Thứ hai, 25/10/2010, 15h10

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học: “Làm sao tránh đọc - chép?”: Người thầy nên tự đổi mới cách dạy

HS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa học theo phương pháp thuyết trình

PV: Thưa tiến sĩ, đây là năm thứ hai Bộ GD-ĐT chủ trương chống “căn bệnh” đọc - chép trong nhà trường. Ông có suy nghĩ gì về chủ trương này?
- NGƯT tiến sĩ Nguyễn Bác Dụng: Tôi cho rằng, đến nay Bộ GD-ĐT mới đưa ra chủ trương này là quá trễ vì “căn bệnh” đọc - chép đã tồn tại từ rất lâu trong trường học. Bấy lâu nay, ngành GD-ĐT và giáo viên (GV) vẫn tận dụng phương pháp đọc - chép để giảng dạy cho HS. Điều này đã làm mất đi tính tư duy sáng tạo của cả người học lẫn người dạy. Vai trò của người thầy trở nên thụ động và hoàn toàn bị động với các kiến thức trong sách vở. Theo tôi, giảng dạy theo phương pháp mới không dễ và không phải ai cũng làm được. Để làm được điều này, GV cần được đào tạo căn cơ bài bản hơn để có thể tiếp cận với những phương pháp mới mang tính sáng tạo hơn cho bài giảng của mình.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên phủ nhận hoàn toàn phương pháp đọc - chép. Thật ra, trong cách dạy này cũng có một số tiện ích mà nếu biết cách khai thác, GV có thể phát huy được những lợi thế của nó. Chúng ta cần sử dụng đọc - chép khi nói tới các công thức, định luật, định lý, định nghĩa… Rõ ràng, đối với những dạng kiến thức này, GV không thể giảng hoặc giải thích qua loa với HS mà phải nói cặn kẽ, chính xác để các em có thể nắm bài thật tốt. Ngoài ra, khi đọc chép, GV có thể làm chủ được tốc độ, ngữ điệu trong giọng nói của mình. Đây là một trong những điểm khiến HS tập trung vào bài giảng.
Ở cương vị là hiệu trưởng một trường THPT chuyên giảng dạy hai cấp THCS và THPT, ông đã làm gì để giúp GV tránh sử dụng phương pháp đọc - chép trong trường?
- Trước khi trở thành cán bộ quản lý, tôi đã từng là thầy giáo. Do đó, tôi hiểu được những băn khoăn, trở ngại của một GV khi đứng lớp. Theo tôi nghĩ, chúng ta vẫn có thể kết hợp những ưu thế của đọc - chép trong giảng dạy. Tuy nhiên, nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ, phương pháp đặt vấn đề và giao chủ đề để HS tự nghiên cứu vẫn phải chiếm ưu thế. Phương pháp này giúp HS có thể tự mình nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, GV chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn và đúc kết lại quá trình tự tìm hiểu đó. Chính vì thế, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa từ lâu đã áp dụng phương pháp đặt vấn đề và giao chủ đề để giảng dạy cho HS. GV thường giao đề tài để HS tự mình tìm hiểu, tự mình trình bày về các vấn đề có liên quan. Sau cùng GV là người tổng kết, bổ sung những kiến thức cần thiết cho các em. Lợi thế của phương pháp này là ngoài việc được độc lập, sáng tạo, các em có thể khắc sâu kiến thức hơn cách dạy truyền thống. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng tới hệ thống các câu hỏi mang tính định hướng nhằm phát triển tính tư duy, phương pháp tự học; giúp các em hoàn thiện, hệ thống hóa kiến thức đồng thời chuyển hóa những kiến thức của mình. Đồng thời, qua những câu hỏi đó việc kiểm tra, đánh giá học lực của HS đảm bảo tính khoa học hơn. Trong các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn, BGH nhà trường luôn truyền đạt cho GV hiểu rõ vai trò của người thầy trong lớp học, định hướng, góp ý giúp họ tìm ra cách dạy phù hợp nhất. Chúng tôi cũng trang bị những phương tiện tốt nhất để GV yên tâm giảng dạy, tạo điều kiện để họ được đi học những lớp bồi dưỡng, nâng cao, tham gia các cuộc hội thảo, chuyên đề nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, chúng tôi cũng luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến của phụ huynh. Trong số những phụ huynh có con em học tại trường, có những người cũng là thầy giáo, cô giáo và họ có những ý kiến đóng góp rất tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của GV.
Một trong những biện pháp tích cực để chống đọc - chép trong nhà trường là sử dụng máy chiếu để giảng bài và thuyết trình. Nhưng không phải trường học nào cũng có đủ điều kiện để mua sắm các trang thiết bị này. Vậy đối với những trường hợp như vậy, GV cần phải làm gì để đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng giáo dục, thưa ông?
- Với những trường học thuộc vùng sâu, vùng xa, việc mua sắm máy chiếu là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, các trường này vẫn có thể linh động bằng cách sử dụng tranh ảnh vào quá trình giảng dạy. GV vẫn tổ chức cho HS họp nhóm để cùng thảo luận. Trong trường hợp này, vai trò của người thầy càng được đề cao hơn bao giờ hết, họ phải hướng dẫn, đúc kết kinh nghiệm, kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy cao hơn những GV ở những nơi có điều kiện phát triển.
Nhưng quan trọng hơn hết, tôi cho rằng với một GV thực sự có lòng yêu nghề, yêu thương HS thì sẽ tự mình đổi mới cách dạy để mang đến hiệu quả cao nhất cho HS của mình. Chính sự đổi mới của người thầy trong cách dạy sẽ dẫn đến sự đổi mới của các em trong cách học. Trong thời buổi HS có nhiều điều kiện để tự mình tìm hiểu như hiện nay, GV phải tự mình đi trước, không ngừng học hỏi, nghiên cứu để không trở thành người lạc hậu, để hình ảnh của người thầy vẫn được HS tin tưởng, tôn trọng. Thêm vào đó, mỗi người thầy nên bỏ bớt đi cái tôi của mình vì chính nó sẽ vô tình khiến cho mối quan hệ thầy trò trở nên có khoảng cách. GV phải thực sự yêu nghề, thương yêu học trò, kiên trì, bền bỉ trong cách giáo dục của mình vì những thế hệ tương lai của đất nước.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Ngọc Anh (thực hiện)
LTS: Diễn đàn đổi mới phương pháp dạy học: “Làm sao tránh đọc - chép?” trên Báo Giáo Dục TP.HCM thời gian qua (diễn ra hơn một tháng) đã nhận được nhiều bài viết, ý kiến đóng góp bổ ích của cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại các trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tất cả ý kiến đều có điểm chung: Muốn chấm dứt “căn bệnh” đọc - chép trong trường phổ thông, ngành GD-ĐT phải không ngừng đổi mới công tác quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy… Để kết thúc diễn đàn này, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi vấn đề này với nhà giáo ưu tú (NGƯT), tiến sĩ Nguyễn Bác Dụng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).
 

 

Có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành và tồn tại phương pháp dạy đọc - chép. Thứ nhất, lượng kiến thức trong chương trình học được truyền tải cho HS có quá nhiều nội dung trùng lặp. Nhiều khi chỉ một nội dung nhưng được dàn trải trong nhiều bài học ở các cấp, lớp khác nhau, gây nhàm chán, gián đoạn cho quá trình giảng dạy và tiếp thu cho cả thầy lẫn trò. Thứ hai, cách kiểm tra đánh giá kiến thức HS hiện nay còn chưa khoa học, chưa mang tính sáng tạo. Nội dung kiểm tra thế nào thì thầy dạy thế đó, mà thầy dạy sao thì học trò tiếp thu vậy. Chính điều đó đã khiến cho người thầy trở nên thụ động như tôi đã nói. Thứ ba, là do trình độ GV còn nhiều hạn chế khiến họ lựa chọn cách dạy đọc - chép - NGƯT Nguyễn Bác Dụng.