Thứ ba, 26/7/2016, 21h33

Dạy thêm, học thêm: Được gì? mất gì?: Nỗi niềm biết tỏ cùng ai!

Khi lệnh cấm dạy thêm, học thêm của lãnh đạo thành phố được ban hành, bạn tôi - giáo viên dạy văn ở một trường THPT tại Q.6 - đã thốt lên rằng: Cái lệnh “nhẹ tựa lông hồng” ấy lại trở thành “gánh nặng ngàn cân” của những người giáo viên vốn đã phải “thắt lưng buộc bụng” mới đủ sống.

Muốn loại bỏ triệt để dạy thêm, học thêm trước hết phải loại bỏ được yêu cầu khắt khe từ xã hội (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: N.Trinh

1. Bạn tôi phân tích: với mức lương chỉ từ 2,8 đến 3,2 triệu đồng/tháng ở một thành phố có mức chi tiêu đắt đỏ như TP.HCM cho một giáo viên có học vị thạc sĩ, có thâm niên đứng lớp 2-3 năm thì đây quả là bài toán rất khó đối với rất nhiều người. Với một gia đình lao động bình thường, nếu có thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng sẽ được nằm trong danh sách hộ nghèo hoặc “hộ khó khăn cần giúp đỡ”, hoặc “gia đình không có... khả năng lao động”. Nhưng với một người giáo viên, lòng kiêu hãnh của nghề nghiệp được xã hội tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” không cho phép họ để mình xếp vào diện đó. “Nhiều lúc, chúng tôi ước mình đừng bị bệnh, vì lương 2-3 triệu đồng thì lấy tiền đâu mà chữa? Hay ước những người quen khi nhà có tiệc tùng đừng mời vì mỗi tháng chỉ cần 2-3 cái tiệc thôi là chúng tôi đã phải chật vật với chuyện tiền nong…”, bạn nói. Và để bù vào những khoản thiếu hụt khó lấp đầy ấy, đa phần giáo viên phải chọn cách dạy thêm.

Giáo viên phải sống được bằng lương

Trước khi muốn loại bỏ vấn đề dạy thêm, học thêm, Nhà nước cần tính đến chuyện đảm bảo mức sống cho giáo viên, chi trả mức lương hợp lý để họ sống được với nghề. Nếu không, việc cấm đoán chỉ gây thêm bức xúc, bất công cho giáo viên bởi trong khi bác sĩ được mở phòng mạch, dược sĩ được mở nhà thuốc… thì giáo viên cũng được quyền sử dụng kiến thức chuyên môn để đảm bảo nguồn sống cho mình. Có đảm bảo được mức sống thì giáo viên mới yên tâm cống hiến hết mình cho nghề nghiệp.

Một người chị của tôi, cũng là giáo viên nhưng ít phàn nàn hơn bởi thu nhập của chị mỗi tháng trên dưới 15 triệu đồng. Gọi là thu nhập, bởi ngoài số tiền lương của giáo viên một trường THCS, chị phải nhận làm gia sư cho học sinh từ lớp 6 đến lớp… 13, từ thứ hai đến chủ nhật. Chị kể: Sinh con mới được 2 tháng, tôi đã phải gọi điện cho các trung tâm gia sư năn nỉ người ta để lớp cho mình mới có tiền lo cho vô số khoản không tên mà chỉ những người khi có gia đình, chồng cũng có thu nhập thấp như mình mới hiểu. Nhiều lúc tôi chỉ ước không phải dạy thêm để khi hết giờ trên trường có thể thảnh thơi chơi với con, trò chuyện với chồng mà không phải lo nghĩ tiền bạc. Và dù dạy thêm do nhu cầu chính đáng bằng chính sức lực, trí tuệ của mình, tôi vẫn không khỏi chạnh lòng, tủi hổ mỗi khi có “tối hậu thư” của lãnh đạo. Cảm giác ấy giống như mình đang làm một việc gì đó phi pháp, trái với nhu cầu thực tế, dù thực tế phụ huynh vẫn luôn cần những người dạy thêm.

2. Dạy thêm, xét về bản chất là không xấu vì thực chất nó cũng chỉ là hoạt động truyền đạt và lĩnh hội kiến thức giữa thầy và trò. Điều đáng nói là dạy thêm ra đời và tồn tại chủ yếu do nhu cầu xã hội: phụ huynh cần, học sinh cần thì dạy thêm mới ra đời. Học sinh học yếu, phụ huynh cần thầy dạy để củng cố kiến thức cho con. Học sinh học tốt, phụ huynh cần thầy dạy để nâng cao kiến thức cho con… Và với nhu cầu này, việc ra đời và tồn tại hình thức dạy thêm, học thêm là điều tất yếu.

Trên thực tế, việc ra đời dạy thêm, học thêm đa phần xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Cô bạn tôi có lần tâm sự: Đa phần phụ huynh cho con học thêm đều quan tâm đến điểm số, kết quả và “khoán trắng” điều này cho giáo viên dạy thêm. Thậm chí có phụ huynh trước mỗi đợt kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ đều ra “chỉ tiêu” cho giáo viên dạy thêm, kết quả sau mỗi đợt kiểm tra ấy sẽ quyết định thái độ, mức thưởng, chuyện đi hay ở của phụ huynh đối với giáo viên dạy thêm bộ môn đó. Có phụ huynh khi giáo viên tới nhà nhận lớp đã hỏi thẳng: “Chị có luyện cho con tôi thi vào trường X, Y được hay không?”. Chính hệ thống trường chuyên lớp chọn, chính cánh cửa để bước vào các trường ĐH top đầu rất hẹp trong khi kiến thức sách giáo khoa, bài giảng trên lớp không đáp ứng đủ đã buộc phụ huynh phải lựa chọn giáo viên dạy thêm cho con. Nhờ đó, nhu cầu dạy thêm ra đời. Và nếu muốn loại bỏ triệt để vấn đề dạy thêm, học thêm trước hết phải loại bỏ được nhu cầu từ phía phụ huynh, phải loại bỏ được yêu cầu khắt khe từ xã hội.

Linh Vy