Thứ hai, 13/6/2011, 12h06

Đề án "Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015": Đừng bắt “cháu” đẻ ra “ông”

Một số nhà khoa học đã thẳng thắn nhận xét về bản dự thảo này rằng, chúng ta đang "bắt cháu đẻ ra ông".

Trao đổi với phóng viên về dự thảo đề án "Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015", GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý, Giáo dục Việt Nam nhận xét: "Đấy là cách làm ngược". Ông Phú cho biết, nhiều nhà khoa học kiến nghị nên dừng lại và không tiếp tục cho ra bản dự thảo tiếp theo.

Nghiêm trọng hơn  lần trước

Được biết, ông là một trong các nhà khoa học đã đóng góp ý kiến về dự thảo "Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015", ông đánh giá thế nào về dự thảo?

- Không phải riêng tôi mà hầu hết các nhà khoa học tại buổi đóng góp ý kiến tại Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (VUSTA) đều có phản ứng về bản dự thảo đề án lần thứ 13 này. Theo tôi được biết, Dự thảo Chiến lược Giáo dục lần thứ 19 trước đó được VUSTA đưa ra lấy ý kiến cũng bị kiến nghị dừng lại. Lúc đó các nhà khoa học đã cho rằng, chúng ta đang làm việc theo kiểu "sinh con rồi mới sinh cha". 
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú: “Chúng ta đang cải cách giáo dục theo quy trình ngược”.
Nhưng lần này, tình hình nghiêm trọng hơn. Một số nhà khoa học đã thẳng thắn nhận xét về bản dự thảo này rằng, chúng ta đang "bắt cháu đẻ ra ông" và cũng không nên tiếp tục cho ra đời bản dự thảo tiếp theo nữa.  
Vậy theo ông, nền giáo dục của ta hiện nay có điểm nào chưa ổn?
- Giáo dục của ta hiện đang phải trả lời nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, các khâu của giáo dục đào tạo đã ổn chưa? Chương trình THPT nên tiếp tục đào tạo 12 năm hay chỉ 10 năm? Có nên bỏ thi ĐH không? Hệ thống trường công trường tư như thế nào là hợp lý? Việc dạy và học thêm tràn lan...
Tôi đã chỉ ra những điều mắt thấy tai nghe về những khủng hoảng trong giáo dục hiện nay ở cả 2 hệ thống dân lập và công lập qua một số liệu nghiên cứu vào năm 2008 và năm 2010. Chúng ta cần nhận thấy sự khủng hoảng này để cải cách. Trong khi tất cả những thứ này hiện chưa ngã ngũ thì đã vội đổi mới chương trình, SGK.
Trong bản kiến nghị của mình gửi VUSTA, ông cho biết trước mắt cần đánh giá theo chương trình môn học và SGK. Tuy nhiên, năm 2008 chúng ta đã tiêu tốn khá nhiều kinh phí để thực hiện công việc này nhưng không mấy thành công?
- Đúng là năm 2008 chúng ta đã tiêu tốn khá nhiều cho việc đổi mới chương trình, SGK. Tôi có tham gia đánh giá chương trình SGK môn Giáo dục công dân. Trong đó, tôi đánh giá: "Chương trình bậc tiểu học và THCS có thể chấp nhận được nhưng ở bậc THPT thì chưa ổn". Phải chăng trong một đề án quan trọng thế này, chí ít cũng phải có các đánh giá khái quát chương trình, môn học và SGK tương ứng. 
Mặc dù là đánh giá khái quát nhất nhưng lại rất quan trọng để từ đó làm cơ sở cho các đề xuất thay đổi sắp tới. Thế nhưng, trong bản đề án này lại thiếu nội dung rất quan trọng đó và Bộ GD&ĐT đã vội vàng đưa ra dự án 70.000 tỉ đồng.
Chưa nên thay đổi vội
Nhiều người cho rằng, đưa bản dự thảo ra thời điểm này chứng tỏ chúng ta đang cải cái giáo dục theo quy trình ngược?
- Con đường phát triển đưa nền giáo dục của ta sánh vai với các cường quốc tiên tiến hiện chưa được xác định rõ. Việc học ở cấp phổ thông hiện nay là chưa được vì chúng ta đang nặng về dạy chữ, dồn kiến thức ĐH xuống chương trình phổ thông và cho rằng như thế là bắt kịp thế giới. Các cơ sở giáo dục còn tình trạng dạy lý thuyết ở phổ thông chưa đến nơi đến chốn, còn dạy nghề ở ĐH thì chưa đến đầu đến đũa. Các kỳ thi cử đang là gánh nặng lên vai của học sinh, phụ huynh và cả đất nước. Nhưng cuối cùng cũng không để làm gì. 
Trong khi đó, ở Pháp, hệ thống phổ thông của họ chỉ học 10 năm. Sau đó, hệ ĐH phân ra hai luồng: Các trường lớn và các trường ĐH bình thường. Muốn vào trường lớn thì phải thi rất nghiêm ngặt còn trường ĐH bình dân thì dễ hơn. Chúng ta cũng có thể làm theo cách này. Như vậy, theo nhiều nhà khoa học, chúng ta cần xới lại cả về chương trình, thi cử, SGK. Công việc này phải làm rất kỹ, có đội ngũ chuyên gia thực hiện nghiêm túc từ cấp cao đến từng bộ môn để cho ra bộ SGK. SGK cần một bộ chuẩn mới giảm được chi phí. 
Vậy theo ông, quy trình đúng phải bắt đầu như thế nào?
- Chúng ta nên rà soát vấn đề từ gốc rễ. Cần xác định học phổ thông chỉ cung cấp kiến thức cơ bản. Lên ĐH mới học vào đời. Nên giảm chương trình phổ thông từ 12 năm xuống còn 10 năm để giảm tải chương trình. Các kỳ thi cử cũng có thể thay đổi để giảm gánh nặng như việc có nên tiếp tục thi ĐH hay không. Nếu có thì nên chăng cần gom thành hai hệ thống trường lớn để thi cử gắt gao và hệ thống trường ĐH chất lượng thấp hơn, thi dễ hơn. Cái gì sai quá ở trong SGK và chương trình thì phải sửa ngay để có một bộ sách không sai nhằm đảm bảo cho bộ máy tiếp tục vận hành bình thường. 
Bộ sách cũ này nên để tồn tại thêm khoảng 3- 4 năm tới. Chúng ta có thể thêm hoặc bớt SGK chứ chưa nên thay đổi vội bằng cách xóa đi làm lại. Trong thời gian đó, cần có một bộ máy lớn để tiến hành một cuộc cải cách nghiêm túc, có khoa học. - Xin cảm ơn ông!
Theo Gia Đình