Thứ sáu, 3/8/2012, 14h08

Giáo dục tiết sinh hoạt đầu tuần

Các trường cần chuẩn bị chu đáo kế hoạch, chương trình tiết SHCCĐT từng tuần, từng tháng. Ảnh: N.Anh

Tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần (SHCCĐT) là một trong những hoạt động ngoài giờ lên lớp có vị trí đặc biệt quan trọng đối với các trường phổ thông.
Đây là một hoạt động tập thể lớn, có ý nghĩa khởi điểm cho mọi hoạt động giáo dục khác trong tuần với quy mô toàn trường vừa mang tính trang nghiêm của nghi lễ vừa kèm theo nội dung đánh giá, phát động thi đua, lồng ghép với hình thức sinh hoạt vui tươi, bổ ích... Tiết SHCCĐT thực sự là dịp mở ra và nuôi dưỡng trong thế giới tâm hồn tuổi thơ những nhận thức mới mẻ, đẹp đẽ, tự hào về Tổ quốc mình, trường mình, lớp mình; về ý thức danh dự tập thể, trách nhiệm công dân mà khó có hoạt động giáo dục nào thay thế được.
Đi vào cụ thể và nhìn nhận một cách toàn diện, chúng ta thấy việc tổ chức tiết SHCCĐT ở một số trường phổ thông còn bộc lộ không ít những vấn đề cần bàn bạc, thống nhất.
Chưa nghiêm túc, chu đáo
Hiện nay vẫn còn không ít tiết SHCCĐT được chuẩn bị chưa chu đáo. Việc kiểm tra các điều kiện vật chất, nội dung chương trình ở một số trường còn xem nhẹ. Chính sự chủ quan, thiếu cẩn trọng này đã nảy sinh không ít những trục trặc không đáng có. Ví dụ có tiết SHCCĐT “quên” không chuẩn bị bục phát biểu; có khi cờ đang kéo thì bị kẹt giữa chừng, có nơi lệnh chào cờ đã qua cả phút băng nhạc vẫn chưa mở, khi mở được thì tiếng nhạc phát lên ậm ò không rõ... Động tác học sinh buộc cờ vào dây ở một số trường còn lúng túng, chưa thành thao tác chuẩn nên có khi mất cả phút mà cờ vẫn chưa bắt đầu được kéo. Khi kéo, một số trường lại để các em kéo cờ nước thấp hơn cờ Đội. Có khi lại kéo cờ quá nhanh hoặc quá chậm không ăn nhập với nhịp trống… Tất cả những trục trặc tưởng rất nhỏ đó lại gây những ảnh hưởng không nhỏ đến không khí trang trọng, thiêng liêng của lễ chào cờ. Ngoài ra, ý thức và nề nếp tiết SHCCĐT ở một số đơn vị chưa nghiêm túc.Điều này dễ nhận thấy qua một số biểu hiện như trong lúc chào cờ vẫn có trường còn để một số công nhân viên (CNV) làm việc trong phòng, chưa sắp xếp khoa học vị trí cho đội ngũ giáo viên (GV), CNV.
Nhiều GV, CNV, ngay cả hiệu trưởng chưa tự giác, gương mẫu hát Quốc ca. Hiệu ứng tất yếu ở những trường này là khá nhiều học sinh đứng chào cờ không những không hát, không hướng mắt lên cờ mà còn xì xầm chuyện trò, trêu chọc nhau… Ngoài ra, một số tiết SHCCĐT còn đơn điệu, nghèo nàn. Nội dung chủ yếu dừng ở báo cáo kết quả thi đua tuần của giáo viên trực và phát biểu của hiệu trưởng. Những hoạt động sinh hoạt vui tươi, hấp dẫn nhằm giáo dục tinh thần, ý thức Đội theo chủ đề, chủ điểm ở một số trường còn lúng túng, ít linh hoạt, sáng tạo, thiếu các hoạt động mang tính giáo dục phù hợp lứa tuổi…
Biện pháp nâng cao hiệu quả
Tất cả những trục trặc tưởng rất nhỏ nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến không khí trang trọng, thiêng liêng của lễ chào cờ.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và ý thức về tiết SHCCĐT.Đây là vấn đề mấu chốt. Bởi nếu nhận thức chưa sâu, ý thức chưa rõ thì quyết tâm chưa lớn và hành động khó mà đạt hiệu quả. Thực tế cho thấy các đơn vị tiên tiến xuất sắc luôn làm tốt vấn đề này. Ở đó tiết SHCCĐT luôn được quan tâm đúngmức và thựchiện một cách thoải mái, nhẹ nhàng nhưng lại rất bài bản, sinh động và ấn tượng. Để vấn đề này được thực hiện tốt việc quan trọng không chỉ ở chỗ tranh thủ các diễn đàn tập thể như sinh hoạt hội đồng sư phạm, sinh hoạt công đoàn, Đoàn, Đội… để tuyên truyền, trao đổi, mạn đàm về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của tiết SHCCĐT mà còn phải thường xuyên củng cố, bổ sung những nhận thức ấy qua xem xét, uốn nắn, động viên, rút kinh nghiệm kịp thời từng hành vi, thái độ trong thực tiễn tham gia tiết SHCCĐT của mỗi tập thể, từ BGH, GV, CNV đến học sinh. Thứ hai, chuẩn bị chu đáo kế hoạch, chương trình tiết SHCCĐT từng tháng, từng tuần. Làm được như vậy chúng ta mới có thời gian, điều kiện và tâm thế để tổ chức tiết SHCCĐT một cách chủ động. Kế hoạch này do tổng phụ trách (TPT) Đội dự thảo, được BGH thông qua một cách cẩn trọng và thông báo để mọi người cùng biết, cùng thực hiện. Kế hoạch phải chi tiết, ghi cụ thể chủ điểm; công việc; người phụ trách; người thực hiện, thời gian thực hiện; rút kinh nghiệm sau thực hiện. Lời dẫn chương trình và các ý kiến phátbiểu đều chuẩn bị trước bằng văn bản. Phần việc học sinh được phân công cần cụ thể, rõ ràng, có sự giúp đỡ của thầy cô và TPT. Thứ ba, thường xuyên kiểm tra, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt nhất cho tiết SHCCĐT diễn ra thuận lợi. Những trục trặc, thiếu thốn và những phát sinh không đáng có phải được rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời. Ở những trường hát Quốc ca chưa chuẩn phải bố trí tập hát lại một cách nghiêm túc trong hội đồng sư phạm và trong từng lớp. TPT phải thường xuyên kiểm tra, chủ động tham mưu, đề xuất với BGH những yêu cầu cần thiết. Một cột cờ thiết kế chưa đúng mẫu, vị trí dựng chưa phù hợp; một lá cờ quá cũ, màu đã bạc, vải đã xước; một dây kéo cờ đã nát; bộ trống không đồng bộ… tất cả đều phải được bổ sung và thay thế dứt điểm. Thứ tư, nâng cao không ngừng ý thức trách nhiệm, năng lực và năng khiếu hoạt động Đội của người TPT.Không phải ngẫu nhiên mà có hiệu trưởng cho rằng một tiết SHCCĐT thành công hay thất bại, 80% do TPT quyết định. Vừa chịu trách nhiệm thiết kế chương trình vừa là người tổ chức, điều hành và trực tiếp tham gia tổng hợp báo cáo kết quả thi đua, người TPT nếu không năng động, sáng tạo, không chủ độngphấn đấu, học tập nâng cao phẩm chất và năng lực toàn diện thì thật khó khẳng định được mình khi mà ở hoạt động này yêu cầu ngày một cao hơn, đòi hỏi bản lĩnh và kỹ năng nhiều hơn. Trong khi đó thực tế đội ngũ TPT ở các trường THCS và tiểu học còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc nâng cao trình độ, năng lực cho TPT ở các trường thực sự đặt ra như một yêu cầu cấp bách. Trước hết mỗi phụ trách phải tự nhận ra vị trí, vai trò và năng lực thật của mình để không ngừng học tập, phấn đấu không chỉ qua trường, sách vở, đồng nghiệp mà quan trọng hơn là qua thực tế công việc, phải mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mặt khác BGH cần quan tâm, tin tưởng, tạo cơ hội, điều kiện, kể cả điều kiện nâng cao mức sống như sắp xếp thêm việc cho TPT, để TPT yên tâm, tự tin phấn đấu. Thứ năm, ở mọi hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp, nhà trường phải rèn được cho học sinh nề nếp chăm ngoan, lễ phép, kỷ luật,phát huy được thường xuyên nơi các em tính tích cực, tự giác, sáng tạo, mạnh dạn trước tập thể và vì tập thể. Chất lượng và hiệu quả giáo dục của tiếtSHCCĐT không thể tách rời với các hoạt động giáo dục khác. Mọi nề nếp của tiết SHCCĐT sẽ chỉ được thực hiện tốt khi nó đã từng được thiết lập, rèn luyện, thực hiện thường xuyên trong các hoạt động giáo dục khác. Có thể coi sự thành công của tiết SHCCĐT là kết quả tất yếu của cả quá trình giáo dục toàn diện.
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
 
Việc chăm lo công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức và rèn ý thức, tác phong chủ động, tích cực cho học sinh luôn là yêu cầu cao đối với mọi GV trong mỗi tiết học, cũng như trong mọi hoạt động giáo dục khác ngoài giờ lên lớp. Như vậy chúng ta mới có điều kiện, có nề nếp để thực hiện thành công tiết SHCCĐT. Và ngược lại, chính tiết SHCCĐT được tổ chức tốt sẽ góp phần không nhỏ để những nề nếp, ý thức trên được củng cố, phát huy giúp cho các hoạt động giáo dục khác được thực hiện dễ dàng hơn.