa học tìm cách gia tăng sức mạnh của virus nhằm tìm hiểu tốt hơn về tác động của nó lên vật chủ.
Tuy nhiên, bà Thạch tuyên bố rằng thử nghiệm của bà khác với thử nghiệm GOF vì bà không tìm cách làm cho virus nguy hiểm hơn, mà chỉ nhằm tìm hiểu cách nó nhảy sang những loài khác.
“Phòng thí nghiệm của tôi chưa từng thực hiện hay hợp tác trong việc thử nghiệm GOF để gia tăng độc lực của các virus”, bà Thạch Chính Lệ nói.
Theo Vi Trân/TNO