Thứ sáu, 10/4/2020, 09h56

Xuất hiện tâm lý chủ quan, coi chừng “vỡ trận” trước dịch Covid-19

Vài ngày gần đây, tại một số thành phố lớn, số người đi ra đường khá đông. Cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng với tư tưởng chủ quan như vậy của nhiều người dân sẽ khiến virus lây lan, dịch bùng lên lúc nào không biết.
Ngày 10-4 là ngày thứ 10 cả nước thực hiện việc cách ly xã hội theo chỉ đạo trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù vậy, qua ghi nhận của phóng viên, trong những ngày gây đây trên địa bàn Hà Nội, TPHCM và một số địa phương khác thì số người đi ra đường khá đông.
Tại một số tuyến đường ở Hà Nội như: Láng, Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Văn Lương... mật độ phương tiện tăng khá cao. Cùng với đó tại một số khu vực như hồ Hoàng Cầu, Ngọc Khánh, Thành Công vào buổi chiều có rất đông người đi tập thể dục dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo không ra ngoài đường trong thời điểm này nếu không có việc cần thiết.
Xuất hiện tâm lý chủ quan, coi chừng vỡ trận trước dịch Covid-19 ảnh 1
Đường Láng tại Hà Nội khá đông người và phương tiện dù đang trong giai đoạn cả xã hội phải giãn cách để phòng ngừa lây lan dịch Covid-19
Phản ứng trước việc nhiều người dân đang không tuân thủ thực hiện quy định giãn cách xã hội, chủ quan trước dịch Covid-19, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam, Bộ Y tế nêu rõ, cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng với tư tưởng chủ quan như vậy của nhiều người dân sẽ khiến virus lây lan, dịch bùng lên lúc nào không biết.
Ở nước ngoài đã chứng minh quốc gia nào thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ kiểm soát được dịch, nếu không sẽ "vỡ trận" ngay. Việc chủ quan này có thể xuất phát từ tâm lý là vài ngày gần đây số người mắc Covid-19 tại Việt Nam đang giảm.
"Tuy nhiên thực tế, không phải vậy. Dịch đang âm thầm và hoàn toàn có thể bùng lên. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giãn cách xã hội rất quan trọng. Vì khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng, sẽ không biết ai là người đang nhiễm và không biết đâu là nguồn bệnh..."- PGS-TS Trần Đắc Phu cảnh báo.
Xuất hiện tâm lý chủ quan, coi chừng vỡ trận trước dịch Covid-19 ảnh 2
Tại một số địa điểm công cộng, người dân đi tập thể dục khá đông vào buổi sáng
Ông Trần Đắc Phu cũng chỉ rõ, bản chất của việc giãn cách xã hội là để người bệnh và người lành không tiếp xúc với nhau trong khoảng thời gian nhất định (tối thiểu 14 ngày). Sau khoảng thời gian thực hiện hạn chế tiếp xúc giữa người lành với người bệnh thì mầm bệnh của người mắc bệnh không còn khả năng lan truyền, từ đó chúng ta sẽ giải quyết được việc dập dịch. Giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng và phải được thực hiện nghiêm túc, triệt để ở tất cả các nơi, nhất là khi dịch đã lây lan trong cộng đồng.
MINH KHANG (theo SGGP)