Thứ hai, 26/11/2012, 17h11

Cô gái “ba không” lập nghiệp

Nguyễn Thị Hảo đang đọc sách tại nhà sách của mình

Từng giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh cho người khuyết tật” do Trung tâm Khuyết tật và Quỹ phát triển DRD tổ chức với dự án “Cà phê sách candy”, cô gái khiếm thính Nguyễn Thị Hảo để lại nhiều ấn tượng bởi vẻ tự tin, năng động và thái độ sống lạc quan của mình.
Trong thế giới lặng thinh
Hảo sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Phú Yên. Năm lên 9 tuổi, sau một cơn bạo bệnh bất ngờ, thính lực của Hảo đột nhiên dần mất đi, không thể nghe được. Suốt 4 năm trời, gia đình đưa Hảo đi chạy chữa, nhưng càng chữa bệnh càng nặng. Thế là Hảo đã phải chống chọi với sự im lặng khủng khiếp, tưởng chừng như khép kín cả cuộc đời mình. Kiên quyết không chịu bỏ học, Hảo nhờ ba mẹ đến trình bày với nhà trường để có thể tiếp tục cắp sách đến trường. Không nghe được thầy cô giảng bài, Hảo phải mượn tập vở của các bạn cùng lớp để chép lại. Vậy mà trong 12 năm phổ thông, Hảo đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc trong sự cảm phục của bạn bè, thầy cô. Tốt nghiệp phổ thông, Hảo quyết định “đánh cược” với tương lai, một mình khăn gói vào TP.HCM lập nghiệp trong tình trạng “ba không”: Không nghe được, không người thân và không tiền. Phải vật lộn, vắt kiệt sức cho cuộc mưu sinh giữa Sài Gòn, gặp việc gì làm việc đó, rồi phải ở ghép, chuyển phòng trọ… nhưng Hảo vẫn luôn mỉm cười và âm thầm tích góp vốn, kinh nghiệm nhằm thực hiện giấc mơ của mình. Hảo chọn học thiết kế đồ họa. Ngày đi làm, tối đi học về ngành thiết kế đồ họa, từ đó Hảo nảy sinh ý định tạo dựng một nhà sách giảm giá để giúp cho những ai chỉ còn có thể đọc như mình, hoặc đã từng là một học sinh nghèo khó như mình có điều kiện trau dồi tri thức.
Mặc dù phải vất vả với cuộc mưu sinh nhưng Hảo rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Lúc thì đứng ra tổ chức gian hàng cho lễ hội Giáng sinh dành cho người khuyết tật, lúc tất tả đi phát quà trong chương trình Con heo đất gây quỹ cho học sinh nghèo, đến thăm các mái ấm nhà mở... Hoạt động sôi nổi nên thế giới rất im lặng của Hảo cũng vô cùng nhộn nhịp, dù Hảo không thể nghe hay nói, mà chỉ tiếp xúc, trao đổi qua các mẩu tin nhắn điện thoại.
Biến ước mơ thành sự thật
Năm 2008, Hảo tham gia nhóm tình nguyện “Người tôi cưu mang” và chính tại đây, chị đã gặp tình yêu của đời mình - anh Lê Công Truyền, chồng chị bây giờ. Tháng 4-2010, vượt lên mọi khó khăn, chị cùng chồng thành lập Công ty Dịch vụ văn hóa Hảo An, hoạt động dưới hình thức bán sách qua trang web www.nhasachgiamgia và www.haoanbook.com nhằm chia sẻ kiến thức cho mọi người đồng thời tạo được môi trường làm việc dành cho những người khuyết tật muốn vươn lên trong cuộc sống. Mục đích cuối cùng là dùng tiền lãi kinh doanh để giúp đỡ những người khó khăn. “Đồng cảm với điều đó, có rất nhiều bạn trẻ và các bạn khuyết tật đã chung tay cùng chúng tôi. Thậm chí có bạn làm cả năm trời mà không chịu lấy một đồng lương nào, số tiền lương ấy đưa vào quỹ từ thiện để giúp đỡ người khác. Hy vọng rằng vợ chồng chúng tôi sẽ làm được nhiều điều hơn cho cuộc sống này” - chị cho biết. Điều đặc biệt là nhân viên của công ty chủ yếu là người khuyết tật và các đầu sách được giảm giá 10% so với giá bìa. Khi có đơn đặt hàng, anh Truyền và các nhân viên  trực tiếp đi giao sách cho khách.
Muốn tìm một nơi để cho những người khuyết tật có thể tìm đến nhau chia sẻ, học hỏi và hòa nhập cuộc sống, Hảo đã thai nghén giấc mơ xây dựng một quán cà phê sách dành cho người khuyết tật. Dự án này khi Hảo đưa ra trong chương trình “Ý tưởng kinh doanh cho người khuyết tật” được tổ chức tháng 2-2011 đã giành được giải nhất với nhiều lời khen ngợi. Chị cho biết: “Tôi yêu sách từ bé, điều đó đã tạo nên nền móng cho những ý tưởng kinh doanh của tôi sau này. Điều tôi mong muốn là tạo việc làm cho những người đồng cảnh ngộ, để chúng tôi có thể giao tiếp với nhau thoải mái bằng chính sự cảm thông”. Hàng ngày, công việc chính của Hảo lúc này là thiết kế bìa sách và quản lý nhà sách, trả lời khách hàng, chăm sóc khách hàng qua mail, chat. Tạm biệt “thế giới riêng” của Hảo, chúng tôi nghĩ rằng nếu những năm trước chị đầu hàng hoàn cảnh thì có lẽ bây giờ sẽ không ai biết đến cái tên Nguyễn Thị Hảo. Chị đã chọn một cách sống “không khuyết tật” và đi lên từ đó...
Bài, ảnh: Nguyên Thanh
Các buổi trò chuyện của Hảo diễn ra nhẹ nhàng, im lặng bằng những dòng chữ được viết dài ngoằng trên màn hình máy tính, trên giấy. Đó cũng là cách mà chị dùng để giao tiếp với mọi người, khách hàng từ khi đôi tai không còn nghe được.