Thứ năm, 30/6/2022, 10h52

Nội bộ Nga chia rẽ về lợi hại của đồng rúp mạnh-yếu

Nội bộ Nga đang tranh luận xem xu hướng đồng rúp mạnh là tốt hay xấu đối với nền kinh tế.
Đồng rúp Nga tăng mạnh không hẳn là điều tốt cho nền kinh tế.
Chính phủ Nga đang chia rẽ về cách xử lý đồng rúp tăng giá, khi Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính có tiếng nói trái chiều về việc có nên duy trì tỷ giá hối đoái hiện tại hay không - RT đưa tin.
Kể từ khi sụt giảm lịch sử vào đầu tháng 3 khi các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây được tung ra, đồng rúp đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm so với đồng USD và đồng Euro.
Đồng tiền của Nga đã được củng cố bởi các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, giá năng lượng tăng vọt và việc chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều chuyên gia và quan chức băn khoăn liệu chính phủ có nên can thiệp hay không.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina - người đã chèo lái nền kinh tế vượt qua thất bại từ đầu cuộc xung đột ở Ukraina và các lệnh trừng phạt - hôm 29.6 đã cảnh báo về việc làm suy yếu đồng rúp xuống mức tháng 2. Bà nói, bất kỳ sự can thiệp nào cũng sẽ làm cho tỷ giá hối đoái trở nên giả tạo, dẫn đến mất giá và khiến Nga phụ thuộc nhiều hơn vào các chính sách tài chính của các nước khác.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Nga đã lên tiếng báo động về tỷ giá hối đoái, cảnh báo rằng đồng rúp mạnh lên đang gây hại cho nền kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết, đồng rúp mạnh đang gây thiệt hại cho ngân sách Nga hàng nghìn tỉ USD, và Bộ sẵn sàng thực hiện các bước để làm suy yếu đồng rúp. Ông gợi ý, chính phủ có thể sử dụng lợi nhuận từ xuất khẩu dầu khí và tiền tiết kiệm được từ việc giảm chi tiêu để mua ngoại tệ, đồng thời nói thêm rằng Nga có thể đầu tư vào tiền tệ của "các quốc gia thân thiện", vì đồng euro và đồng USD về cơ bản là "độc hại” do các lệnh trừng phạt.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng đồng rúp mạnh khiến các doanh nghiệp xuất khẩu không có lãi. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Maxim Reshetnikov, việc mua ngoại tệ bằng tiền tiết kiệm ngân sách sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Các nhà chiến lược tiền tệ phương Tây tỏ ra nghi ngờ về việc đồng rúp tăng giá, cho rằng nó đang được chính phủ giữ ở mức cao một cách giả tạo, trong khi nền kinh tế đang sụt giảm. Trong vài tuần qua, Ngân hàng Trung ương đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát vốn để cố gắng làm suy yếu đồng rúp, nhưng nó vẫn tiếp tục mạnh lên. Tháng trước, Bloomberg đã gọi đồng rúp là đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay.
PV (theo laodong)