Thứ ba, 31/3/2020, 19h34

“Cánh yến” sẻ chia với người nghèo khó

Đó là tm lòng đáng trân trng ca cô Nguyn Th Hi Yến - giáo viên Trưng TH&THCS Hi Lâm (Hi Lăng - Qung Tr).

Cô Nguyn Th Hi Yến trao tng khu trang trích t chính đng lương nhà giáo ca mình cho Trm y tế xã Hi Lâm

Dành lương mua khu trang tng ngưi chưa có

Trưa cuối tháng 3 nắng như đổ lửa, tiếng rao vé số của người phụ nữ tên Cúc tầm ngoài 50 cất lên khàn đặc trên con đường giữa trung tâm thị trấn Hải Lăng. Vừa lúc tan trực trường trên đường về, nhìn thấy chị Cúc, cô Yến tấp xe vào lề đường, lấy từ túi xách tập khẩu trang ra tặng. Chị Cúc nhận lấy món quà đầy xúc động: “Hôm trước tui có mua một cái khẩu trang đeo nhưng trời nắng, đi bán được một lúc mồ hôi lại ướt hết. Bây giờ cô tặng tới mấy cái khẩu trang rồi, sẽ tiện hơn trong thay đổi và giặt chờ khô để thay lại”.

Đường về của cô Yến còn ghé lại vài điểm để tặng khẩu trang. Cái ôm thật chặt của chị Hồ Thị Thu Vân - Trưởng trạm y tế xã Hải Lâm là minh chứng cho một tấm lòng. “Thông thường thì chị em y tế tuyến xã vẫn được cấp đầy đủ khẩu trang y tế nhưng đợt này, mọi thứ cần phải tiết kiệm để ưu tiên cho tuyến đầu. Phần khẩu trang của cô Yến tặng không chỉ là món quà hỗ trợ kịp thời cho chị em ở trạm để trang bị thêm trong công việc hàng ngày mà còn là sự động viên, khích lệ chúng tôi nỗ lực hơn trong việc kiểm soát, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để kịp thời ứng phó, đem lại sự yên tâm cho bà con nhân dân”.

Hành trình tặng khẩu trang, chia sẻ với mọi người nhằm chung tay bảo vệ cộng đồng của cô Yến chưa dừng lại ở đó. Với 3 ngàn chiếc khẩu trang được mua từ chính 2 tháng lương nhà giáo của cô được trao tặng cho nhiều đơn vị, trường học khác trên địa bàn như tặng 300 khẩu trang cho Trường TH&THCS Hải Lâm; 200 cái cho Trường TH&THCS Hải Thọ; 440 cái cho Trường THPT Hải Lăng…

Mt nhà giáo giàu lòng nhân ái

Tôi tình cờ biết đến những việc làm thầm lặng của cô giáo Yến vào đầu năm học trước. Khi những dòng tâm thư kêu gọi của cô dành cho hai cô bé học trò mồ côi ở Hải Thành được đăng trên trang mạng xã hội. Em Nguyễn Thị Ngân - một trong 2 đứa trẻ mồ côi được cô Yến dang tay giúp đỡ rưng rưng: “Cô Yến từng giúp em từ khi còn học THCS. Năm trước, cầm tờ giấy báo đỗ đại học trên tay, em buồn lắm vì tưởng chừng đã phải bỏ ngang đường học thì thêm một lần cô xuất hiện như một phép mầu. Cô đã kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ cho em có tiền nhập học. Bây giờ mỗi tháng em vẫn đều đặn được nhận một khoản trợ cấp đủ để sống và theo học ở Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng. Nếu không có cô Yến, chắc bây giờ em cũng đã đi làm công nhân hoặc ở quê nhọc nhằn với ruộng đồng”.

Cứ thế, vài năm trở lại đây, cô trở thành cầu nối thông qua mạng xã hội kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu, cô chỉ chia sẻ với người nghèo trong phạm vi hẹp. Nhà có gì thì cô chia sẻ thứ đó, mắm muối, gạo hay một vài món nông sản từ vườn nhà. Sau một lần tình cờ gặp một hoàn cảnh hết sức khó khăn, hai vợ chồng già ốm đau lại phải nuôi đến 4 người con phát triển trí tuệ không bình thường. Thương họ, cô quyết định đăng lời kêu gọi lên Facebook. Từ đó nhận được nhiều sự chung tay ủng hộ và giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh hơn. Đã có hàng trăm cảnh đời bất hạnh ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được cô làm cầu nối giúp đỡ như thế.

Mỗi ngày, ngoài công việc giảng dạy ở trường, hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, cô Yến lại rong ruổi trên chiếc xe máy tìm đến với các hoàn cảnh khó khăn. Đêm, khi giáo án đã soạn xong, cô vẫn tiếp tục chong đèn tới khuya để cập nhật tình hình những người cần giúp đỡ, hay kêu gọi kịp cho một trường hợp nào đó vừa bất chợt gặp hoạn nạn. 

“Mình cũng từng đi qua những ngày khó khăn nên mình thấm thía được sự sẻ chia nó đáng trân quý đến nhường nào. Mỗi người có quan niệm về nghĩa của sự giàu có khác nhau. Với mình giàu có là cho đi, là đồng cảm, thấu hiểu và san sẻ”, cô Yến trải lòng.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên