Thứ bảy, 27/8/2016, 21h14

Hoạt động giáo dục mầm non còn thiếu an toàn

Trẻ nhỏ gặp tai nạn từng xảy ra ở một số trường mầm non trong thời gian gần đây. Nguyên nhân do cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng chưa đảm bảo theo quy định. Song những vụ tai nạn đã xảy ra dường như chưa đủ để các trường rút kinh nghiệm, chỉnh trang lại trang thiết bị đúng quy định, nhằm mang đến sự an toàn cho trẻ khi đến lớp.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, lãnh đạo Phòng Giáo dục mầm non yêu cầu các trường phải khắc phục ngay những hạn chế cho phù hợp với môi trường giáo dục mầm non

Đây là các vấn đề được đưa ra tại buổi bồi dưỡng chuyên môn “Rút kinh nghiệm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non và công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 25-8. Bên cạnh đó, công tác nuôi dưỡng trẻ, xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng được đề cập đến.

Bị nhắc nhở vẫn chưa chịu khắc phục

Tại buổi bồi dưỡng chuyên môn, có đến vài trăm tấm hình chụp các cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng của rất nhiều nhóm trẻ, trường công lập và ngoài công lập chưa đảm bảo an toàn theo quy định được lãnh đạo Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM) trình chiếu. Nào ti vi, quạt mát mất lồng bảo vệ cánh được treo chênh vênh trên tường với kệ đỡ yếu ớt. Có trường còn dùng dây vải buộc máy cassette lên tường trong khi ngay phía dưới là nơi sinh hoạt của trẻ. Một số cục nóng của máy điều hòa rất nặng thì kê ngay hành lang vui chơi, không chỉ khiến không khí nóng mà còn tiềm ẩn nguy cơ rơi bất cứ lúc nào. Có trường tạo mảng xanh trong lớp bằng cách xếp nhiều chậu hoa, kiểng đúng tầm với của trẻ. Nhiều khung cửa sử dụng thanh ngang, trẻ không khó để leo trèo. Đặc biệt nhiều tủ để chăn gối, quần áo cao đến 1,5-2m vẫn được các trường sử dụng…

Hiện nay tại một số cơ sở mầm non, chất lượng bữa ăn được đánh giá chưa cao do mức thu tiền ăn còn thấp. Nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng từ động vật chưa phong phú.

Bà Nguyễn Từ Dũ (Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non) phải thốt lên: “Tôi không hiểu sao mà các trường có thể treo, sắp xếp trang thiết bị, đồ dùng thiếu an toàn như vậy. Sự việc này tồn tại cả ở trường bình thường và trường được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn. Nếu chẳng may ti vi, máy cassette, quạt… rơi xuống thì làm sao? Hoặc tủ quần áo quá cao, trẻ hiếu động, thích bám víu, leo trèo, liệu giáo viên có thể giám sát được hết cả buổi không? Tất cả do người lớn tạo ra, chỉ cần quay lưng đi là không biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Điều đáng nói, có những trường đã bị nhắc nhở song vẫn chưa chịu khắc phục”.

Ngoài những chuyện trên, vấn đề vệ sinh cũng được lãnh đạo Phòng Giáo dục mầm non đề cập đến. Theo đó, nhiều trường “biến” phòng sinh hoạt của trẻ thành nơi chứa đồ đạc như bình chữa cháy, chổi quét… Bồn rửa chén vô cùng dơ nhưng không được cọ rửa, nền nhà vệ sinh thì nước chảy lênh láng. Thậm chí giấy ăn màu hồng - loại giấy được sơ chế nhiều lần, nhà trường cũng mua sử dụng. Bình sữa thì không có nắp, không tên tuổi, kho để sữa bố trí dưới gầm cầu thang…

Những thiết bị thiếu an toàn được trình chiếu tại buổi bồi dưỡng chuyên môn

Để năm học sắp tới đảm bảo an toàn cho trẻ, bà Từ Dũ yêu cầu các trường phải khắc phục ngay những hạn chế cho phù hợp với môi trường giáo dục mầm non, cần đề cao yếu tố an toàn, sạch sẽ. Trong những lần kiểm tra tới, nếu còn bắt gặp thì Phòng Giáo dục mầm non sẽ lập biên bản xử lý.

Chất lượng bữa ăn chưa phù hợp

Sổ nhận thuốc phải có toa, chữ ký của phụ huynh gửi

Liên quan đến công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, Phòng Giáo dục mầm non lưu ý các trường: đối với sổ nhận thuốc của phụ huynh gửi phải có toa thuốc, chữ ký và ghi rõ họ tên, ngược lại không để giáo viên nhận thuốc. Trong công tác an ninh trường học, cần ký kết liên tịch giữa nhà trường và địa phương vì vấn đề này hiện chưa làm chặt chẽ. Riêng vấn đề xã hội hóa, nhà trường tuyệt đối không cầm tiền, thay vào đó để chính người quyên góp trực tiếp cầm tiền làm công trình hoặc trang bị thiết bị.

Hiện nay tại một số cơ sở mầm non, chất lượng bữa ăn được đánh giá chưa cao do mức thu tiền ăn còn thấp. Nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng từ động vật chưa phong phú. Ngoài ra, năng lượng cung cấp từ gạo, dầu ăn, đường tinh chế sử dụng còn cao so với định mức. Bà Từ Dũ cho rằng, lượng thực phẩm phân chia trong sổ tính tiền ăn và sổ tính khẩu phần dinh dưỡng chưa khớp dẫn đến khẩu phần dinh dưỡng đạt được chưa chính xác. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các thành viên trong việc thực hiện hồ sơ, sổ sách quản lý chất lượng bữa ăn cho trẻ chưa có sự đồng bộ, thống nhất, thiếu sự kiểm tra đối chiếu của ban giám hiệu khiến cho tiền ăn tồn cuối tháng chưa hợp lý. Ngoài ra, nhiều trường chưa tách tiền ăn cho trẻ mỗi ngày trên sổ thông báo thu của phụ huynh. Chưa công khai tiền ăn của trẻ mỗi ngày tại bảng tin của trường. Chứng từ mua bán thực phẩm, sổ sách quản lý tiền ăn được thực hiện theo quản lý của công ty; chưa theo chỉ đạo của phòng GD-ĐT.

“Để chấn chỉnh những vấn đề này, các trường phải tăng cường kiểm tra hồ sơ, sổ sách bán trú, không để thừa tiền ăn. Tách riêng tiền công phục vụ ăn sáng. Phòng GD-ĐT cần tham mưu với UBND quận/huyện cho phép các trường được thỏa thuận với phụ huynh các khoản thu trong hè”, bà Từ Dũ nói.

Ngọc Trinh