Thứ hai, 27/11/2023, 15h02

Bí kíp nâng cấp hồ sơ ứng tuyển ĐH top Mỹ

Trong 50-60 ngàn hồ sơ ứng tuyển vào một trong số các trường ĐH top Mỹ làm sao để hồ sơ của mình được các chuyên gia tuyển sinh “để mắt” và chọn là câu hỏi của rất nhiều học sinh Việt Nam cũng như học sinh thế giới. Lời giải cho câu hỏi này đã được thầy Ishan Krishan (thầy Ishan  tốt nghiệp ngành Kinh tế và Tâm lý học tại ĐH New York (Mỹ); thầy cũng có 4 năm công tác tại ĐH New York. Với kinh nghiệm của mình, thầy Ishan đã hỗ trợ và cố vấn cho hàng trăm học sinh trúng tuyển vào các ĐH ở Mỹ như Columbia, NYU, Cornell, UPenn, Pomona…) “bật mí” tại sự kiện “Khám phá bí quyết ứng tuyển ĐH top Mỹ. Sự kiện do Công ty TNHH Crimson Education tổ chức ngày 26-11.


Các em học sinh đang được  chuyên gia của Crimson tư vấn

Theo thầy Ishan, những ĐH top đầu ở Mỹ có tỷ lệ cạnh tranh cực kỳ cao. Mỗi năm mỗi trường có tới 50-60 ngàn hồ sơ ứng tuyển, tuy nhiên tỷ lệ nhận chỉ khoảng 3-4%, cao hơn một chút thì khoảng 5-7%. Trong khi đó ở Mỹ, ngoài các ĐH top đầu cũng có rất nhiều trường chất lượng tốt. Đó là các trường ĐH công được chính phủ bảo trợ; các trường ĐH khai phóng có sĩ số sinh viên ít…

“Dù ĐH nào thì vấn đề quan trọng mà các bạn học sinh cần quan tâm, đó là phải phù hợp với năng khiếu, định hướng của bản thân mình…”, thầy Ishan tư vấn.

Cũng theo thầy Ishan, hồ sơ ứng tuyển ĐH Mỹ có 3 mảng chính cần quan tâm.

Thứ nhất là học thuật - các chuyên gia tuyển sinh không chỉ quan tâm đến điểm số mà còn quan tâm đến việc học sinh xếp thứ hạng nào trong lớp, trong trường, thậm chí trong tỉnh/thành, quốc gia. Học sinh đang học chương trình gì, độ khó của chương như thế nào.

Thứ hai là hoạt động ngoại khóa - những hoạt động như dạy tiếng Anh, dạy toán, dạy nhạc, dạy bơi miễn phí cho trẻ em, tham gia các câu lạc bộ trong trường… chỉ là cơ bản. Các chuyên gia tuyển sinh quan tâm là những kết quả mà các hoạt động này đem đến cho cộng đồng. Ví dụ, học sinh tham gia câu lạc bộ STEM của trường thì phải tạo ra được một sản phẩm công nghệ phục vụ cho một nhóm đối tượng nào đó trong xã hội.

Thứ ba là bài luận - không cần phải dùng những từ ngữ “đao to búa lớn”, không cần phải hoành tráng, chỉ cần làm sao lột tả được con người chân thật nhất của mình. Thứ mà các chuyên gia quan tâm đó chính là những học sinh có phẩm chất tốt, có năng lực, có sáng tạo…

“Các ĐH Mỹ nói chung, ĐH top Mỹ nói riêng sẽ tuyển ngay những ứng viên mà họ tin chắc rằng các em sẽ đi xa hơn, sẽ tạo uy tín cho nhà trường…”, thầy Ishan chia sẻ.

H.Triều