Thứ tư, 31/8/2016, 13h03

Du học sinh với kỳ vọng tương lai

Được lên máy bay sang học tập ở một quốc gia khác là niềm mơ ước của hầu hết học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THPT. Ngoài nhu cầu nâng kiến thức, đây còn là cơ hội mở ra một tương lai xán lạn cho các bạn.

Du học sinh VN tại Trường ĐH Duke (Hoa Kỳ)

Sớm trả nợ quê hương

Đầu tháng 8 năm nay, SV Khoa Toán - Tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM thấy một nhóm bạn tổ chức một “trại hè bỏ túi”. Những khuôn mặt vừa lạ vừa quen như từng gặp đâu đó. Đến khi tìm hiểu mọi người mới vỡ lẽ đây là những SV đang du học ở các trường ĐH nước ngoài mà trước đây vốn là cựu SV của trường tự nhiên. Năng nổ nhất trong nhóm là SV Khoa Toán - Tin của Trường ĐH Duke (Hoa Kỳ) Cấn Trần Thành Trung. Điều đó không có gì lạ vì em là “chủ xị” của trại hè mang tên Toán học và ứng dụng trong dịp về nước hơn một tháng. Sau thời gian thăm thú gia đình, Trung đã thực hiện dự án của mình mà thời gian trước đó đã được hoạch định sẵn. Qua đó trại hè hướng tới tầm nhìn mới mẻ, đa chiều hơn về bộ môn chỉ dành cho những con số. Đây cũng là cơ hội vàng để các trại sinh là HS các trường THPT đến từ các tỉnh thành rèn luyện khả năng tư duy, giải quyết các vấn đề thực tiễn từ góc nhìn toán học và rèn các kỹ năng trong nghiên cứu khoa học.

Một cây làm chẳng nên non, góp sức chung tay với chàng SV họ Cấn còn có các bạn SV đến từ các trường ĐH danh tiếng ở Hoa Kỳ, Pháp, Singapore. Đây là những “hạt giống đỏ” của tri thức trẻ Việt Nam đang được gieo trên những vùng đất đầy tiềm năng về giáo dục ĐH để tạo nguồn nhân lực cần thiết cho tương lai nước nhà. Không giống như một vài cá nhân khác chỉ tranh thủ về nước để nghỉ dưỡng sau một thời gian học tập có quá nhiều áp lực, nhóm bạn của trại hè đã dành quỹ thời gian dù rất ít để làm một cái gì đó “trả nợ” với thầy cô và trường cũ. Ý tưởng thì hay mà khó khăn cũng không ít nhất là khi các bạn đến với nhau bằng hai bàn tay trắng vì đời SV luôn trông chờ vào sự tài trợ của gia đình. Nhưng với tinh thần “quyết là làm, làm phải thành công” nên gần 20 bàn tay đã nắm chặt được với nhau thành một khối. Thiếu tất cả nhưng các bạn lại giàu 2 thứ, đó là trí tuệ và sự đồng tâm. Các giảng viên trong khoa và TS. Trần Nam Dũng là huấn luyện viên và giảng viên đã đăng ký làm “bệ phóng” vững vàng hỗ trợ cho mùa “cắm trại”. Một tuần lễ trôi qua, trại hè mang phong cách khoa học thành công đúng như niềm mong đợi.

Trong trại hè bổ ích này, nhiều SV đã gặp lại được huy chương bạc toán quốc tế năm 2014 Hồ Quốc Đăng Hưng khi em còn là HS của Trường PT Năng khiếu TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM). Sau 2 năm “xuất dương” Hưng đã chững chạc hơn khi trở thành SV ngành toán học của Trường ĐH Chicago (Hoa Kỳ). Đến bây giờ chàng trai 20 tuổi vẫn còn nguyên vẹn hạnh phúc ban đầu khi nhận được thư mời nhập học với suất học bổng toàn phần trong 4 năm vào năm ngoái. Đây là kết quả của sự quyết tâm và tính chủ động của một ý chí. “Trước đó mình đã nộp đơn gần 20 ĐH ở Mỹ và tin rằng sẽ đậu với thành tích học tập ấn tượng. Vậy mà tất cả các trường đều gửi email hồi âm bằng câu: “Chúng tôi rất tiếc”, Đăng Hưng ngập ngừng kể. Nhưng chỉ sau 5 tháng “vào đời” tại chỗ với các hoạt động xã hội, vùi đầu vào tiếng Anh, rèn kỹ năng sống ngoài mưa nắng Đăng Hưng đã đủ chỉ số TOPIC để sau đó cầm được tấm vé máy bay đến ĐH Chicago.

Tận dụng cơ hội vàng

Hỏi về quá trình học tập ở nước ngoài, chàng SV 20 tuổi Hồ Quốc Đăng Hưng khẳng định: “Nhiều người lo lắng về rào cản ngôn ngữ nhưng điều này cũng không quá khó khăn vì hầu hết các thuật ngữ toán học SV đều nắm hết”. Theo Hưng, so với khoa học xã hội yêu cầu ngoại ngữ về bộ môn toán không cao. Điều mới mẻ về phương pháp giảng dạy là ở trên lớp giáo sư chỉ dạy trong số tiết cơ bản. Còn phần nhiều là “xin mời các bạn tự học” và nếu cần thiết thì gặp riêng trao đổi với thầy rất thoải mái. Cách học này giảm bớt độ loãng về truyền thụ một chiều, tăng cường “đối thoại 2 chiều”. Giáo viên sẽ tập trung hơn với từng đối tượng SV để trao đổi kiến thức phù hợp và có hiệu ứng thật sự.

Du học sinh Thành Trung (phải) và Đăng Hưng

Cũng giống như Đăng Hưng, nhờ vào tấm huy chương vàng kỳ thi toán quốc tế năm 2013 mà Cấn Trần Thành Trung (cựu HS Trường PT Năng khiếu TP.HCM) có được một suất học bổng 4 năm tại Trường ĐH Duke ở North Carolina (Hoa Kỳ). “Bơi” trong môi trường mới chàng SV Khoa Toán - Tin bắt đầu làm quen với cách học nhóm và những buổi tranh cãi sôi nổi khi thảo luận. Tất cả cũng nhằm hướng tới phục vụ dự án mà SV đã đăng ký trước đó. Trung kể: “Các dự án để học có 2 hình thức: nhóm và cá nhân. Trong quá trình làm việc theo thời gian đã định, thảo luận là hình thức áp dụng nhiều để hỗ trợ nội dung. Số buổi thảo luận nhiều hay ít còn tùy theo dự án”. Trung chia sẻ: Cái được các dự án là giúp SV ôn tập kỹ, tự học nhiều hơn và khi tham gia nhóm thảo luận lại có thêm bạn mới. Khi trao đổi với thầy, SV tự do đưa ra ý kiến thắc mắc và được thầy cô tôn trọng khuyến khích bảo vệ chính kiến riêng. Cũng có người chọn dự án không hay thì hệ quả là không thu hoạch được gì nhiều. Mỗi lớp học được chia theo level (cấp độ) khác nhau cho phù hợp đối tượng. “Khi ra biển lớn, các du HS mới thấy Việt Nam có thế mạnh về đào tạo HS giỏi nhưng lại không có cơ hội để phát huy về học thuật. Chính vì thế các trường vẫn còn nghèo các hoạt động đưa kiến thức học thuật vào ứng dụng thực tế để phát huy thế mạnh này”. Trung nói: cái hay là tài liệu học phong phú nhưng cái khó là phải biết tìm đúng tư liệu để phục vụ cho bài học của mình vì đọc nhiều mà không giúp ích được gì thì quá lãng phí. Có phạt có thưởng, nhưng dự án nào tốt chất lượng cao thì được thầy cô đề nghị cho vượt cấp. Hầu hết SV tự lựa chọn chứ thầy cô không hề ép buộc. SV phải biết cân đong đo đếm, nếu dành cho học nhiều quá thì lại thiếu hụt thời gian ôn tập củng cố.

Hầu hết du HS đều khẳng định, nếu quan niệm đi du học là thời gian để sống an nhàn và hưởng thụ là một sai lầm và vô cùng nguy hại. Có người tranh thủ làm thêm để kiếm thu nhập nên việc học sau đó bị xao nhãng. Hậu quả không chỉ mình gánh chịu mà còn đem cả dư âm xấu cho gia đình, quê hương và quốc thể.

Lời kết

Chính sánh hội nhập đã mở ra nhiều cơ hội quý báu cho các bạn trẻ học ở nước ngoài. Có SV đã đi đúng con đường mang kiến thức từ các vùng đất khác trở về phục vụ quê nhà. Ngay cả trong dịp nghỉ hè cũng làm một việc gì đó thật ý nghĩa với quê hương, đất nước. Nhưng cũng có không ít du HS đã mất phương hướng nên đã bị “đánh bật” khỏi môi trường học tập mà nhiều bạn trẻ rất thèm khát. Đây không chỉ là quả đắng cuộc đời mà còn là điều vô cùng đáng tiếc khi cơ hội vàng của tuổi trẻ bị đánh mất. Chuyện buồn hơn là có người lại xót xa cho hiện tượng chảy máu chất xám mà hàng chục năm nay vẫn chưa có lời giải thấu đạt. Khi có một chính sách đãi ngộ và trọng dụng thích hợp thì con đường trở về phục vụ rộng thênh thang và tình trạng du HS tìm cách “lưu vong” ở nước ngoài chỉ là chuyện trong quá khứ.

Hương Thủy