Thứ hai, 1/10/2012, 11h10

Giảng văn trong nhà trường

Hướng khai thác bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43

Một tiết ôn tập môn văn của học sinh Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi

Trong chương trình ngữ văn lớp 10, Nguyễn Trãi là một trong những tác giả trọng tâm. Ngoài phần giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả, học sinh còn được học hai tác phẩm. Đó là Bình Ngô đại cáo Bảo kính cảnh giới số 43. Đây là những tác phẩm đã hiện diện trong chương trình ngữ văn THPT từ hàng chục năm nay.
Tuy nhiên, cách hiểu và hướng khai thác các tác phẩm này đến nay vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất. Sự thất lạc văn bản, sự biến âm, biến nghĩa của các văn bản chữ Nôm, chữ Hán có thể xem là những nguyên nhân trực tiếp. Vì lẽ đó, khôi phục lại văn bản, đi tìm một cách hiểu đúng dựa trên một cái nhìn nhất quán của thi pháp học là việc làm có ý nghĩa. Nó giúp ta không chỉ hiểu đúng một câu thơ, một bài thơ mà còn góp phần hiểu đúng hơn con người và tư tưởng của ông. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được trao đổi thêm một số vấn đề về bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43 của Nguyễn Trãi.
1. Sách giáo viên văn 10 (chỉnh lý hợp nhất năm 2000), phần văn học Việt Nam, ở phần hướng dẫn giảng bài Bảo kính cảnh giới số 43 được bắt đầu bằng việc khẳng định tâm thế “mở lòng ra đón nhận cảnh vật”của nhà thơ“đón trong lúc rồi (rỗi rãi), trong lúc dạo chơi hóng mát, nghĩa là trong lúc sống nhàn nhã mà tâm hồn cũng thảnh thơi…”1. Từ cách hiểu đó, tác giả viết: “Thi nhân đã đón nhận cảnh vật bằng thị giác, thính giác, khứu giác và cả bằng ấn tượng, tưởng tượng nữa. Trong cảnh có sắc (xanh, đỏ, hồng), có ánh sáng (chiều tà), có âm thanh (cầm ve). Nói chung là cảnh vật có sức sống, đang cựa quậy, đang vươn tới, trông vui mắt…” và nữa, “từ niềm vui đó lại còn dậy lên một ước mong cũng thật cao đẹp, cũng thật nghệ sĩ: Ước mong có được tiếng đàn của vua Thuấn ngày trước để ca ngợi cuộc sống hôm nay”2. Cùng cách nhìn trên nhưng có phần chi tiết hơn, Lã Nhâm Thìn trong cuốn Giảng văn văn học Việt Nam cũng cho rằng: “Thời gian rảnh rỗi, tâm hồn thư thái, thanh thản, khí trời mát mẻ, trong lành… Một ngày như thế trong đời Nguyễn Trãi đâu nhiều. Ông là người thân không nhàn mà tâm cũng không nhàn. Một phút thanh nhàn trong thuở ấy với Nguyễn Trãi thật đáng quý biết bao. Quả hiếm hoi mới có một hoàn cảnh lý tưởng đến thế - cả khách quan và chủ quan - để làm thơ, để yêu say cái đẹp”3. Từ cách hiểu ấy, tác giả phát triển thêm: “Ở đây ông có được cả một ngày trường để thưởng thức thiên nhiên với một tâm trạng lâng lâng, sảng khoái. Ức Trai dành cho mình một cái quyền Rồi hóng mát thuở ngày trường, bởi niềm mơ ước, nỗi trăn trở giày vò, mục đích lớn nhất của đời ông đã được thực hiện: Dân ấm no, hạnh phúc”.
Qua nhiều lần thay đổi sách giáo khoa, đến nay, bài Bảo kính cảnh giới số 43 của Nguyễn Trãi lại tiếp tục được đưa vào phần đọc văn Ngữ văn 10 của hệ chương trình chuẩn (Phan Trọng Luận chủ biên) và hệ nâng cao (Trần Đình Sử chủ biên). So với sách giáo khoa ngữ văn từ năm 2000 về trước, nhan đề bài thơ đã được đổi thành Cảnh ngày hè. Ngoài ra, ở câu 4 “Hồng liên trì đã tịn mùi hương” được đổi thành “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”. Điều đáng nói ở đây là tuy văn bản bài thơ đã có sự thay đổi, song định hướng khai thác về cơ bản không có gì thay đổi.
2. Dù đã có những khác biệt trong cách khai thác chi tiết, nhưng về cơ bản, các tác giả đều thống nhất khi cho rằng, chủ thể trữ tình xuất hiện trước thiên nhiên trong thời gian rảnh rỗi với một tâm trạng ung dung, thảnh thơi trong ngày hè. Từ đó, các tác giả đã đi sâu khai thác ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên đầy sáng tạo của Nguyễn Trãi, và xem đó là một biểu hiện của sự cảm nhận tinh tế vẻ đẹp thiên nhiên của nhà thơ. Đây là một cách tiếp cận có ý nghĩa. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu chỉ dừng lại ở đó thì quả là chưa đủ. Với tư cách là một “bản tự thuật tâm trạng” (G.N.Pospelop), thơ trữ tình trước hết và bao giờ cũng là sự thể hiện một khát vọng được bày tỏ, được giao cảm, được sẻ chia những nỗi niềm sâu kín của tâm hồn. Chính vì vậy, để hiểu một bài thơ trữ tình, việc chỉ ra những hình ảnh thơ độc đáo, những câu chữ cụ thể là cần thiết nhưng chưa phải là điều cơ bản. Cần phải thấy rằng, hồn cốt của một bài thơ là ở cái giọng điệu của nó. Dấu ấn tài năng, cá tính sáng tạo và những tiếng lòng sâu thẳm của thi nhân trước cuộc đời… đều được thể hiện qua giọng điệu bài thơ. Vì vậy, muốn hiểu bài thơ trước hết phải nắm bắt được cái giọng điệu của nó. Về điều này, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến trong cuốn Văn học và học văn đã viết: “Sự phong phú, tính đa nghĩa, ý vị đậm đà của bài văn trước hết là ở cái giọng. Năng khiếu văn ở phần tinh tế nhất là năng lực bắt được trúng cái giọng của văn bản mình đọc và tạo ra được giọng đích đáng cho tác phẩm mình viết”. Từ cách nhìn ấy, có thể thấy “chủ âm” trong giọng điệu của bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43 không phải là niềm vui rạo rực trước thiên nhiên trong cảnh ngày hè mà là một niềm thao thức lớn trong tâm hồn nhà thơ, một khát vọng cháy bỏng được khẳng định mình, được đem hết sức lực, tâm huyết của mình, cống hiến cho dân, cho nước. Cái âm hưởng trữ tình đặc biệt của bài thơ, theo chúng tôi là ở đó.
(Còn tiếp)
Phan Thị Thanh Vân
(Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP.Vinh, Nghệ An) 
1. Nguyễn Đình Chú - Nguyễn Lộc chủ biên, Văn học 10, tập 1 (Sách giáo viên), NXB Giáo dục, H. 2000, tr97.
2. Sách đã dẫn. Tr98
3. Lã Nhâm Thìn, Giảng văn văn học Việt Nam, NXB Giáo dục, H. 1997, tr 151