Thứ bảy, 15/5/2021, 10h24

Nhiều chuyển biến tích cực nhờ tiêm chủng COVID-19

Hiện nay, tại một số quốc gia, nhiều thông tin lạc quan về hiệu quả của việc tiêm vaccine COVID-19 cho thấy, nhịp sống có thể sớm trở lại bình thường như trước đại dịch thông qua tiêm chủng.
CDC Mỹ cập nhật hướng dẫn về khẩu trang với người đã tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ hôm 13.5.
Mỹ ra hướng dẫn cập nhật với người đã tiêm vaccine
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 13.5 khuyến nghị những người đã tiêm chủng đầy đủ không cần đeo khẩu trang ở ngoài trời và có thể tránh đeo khẩu trang ở hầu hết các nơi trong nhà. Những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không phải giãn cách vật lý ở hầu hết các địa điểm.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho hay, hướng dẫn mới dựa trên việc giảm mạnh các ca mắc COVID-19, mở rộng tiêm chủng cho người trẻ tuổi hơn và hiệu quả của các vaccine chống lại những biến thể SARS-CoV-2. “Chúng tôi tuân theo khoa học ở động thái này" - ông nhấn mạnh.
Thông cáo của CDC lưu ý: “Trong vài tuần qua, chúng tôi xem dữ liệu bổ sung thấy những vaccine này hoạt động trong thế giới thực, chúng chống các biến thể và những người đã tiêm chủng ít có khả năng lây truyền virus hơn. Chúng tôi đã dành thời gian để xem xét toàn bộ bằng chứng để đi đến quyết định này".
Tổng thống Joe Biden không đeo khẩu trang khi đến phát biểu Nhà Trắng cũng như trong cuộc họp với các nhà lập pháp hôm 13.5 sau khuyến nghị của CDC. “Tôi nghĩ đây là một cột mốc tuyệt vời, một ngày tuyệt vời" - ông nói.
“Nếu các bạn đã được tiêm chủng đầy đủ và có thể tháo khẩu trang, các bạn đã giành được quyền làm điều mà người Mỹ được biết đến trên toàn thế giới: Chào người khác với một nụ cười" - tổng thống Mỹ chia sẻ.
Hướng dẫn sửa đổi là bước quan trọng để trở lại cuộc sống trước đại dịch nhưng CDC Mỹ vẫn khuyến nghị những người đã tiêm chủng nên đeo khẩu trang trên máy bay, tàu hỏa, tại các sân bay, trung tâm trung chuyển, trên các phương tiện giao thông công cộng và những nơi như bệnh viện và phòng khám.
Theo hướng dẫn ngày 13.5, những người Mỹ đã tiêm vaccine COVID-19 có thể tiếp tục mọi chuyến đi lại, không cần cách ly sau các chuyến đi quốc tế và không cần xét nghiệm COVID-19 nếu tiếp xúc với người dương tính với COVID-19 nhưng không có triệu chứng.
Vaccine cứu sống hàng chục nghìn người ở Anh
Phân tích của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết, việc triển khai vaccine COVID-19 ở Anh đã ngăn chặn gần 12.000 ca tử vong và hơn 30.000 ca nhập viện ở người lớn tuổi. Cụ thể, đến cuối tháng 4, chương trình tiêm chủng ở Anh đã ngăn ngừa được 11.700 ca tử vong ở những người từ 60 tuổi trở lên. Ước tính khoảng 33.000 ca bệnh từ 65 tuổi trở lên đã tránh phải nhập viện trong cùng giai đoạn.
Số liệu của PHE không bao gồm Scotland, Wales hoặc Bắc Ireland. PHE lưu ý, ước tính chỉ tính đến những tác động trực tiếp của vaccine và bằng chứng "rõ ràng và ngày càng tăng" cho thấy vaccine giúp giảm lây truyền. Điều này có nghĩa là số ca tử vong và nhập viện mà vaccine ngăn chặn được có khả năng cao hơn.
"Vaccine đã cứu sống rất nhiều người và giờ đây chúng ta có thể nhìn thấy những tác động to lớn của vaccine với ngăn chặn bệnh nặng và qua đó bảo vệ các bệnh viện của chúng ta" - Mary Ramsay, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng tại PHE, nói. Anh đã tiêm cho 2/3 dân số trưởng thành ít nhất một liều vaccine COVID-19, góp phần tạo thuận lợi cho nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế trước mùa hè của Thủ tướng Boris Johnson.
Trong khi đó, hơn 1/4 người được hỏi ở Liên minh Châu Âu không sẵn lòng tiêm chủng khi vaccine sẵn có, một cuộc khảo sát do Eurofound thực hiện chỉ ra. Kết quả này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc do dự tiêm vaccine và việc sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là ở những người có nguồn thông tin chính là mạng xã hội, Eurofound lưu ý.
Ấn Độ sẽ sản xuất vaccine Sputnik V trong nước từ tháng 7
Cũng liên quan tới vaccine, vaccine Sputnik V của Nga "hy vọng sẽ có mặt trên thị trường Ấn Độ vào tuần tới" - V.K. Paul, cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ Ấn Độ, chia sẻ hôm 13.5. Cố vấn V.K. Paul tiết lộ thêm, Ấn Độ sẽ sản xuất vaccine Sputnik V trong nước từ tháng 7. Và kể từ tháng 8 đến tháng 12, dự kiến 156 triệu liều Sputnik V được sản xuất tại Ấn Độ. Đây là một phần trong hơn 2 tỉ liều vaccine được sản xuất ở quốc gia Nam Á trong giai đoạn 5 tháng kể trên để sử dụng trong nước. Ấn Độ cũng đang tiếp tục nhận nguồn cung y tế từ cộng đồng quốc tế để chống đại dịch. Các lô thiết bị mới gồm máy tạo ôxy, bình ôxy, bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh và máy thở đến từ nhiều nước như: Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản, Indonesia, Đức và Phần Lan.
Trong diễn biến khác, ngày 13.5, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói rằng, Bắc Kinh ủng hộ đề xuất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 để bước vào giai đoạn tham vấn. “Trung Quốc ủng hộ đề xuất của WTO về việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ với các nguyên liệu chống dịch như vaccine COVID-19 để bước vào giai đoạn tham vấn văn bản" - ông Gao Feng nói. Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc sẽ làm việc với tất cả các bên để tham gia tích cực vào các cuộc tham vấn và cùng thúc đẩy một giải pháp cân bằng và hiệu quả".
Mỹ trước đó ủng hộ từ bỏ bảo hộ bằng sáng chế vaccine COVID-19 để sớm chấm dứt đại dịch trong khi Anh và Liên minh Châu Âu hoài nghi về tính khả thi của đề xuất này. Các hãng dược phẩm và một số chính phủ khác cũng phản đối ý tưởng này.
HẢI ANH (theo laodong)