Thứ năm, 21/6/2018, 20h50

Đừng để trẻ cô đơn!

Trẻ nhỏ bây giờ, nhất là những em sống ở thành phố, đang sống trong cô đơn. Nỗi cô đơn ấy chính người lớn đã tạo ra. Trước sức ép của việc học, trước sự quan tâm của cha mẹ khiến cho nhiều trẻ cảm thấy cô đơn, lạc lõng ở trường, ở chính ngôi nhà của mình.

Ở trường, nhiều trẻ cô đơn bởi thiếu tình bạn đẹp (nhất là bạo lực học đường), áp lực việc học là một gánh nặng, thầy cô quan tâm chưa đúng mực… khiến học sinh rơi vào tình trạng chán nản, không cảm thấy hứng thú trong học tập, không hứng thú đến trường. Bạo lực học đường vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, chính vì thế nhiều em cảm thấy thiếu an toàn, sợ đến trường. Bệnh thành tích, học quá nhiều cũng khiến cho những đứa trẻ cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, lo âu. Nhiều trẻ muốn được nghe lời nói ấm áp từ thầy cô nhưng không phải thầy cô nào cũng quan tâm. Nhiều khi các em muốn được chia sẻ nhưng thầy cô trả lời hời hợt, qua loa khiến các em ngại chia sẻ, mất niềm tin.

Ở nhà, ba mẹ mải lo chạy theo đồng tiền, mải làm việc riêng, thậm chí… ghiền facebook nên không có thời gian quan tâm đến con, ít chia sẻ khiến các em thấy trống trải, chưa kể nhiều em phải vùi đầu vào sách vở tới tận khuya mới ngủ. Cả ngày các em học ở trường, tối lại học thêm nhiều môn khiến các em mệt mỏi, trầm cảm. Từ đó, trẻ cảm thấy mình như bị bỏ rơi, cô đơn trước người thân.

Tôi có đứa cháu hiện đang học lớp 8. Cháu vẫn thường kể tôi nghe về một số bạn có biểu hiện chán nản, trầm cảm. Sau sự việc em học sinh nam lớp 10 ở TP.HCM tự tử, cháu tâm sự: “Anh ấy học giỏi, áp lực học tập nên xảy ra như vậy. Mấy bạn của cháu tuy học không giỏi nhưng cũng bị áp lực nhiều phía từ gia đình nên cảm thấy nản mỗi khi ở nhà. Có bạn nói muốn tự tử, có bạn nói muốn bỏ nhà đi lang thang vì ở nhà chán. Ba mẹ không nói chuyện, cũng không quan tâm gì ngoài con chỉ biết việc học và học”. Đôi khi nghe những đứa trẻ nói, nếu chúng ta quan tâm thì sẽ hiểu được tâm tư mà các em muốn gửi gắm ở người lớn. Nhiều bậc phụ huynh cứ nghĩ kiếm thật nhiều tiền để lo cho con học… bằng bạn bè, không thiếu một thứ gì miễn kết quả loại giỏi. Đó là cách giáo dục sai lầm. Người lớn cũng thường sai lầm khi so sánh thời mình với các con, so sánh con mình với con người ta. Cách so sánh ấy khiến trẻ không phục.

Là phụ huynh, thầy cô, kỳ vọng con cái, học sinh học tốt là điều chính đáng. Song, đừng vì bệnh thành tích, đừng vì bệnh “sĩ” mà gây áp lực nặng nề cho trẻ. Hãy biết lắng nghe và chia sẻ cùng con cái, cùng học sinh của mình. Đừng tạo cho con có khoảng cách với ba mẹ từ điều nhỏ nhặt, bình dị trong cuộc sống. Và đừng để đánh mất con mãi mãi vì… bệnh thành tích, vì những “lập trình” của người lớn.n

Sông Lam