Thứ năm, 2/11/2017, 21h04

Duy trì việc hát đầu giờ trong trường học

Khoảng hơn 10 năm trước, khi tiếng trống trường báo hiệu vô giờ học đầu tiên (vô trước 15 phút) là các lớp tự quản, ổn định theo các bước: Xếp hàng vào lớp, tiếp theo lớp phó văn nghệ đứng lên bắt nhịp cho cả lớp hát một bài. Những bài hát theo chủ điểm hàng tháng được cả lớp hát rất vui, sinh động. Việc hát đầu giờ được duy trì một thời gian rất dài nhưng không hiểu từ bao giờ, các trường học không còn tiếng hát đầu giờ đầy hào hứng nữa. Thay vào đó là 15 phút truy bài, xem lại bài vở để chuẩn bị cho tiết học mới. Trên thực tế, 15 phút đầu giờ luôn ồn ào vì năng lực tự quản của học sinh chưa cao, chưa thực sự tự giác. Thời gian “quý báu” này các em tranh thủ ăn sáng là chủ yếu và số học sinh xem lại bài không nhiều vì ảnh hưởng của bạn bè xung quanh.

Mặt tích cực của việc hát đầu giờ là tạo không khí vui tươi, sinh động cho học sinh để có sự hào hứng khi vào học. Nếu để không khí trầm lắng thì tiết học sẽ trôi qua nặng nề, thiếu sinh khí cần thiết để học sinh tiếp thu bài. Có thể nói việc hát đầu giờ mang lại nhiều cái lợi hơn cái hại. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng: Nếu để học sinh tự hát thì sẽ gây mất trật tự; làm gián đoạn thời gian truy bài, chuẩn bị bài mới của các em. Nhưng tôi đã từng chứng kiến, các em hát rất nghiêm túc, bởi luôn có đội “Cờ đỏ” trực và ghi nhận vào sổ theo dõi hàng tuần. Bên cạnh đó, những bài hát được cất lên cũng mang tính giáo dục về tư tưởng, tình cảm cho các em. Chẳng hạn những bài hát dịp lễ ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhiều bài giáo dục các em lòng biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô giáo. Từ đó tác động đến những việc làm cụ thể trong học tập và rèn luyện để tỏ lòng biết ơn đó.

Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta duy trì việc hát đầu giờ trong trường học. Đó cũng là mục tiêu của phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, để các em mỗi ngày đến lớp luôn đầy ắp niềm vui của tuổi học trò.

Lam Hồng