Thứ ba, 1/12/2020, 10h32

Tăng kiểm soát chất lượng đăng kiểm ô tô

Hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây cho thấy, nguy cơ tai nạn luôn tăng cao vào dịp cuối năm. Đặc biệt, nguyên nhân nhiều vụ tai nạn được công bố là “mất thắng”, “nổ lốp” khiến dư luận không khỏi lo ngại về tình trạng an toàn kỹ thuật của xe khi lưu thông trên đường. Nỗi lo ngại này càng có cơ sở, khi một số trung tâm đăng kiểm bị phát hiện có nhiều tiêu cực.
Công tác kiểm tra, giám định ô tô tại Trạm đăng kiểm 29-03S, Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC
Công tác kiểm tra, giám định ô tô tại Trạm đăng kiểm 29-03S, Hà Nội. 
Lỗi kỹ thuật gây chết người
Có thể điểm tên một số vụ tai nạn xảy ra trong vài tháng trở lại đây, có nguyên nhân liên quan đến lỗi kỹ thuật của phương tiện. Vụ tai nạn xảy ra sáng 26-7, một chiếc xe chở đoàn cựu học sinh tại TP Đồng Hới đi tham quan, bất ngờ đâm vào ta-luy đường, rồi rơi xuống rãnh nước sâu khiến 13 người tử vong, nhiều người bị thương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn là xe đã bị mất thắng.
Một vụ tai nạn khác xảy ra ngày 24-10, trên đoạn tỉnh lộ 623B, thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Theo thông tin từ cơ quan công an, thời điểm xảy ra tai nạn, xe tải đang lưu thông bất ngờ bị nổ lốp, tông liên tiếp vào 4 nhà dân ven đường, làm 2 người chết tại chỗ, 4 người bị thương.
Mới đây, ngày 22-11, một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 6 (Hòa Bình), chiếc xe khách giường nằm bị lật khiến 2 người tử vong và nhiều người bị thương. Cơ quan điều tra cho biết, nguyên nhân tai nạn là do xe mất thắng khi xuống dốc… 
Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), tình trạng kỹ thuật của phương tiện là yếu tố đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an toàn giao thông. Các hệ thống thắng, hệ thống lái, hệ thống điện, lốp... đều bị lão hóa theo thời gian, mất tính năng đảm bảo an toàn dẫn đến nguy cơ tai nạn. Đó là lý do phương tiện cần phải đăng kiểm theo định kỳ. Sau lần đăng kiểm đầu tiên có thời hạn dài nhất 12-30 tháng/lần, các chu kỳ đăng kiểm tiếp theo của ô tô rút ngắn dần theo thời gian; xe trên 12 năm phải đăng kiểm 6 tháng/lần. Đặc biệt, loại xe chở người trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên, xe tải các loại, xe đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên, thời hạn đăng kiểm chỉ còn 3 tháng/lần. 
Tuy quy định chặt chẽ như vậy, nhưng thực tế đã có không ít vụ việc đăng kiểm viên bỏ lọt lỗi kỹ thuật phương tiện, đồng nghĩa với việc vẫn có những phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật lưu thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chết người.
Điển hình, hồi đầu tháng 11-2020, Cục trưởng Cục ĐKVN Trần Kỳ Hình đã ký quyết định đình chỉ công tác 1 tháng đối với đăng kiểm viên Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Việt Tân của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 88-03D Vĩnh Phúc, sau khi tổ kiểm tra chuyên ngành phúc tra chất lượng kiểm định tại đơn vị này và phát hiện một ô tô có hạng mục thắng, còi xe không đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn được xác nhận đạt. Cục ĐKVN cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác nhiều đăng kiểm viên hoặc dây chuyền đăng kiểm ở Trung tâm 50-03S (quận Thủ Đức) và Trung tâm 50-12D (huyện Bình Chánh, TPHCM); Trung tâm 60-05D (tỉnh Đồng Nai)… vì bỏ qua lỗi kỹ thuật trong quá trình kiểm định phương tiện.
Trước đó, Cục ĐKVN từng thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới đối với Trung tâm Đăng kiểm 98-03D (Bắc Giang) sau khi phát hiện đăng kiểm viên của trung tâm này cấp khống giấy chứng nhận cho xe không kiểm định thực tế.
Tăng tiêu cực do tăng trung tâm đăng kiểm (?!)
Theo Cục ĐKVN, hiện cả nước có gần 4 triệu ô tô đang lưu hành, con số này còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Để đáp ứng nhu cầu kiểm định kỹ thuật, số lượng các trung tâm đăng kiểm cũng tăng chóng mặt, nhất là từ khi chủ trương xã hội hóa trung tâm đăng kiểm được thực hiện. Tính đến thời điểm này, cả nước có 227 trung tâm đăng kiểm, trong đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, có thêm 23 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận và đi vào hoạt động.
Theo ông Trần Kỳ Hình, việc thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm định xe cơ giới đã huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực đăng kiểm, tạo thuận lợi hơn cho chủ phương tiện, lái xe khi đi đăng kiểm. Tuy nhiên, do số lượng trung tâm đăng kiểm gia tăng nhanh, nhiều vấn đề tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng công tác đăng kiểm cũng đã phát sinh. 
Cục ĐKVN đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát chất lượng kiểm định phương tiện, bao gồm giám sát trực tuyến qua phần mềm quản lý, kết hợp phúc tra đột xuất kết quả đăng kiểm. Bên cạnh đó, Cục ĐKVN cũng đang thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, tự động hóa trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới và quản lý trung tâm đăng kiểm, hạn chế thấp nhất việc gian lận, vi phạm chất lượng đăng kiểm. 
Nhận định hoạt động đăng kiểm là hoạt động có điều kiện, nếu lơ là quản lý rất dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, TS Đỗ Khắc Sơn, Trường Đại học GTVT Hà Nội, nhấn mạnh, ý thức tự giác là quan trọng nhưng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo các đơn vị không vì mục tiêu lợi nhuận mà dễ dãi trong kiểm soát tiêu chuẩn phương tiện.
Để nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm một cách căn cơ hơn đối với các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa, ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục ĐKVN, cho biết, các cơ quan soạn thảo đã bổ sung vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định “chủ đầu tư, cá nhân, doanh nghiệp thành lập trung tâm đăng kiểm chịu trách nhiệm đối với hoạt động của trung tâm đăng kiểm”, nhằm luật hóa trách nhiệm của chủ đầu tư và lãnh đạo cao nhất của trung tâm đăng kiểm, không để xảy ra tình trạng nhà đầu tư phó mặc việc quản lý, kiểm soát chất lượng đăng kiểm cho người được thuê làm giám đốc trung tâm đăng kiểm.
MINH DUY (theo SGGP)