Thứ năm, 18/2/2016, 21h40

Trải nghiệm điều hay từ kỳ thực tập

Trong khi sinh viên các trường ĐH ở Việt Nam đang tất bật chuẩn bị cho kỳ thực tập năm cuối thì tại nhiều nước thuộc châu Âu, châu Mỹ, kỳ thực tập của sinh viên đã bắt đầu vài tháng trước đó.

Lê Việt Hà đang chia sẻ kinh nghiệm thực tập tại hội thảo do Công ty du học G’conect (TP.HCM) tổ chức

Giống như ở Việt Nam, kết quả thực tập ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích học tập hoặc quyết định kết quả tốt nghiệp của sinh viên. Tuy nhiên, đối với du học sinh, đây còn là cơ hội để tiếp xúc với môi trường chuyên nghiệp, làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực mình theo đuổi để hiểu rõ hơn về tính chất công việc; đồng thời cũng là cơ hội để tìm kiếm việc làm và nhất là “đánh bóng” CV tìm việc sau này.

Chủ động tìm vị trí thực tập

Lê Việt Hà, cựu sinh viên Trường ĐH Bolton (Anh), cho biết: “Thông thường, các trường sẽ có sự hỗ trợ cho sinh viên trong việc tìm kiếm chỗ thực tập nhưng chỉ giới hạn trong 1-2 vị trí nên nguồn hỗ trợ rất khan hiếm. Do đó, hầu như sinh viên buộc phải tìm kiếm chỗ thực tập cho mình thông qua các mối quan hệ hoặc nguồn tin trên các phương tiện truyền thông. Du học sinh có thể di chuyển đến quốc gia mình thích (nếu được công ty nhận thực tập - PV), hoặc về quê nhà tìm địa chỉ thực tập. Đây sẽ là những trải nghiệm giúp bạn có thêm nhiều kỹ năng, năng động hơn trong môi trường làm việc quốc tế. Chỉ riêng việc bạn “đơn thương độc mã” nộp hồ sơ và thể hiện mình trong các vòng phỏng vấn đã là điểm được các công ty đánh giá cao”.

Việt Hà cho biết thêm, tại Anh, thực tập sinh trên 21 tuổi có thể yêu cầu được trả mức lương tối thiểu 6,08 bảng cho một giờ làm việc và 4,98 bảng cho những người từ 18 đến 20 tuổi. Mỗi kỳ thực tập có thể kéo dài khác nhau, tùy theo mục đích, đặc điểm của từng ngành học. “Bạn sẽ được yêu cầu phải có mặt đúng giờ và làm việc như một nhân viên với một số giờ nhất định để hoàn thành một số công việc cụ thể và báo cáo với người hướng dẫn thực tập. Tại Pháp, mức lương bắt buộc công ty phải trả cho các thực tập sinh đi thực tập trên 2 tháng là khoảng 450 Euros/tháng. Mỗi công ty có chế độ lương khác nhau và sẽ có mức tiền thưởng hoặc hình thức thưởng tương xứng với tinh thần trách nhiệm thực tập sinh bỏ ra. Bạn tôi từng nhận được mức lương 520 Euros/tháng cho kỳ thực tập 6 tháng khi đến thực tập ở một hiệp hội truyền thông đa phương tiện. Kết thúc kỳ thực tập, bạn này còn được tặng thưởng 300 Euros cùng hai xấp vé ăn nhà hàng có giá trị khoảng 200 Euros/tháng”, Việt Hà cho hay.

Du học sinh Việt Nam (thứ 2 từ phải qua) đang thực tập ngành quản trị khách sạn tại Thụy Sĩ

Tương tự, Ngô Nhất Tài, sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Long Wood (Mỹ), đang trải qua kỳ thực tập tại bộ phận phát triển sản phẩm của một tập đoàn thời trang tại Mỹ nói: “Thông thường, sinh viên người nước ngoài sẽ khó xin chỗ thực tập hơn sinh viên người bản địa nên ban đầu tôi cũng có ý định về nước tìm cơ hội thực tập trong một công ty nước ngoài cho gần nhà. Nhưng nếu như vậy thì sẽ không có cơ hội được trải nghiệm làm việc trong môi trường khắc nghiệt, không có cơ hội được trải nghiệm những gì mình được học vào môi trường thực tế nên tôi quyết định xin thực tập có lương tại Mỹ dù việc xin thực tập rất khó”.

Đừng quá thụ động

Một số công ty, tập đoàn sẽ trả lương hoặc một khoản phí đủ để tiêu dùng trong kỳ thực tập cho các thực tập sinh.

Nói về quãng thời gian đầu thực tập, Nhất Tài cho biết các công ty nước ngoài, nhất là các công ty lớn có quy định rất nghiêm ngặt về thời gian, hiệu quả công việc và vấn đề bảo mật nên thời gian đầu nhiều thực tập sinh thường bị ngợp, nhất là với các sếp. “Trong những tuần đầu mới thực tập, công việc của tôi hầu như chỉ gắn liền với máy pha cà phê, máy photocopy, gom giấy trong máy hủy giấy tờ. Sau hơn 2 tuần quan sát thực tế và làm quen với các nhân viên trong phòng, tôi bắt đầu hỏi họ xem có gì cần giúp không, gõ cửa phòng người quản lý và thẳng thắn trình bày nguyện vọng. Khi nghe tôi nói xong, ông quản lý nhìn tôi và nói: “Tốt, làm bộ phận phát triển sản phẩm phải như thế này. Tôi thích cá tính của cậu”. Ngày hôm sau, tôi được giao vào đội nghiên cứu thị trường, vào các cửa hàng thời trang quan sát và tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu của khách hàng về một số nhãn hàng của công ty. Kinh nghiệm từ những người đi trước cho thấy, bạn không nên thụ động trong môi trường làm việc nước ngoài vì nếu thụ động, bạn sẽ không có được công việc mong muốn, không được cọ xát và trải nghiệm thực tế, công việc của bạn chỉ giống như lao công quét dọn mà thôi”, Tài chia sẻ.

Bài, ảnh: Linh Vy