Thứ ba, 8/9/2020, 10h17

Xe buýt đang... lao dốc

Toàn cảnh xe buýt ở TP HCM được nhiều doanh nghiệp ví như đứa trẻ đang dần suy dinh dưỡng, nếu không có "thuốc" thì khó lớn lên để cống hiến cho xã hội.
Thu không đủ chi, tiền trả góp, lãi suất ngân hàng đè nặng, nợ nần triền miên là tình cảnh của ông Nguyễn Văn Quý, xã viên Liên hiệp HTX Vận tải TP HCM - người đang kinh doanh 20 xe buýt thuộc 2 tuyến số 104 và 14.
Nợ chồng nợ
Theo ông Nguyễn Văn Quý, ông bắt đầu tham gia hoạt động xe buýt từ năm 2003, qua 2 lần đổi xe theo dự án 1.318 và 1.680, giờ ông đang ngập trong nợ. "Chưa bao giờ xe buýt rơi vào tình cảnh khó khăn như 4 năm qua, nhất là từ năm 2016 khi phải đổi xe mới theo Đề án 1.680 của TP HCM. Chúng tôi sống chết với xe buýt 17 năm rồi, có ăn có chịu, cũng cố gắng lay lắt chờ một chính sách mới nhưng khó khăn thế này không biết cầm cự được không" - ông Quý than thở.
Ông Quý kể năm 2016, ông bỏ tiền túi gần 10 tỉ đồng để mua 20 xe mới, trong đó 12 xe chạy nhiên liệu CNG, 8 xe chạy dầu và nghĩ rằng xe mới sáng sủa, hành khách lên xe nhiều, phục vụ tốt hơn thì trợ giá sẽ tăng. Thế nhưng, mọi thứ đều ngược lại. Bằng chứng là từ lúc đổi xe đến nay, mỗi tháng ông phải bỏ tiền túi gần 200 triệu đồng để bù lỗ. Lý do là giá xe mới cao gấp 3 lần xe cũ, chủ xe phải vay ngân hàng 70% và trả lãi suất hằng tháng cộng thêm tiền nhân công tăng gấp đôi, chi phí mua phụ tùng, sửa xe, bảo trì đều tăng nhưng trợ giá lại thấp như mức dành cho xe cũ. "Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sản lượng khách giảm một nửa, mở mắt ra mỗi ngày là nợ nần bao vây. Vì lẽ đó, nhiều lúc tài xế gọi báo xe hư, tôi chỉ biết ngậm ngùi tắt điện thoại… Cơ sự này không biết còn trụ được bao lâu" - ông Quý nói bản thân đang bế tắc.
Dù đã có nhiều cố gắng nhưng hoạt động xe buýt ở TP HCM vẫn không hiệu quả 
Ông Quý nhẩm tính 4 năm nay, để nuôi "20 đứa con" èo uột, ông đã cầm sổ đỏ vay ngân hàng gần 5 tỉ đồng, mỗi tháng phải chạy vạy để đóng lãi 50 triệu đồng, chưa kể tiền nợ cây xăng và cửa hàng phụ tùng ôtô gần 700 triệu đồng.
Dù chỉ có một chiếc xe chạy tuyến 56 nhưng vợ chồng ông Phan Minh Trung (quận Thủ Đức) nói như mếu: Qua đợt dịch bệnh này, nếu ngân hàng xiết nợ bằng cách tịch thu xe thì cũng đành chịu vì tuyến số 56 hoạt động lỗ triền miên. Tình trạng lỗ bắt đầu từ khi vợ chồng ông phải vay ngân hàng để mua xe mới, lãi suất ngân hàng đè nặng mỗi tháng trong khi tiền trợ giá chỉ đủ đổ dầu. Vợ chồng ông phải bỏ nhà theo xe, chồng làm tài xế, vợ làm tiếp viên vì không có tiền thuê nhân công.
Những ngày cả nước phòng chống dịch Covid-19, sản lượng khách sụt giảm khoảng 50% khiến hoạt động xe buýt càng khó khăn. Đi đến đâu, chúng tôi cũng nghe tiếng thở dài của chủ xe, doanh nghiệp kinh doanh xe buýt. Như các tuyến số 74, 14 hay những tuyến số 13, 94 vừa chuyển từ loại hình xe trợ giá sang không trợ giá, chủ xe than trời vì không có tiền đổ dầu. Câu chào hỏi giữa những người hành nghề xe buýt bây giờ được thay bằng câu hỏi: Khi nào Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Trung tâm)- Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM rót trợ giá? "Hai tháng nay đã ngừng trợ giá, tiền tạm ứng cũng không có. Cứ cắm đầu chạy mà không biết được trợ giá bao nhiêu, chông chênh quá" - ông Trung nói.
Những cuộc... tháo chạy
Vòng quay nợ nần gây ra nhiều hệ lụy với hàng chục tuyến xe buýt ngừng hoạt động, kế hoạch đầu tư xe mới chững lại…
Thống kê mới nhất của Sở GTVT cho thấy từ đầu năm 2020 đến nay đã ngưng hoạt động 5 tuyến xe buýt (4 tuyến có trợ giá, 1 tuyến không trợ giá). Tính từ năm 2018 đến nay đã có 11/105 tuyến xe buýt có trợ giá tạm ngưng hoạt động. Nguyên nhân do sản lượng xe buýt tụt dốc, doanh nghiệp thu không đủ bù chi, mức trợ giá chưa tính đúng, tính đủ khiến nhiều chủ xe tháo chạy. Sở GTVT nhìn nhận việc dừng hoạt động các tuyến xe buýt đã ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách, tiến độ đầu tư thay thế xe mới bị chững lại dù đã đạt 61,2%, phá sản kế hoạch mở mới một số tuyến kết nối với các khu đô thị mới, khu dân cư mới được UBND TP cho phép.
 
Xe buýt nhếch nhác và vắng khách
Trong số những tuyến dừng hoạt động, theo ghi nhận của chúng tôi, đáng lưu ý nhất là có cả những tuyến có lượng khách đông, vốn là tâm huyết của doanh nghiệp. Điển hình là tuyến số 54 của Công ty CP Vận tải TP HCM, lộ trình đi qua hàng loạt bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Bình Dân, Gia Định, Ung Bướu, với sản lượng khách trung bình 1,7 triệu lượt khách/năm, khoảng 4.700 lượt khách/ngày. Tuy nhiên, với mức trợ giá quá thấp cộng thêm khoán sản lượng cao khiến công ty này lỗ hơn 5 tỉ đồng (từ năm 2017 đến 2019), chịu không nổi nên cuối năm 2019, công ty đã xin ngừng tuyến.
"Tuyến này chủ yếu chở người dân đi thăm, khám bệnh. Nó như đứa con tinh thần của chúng tôi nhưng do không thể cáng đáng nợ nần, chúng tôi đành rứt ruột xin ngừng" - ông Nguyễn Văn Lèo, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải TP HCM, chia sẻ.
Áp lực tăng cao, chất lượng suy giảm
Theo các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt, việc nhiều chủ xe tháo chạy khiến áp lực tăng chuyến đè nặng lên các xe còn lại. Từ đây, tài xế và tiếp viên không có thời gian nghỉ ngơi do quay đầu xe liên tục, chủ xe không có thời gian tu bổ phương tiện khiến xe hư hỏng, xuống cấp, kéo theo chất lượng phục vụ giảm.
Thực tế chứng minh, từ ngã tư An Sương, chúng tôi đón tuyến số 94 đến Bến xe Củ Chi, rảo mắt một vòng mới tìm được chiếc ghế khá nguyên vẹn, xe có máy lạnh đủ mát nhưng cũ kỹ, bốc mùi ẩm mốc. Đôi mắt quầng thâm, anh Nguyễn Văn Nghĩa, tài xế kiêm chủ xe, mệt mỏi cho hay nhiều chủ xe chạy lỗ, mang xe bán sắt vụn đã tạo áp lực lên các xe còn lại, mỗi xe phải tăng 2 - 3 chuyến/ngày, chạy hoài không được nghỉ ngơi, thèm ngủ lắm!
Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích Vân (xã viên tuyến số 13) bức xúc kể mỗi ngày tài xế, tiếp viên làm việc 12 - 14 giờ nhưng 1 tháng không có ngày nghỉ, 1 năm cũng không có ngày nghỉ do phải choàng thêm chuyến cho các xe ngừng chạy. "Như tuyến số 13, trước đây có 25 xe, nay chỉ còn 18 xe, mỗi xe phải chạy 8 - 10 chuyến thay vì 6 - 7 chuyến như trước. Áp lực thời gian cộng thêm tình trạng kẹt xe khiến xe quay đầu không kịp, tài xế, tiếp viên gần như vừa ngồi trên xe vừa ăn cơm hộp, rất phản cảm. Cũng đã có trường hợp bị Trung tâm xử phạt, biết là sai nhưng không tài xế nào muốn như vậy" - chị Bích Vân phân trần.
Ông Nguyễn Văn Quý thì thẳng thắn thừa nhận chất lượng phục vụ hành khách đang đi xuống nhưng lại không thể trách nhân viên. "Mình là chủ xe thì nợ nần nên không có tiền tu bổ xe, không thể tăng lương cho tài xế, tiếp viên dù áp lực công việc cao. Cái bụng người ta không no mà bắt làm nhiều thứ cho tốt không dễ chút nào. Chỉ mong nhà nước tính lại mức trợ giá, mức khoán sản lượng cho đúng thực tế, bảo đảm tính đúng, tính đủ để chủ xe yên tâm hoạt động" - ông Quý kiến nghị. 
THU HỒNG (theo NLD)