Thứ ba, 3/5/2011, 19h05

Kể chuyện đánh chìm tàu chiến của Mỹ tại Cảng Sài Gòn: Kỳ 1: Đón tàu US COREE

Tàu USNS CARD chuẩn bị vào Cảng Sài Gòn năm 1963 (ảnh tư liệu)
Những ngày cuối tháng 4, tôi vinh dự được trò chuyện với chiến sĩ biệt động Sài Gòn Lâm Sơn Náo - người trực tiếp đánh chìm tàu Mỹ USNS CARD tại Cảng Sài Gòn vào rạng sáng 2-5-1964.
USNS CARD là tàu chiến chở vũ khí phục vụ cho chiến lược chiến tranh đặc biệt tại chiến trường miền Nam Việt Nam.
Lịch sử tàu USNS CARD
Tàu USNS CARD có chiều dài lên đến 151 mét, trọng lượng rẽ nước 9.957 tấn và trọng tải 16.500 tấn. Bộ phận thân tàu được hình thành vào ngày 27-10-1941. Những chiến công lập được trong Thế chiến II, ngay từ khi phần thân chưa hoàn tất, con tàu này đã được lực lượng hải quân Mỹ trưng dụng và chuyển đổi thành tàu sân bay hộ tống. Lúc bấy giờ nó có tên là CARD. Với đầy đủ các loại vũ khí hiện đại nhất. Ngày 15-7-1941, tàu CARD được nâng cấp và chính thức trở thành tàu sân bay USS CARD, ký hiệu CVE-11. Lúc này, tàu CARD tham gia hạm đội ở Đại Tây Dương của hải quân Hoa Kỳ với nhiệm vụ tìm và diệt tàu ngầm của phát xít Đức. Chiến hạm USS CARD đã liên tục ghi tên mình vào bảng vàng thành tích chiến đấu của hải quân Mỹ. Trong năm 1943 đã đánh chìm tàu chiến của hạm đội Đức, cụ thể: ngày 7-8: U117; ngày 9-8: U664; ngày 11-8: U525 và U847 vào ngày 28-7. Trong vòng ba tháng 9, 10 và 11-1943, máy bay của USS CARD săn lùng rồi tiếp tục đánh chìm 4 tàu ngầm của hải quân Đức là U460, U422, U402 và U584. Sau khi Thế chiến II kết thúc, ngày 7-5-1959, tàu sân bay USS CARD được phân loại lại, nâng cấp và hoạt động vận chuyển máy bay. Tàu có tên mới là USNS CARD, ký hiệu AKV-40.
Đến năm 1963, con tàu có tuổi đời 21 năm USNS CARD vào Cảng Sài Gòn lần đầu tiên. Con tàu chuyên chở máy bay vào phục vụ cho chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ tại chiến trường miền Nam Việt Nam này được hải quân Sài Gòn gọi bằng cái tên “thiết giáp hạm”. Người có mặt trên tàu USNS CARD trong cuộc hành trình xuyên đại dương ấy là John McDonald - từng là lính hải quân của quân đội Mỹ. Xuất phát từ New Orleans, bang Texas, Mỹ vào giữa tháng 3-1964, USNS chở máy bay Skyraider AD; phi cơ AD6 rời và trực thăng nguyên chiếc loại HU1A. Tàu lại đến California nhận thêm nhiều máy bay, thiết bị phục vụ quân sự và nhiên liệu rồi tiếp tục cuộc hành trình.
Hai chiếc tàu USNS CARD và US COREE thay phiên ra vào cảng để vận chuyển vũ khí, máy bay chiến đấu. Cách khoảng 4 tháng lại có một chiếc cập Cảng Sài Gòn mang theo nhiều vũ khí hiện đại.
Kế hoạch đánh tàu US COREE

Dòng máu cách mạng của gia đình luôn chảy đều trong huyết quản của anh công nhân Cảng Sài Gòn Lâm Sơn Náo. Anh là con thứ ba trong gia đình nên thường được gọi là Ba Náo. Vào thời đó, tuy mới 25 tuổi nhưng anh đã có đến 15 năm làm công nhân ở cảng. Chứng kiến cảnh công nhân thợ thuyền bị áp bức bóc lột; quân đội Mỹ tàn sát dân mình, anh Ba Náo không cầm lòng được. Ba Náo nhận thức rằng, có áp bức là có đấu tranh. Cảm thấy xấu hổ khi nước mất nhà tan mà bản thân lại đi làm kiếm tiền, anh quyết định thoát ly gia đình để góp phần vào công cuộc đấu tranh. Gia đình Ba Náo có hết thảy bốn người tham gia kháng chiến chống Mỹ. Căn nhà của gia đình anh nằm bên bờ kênh Tẻ hiền hòa luôn là tâm điểm chú ý của quân cảnh Mỹ. Ba Náo có người cô ruột vừa là cơ sở cách mạng vùng căn cứ vừa là giao liên của Đội Biệt động Quyết Tử. Người cô giới thiệu anh với đồng chí Phạm Văn Hai. Lúc đó, Phạm Văn Hai là Đội trưởng Đội Biệt động 65, Đội Biệt động Quyết Tử Sài Gòn. Sau khi nghe Ba Náo báo cáo tình hình sơ bộ ở Cảng Sài Gòn, Phạm Văn Hai mở ngay lớp tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kéo dài trong vòng ba ngày. Lớp học chỉ có một thầy và một trò. Sau ba ngày được học tập, huấn luyện, Ba Náo hào hứng trở lại làm việc ở cảng và bí mật thành lập cơ sở cách mạng.
Vốn thông minh, lanh lợi và hòa đồng nên Ba Náo dễ dàng gầy dựng cơ sở với những đồng chí đáng tin cậy, nhiệt tình cách mạng. Tình hình liên tục được báo cáo về đơn vị. Ba Náo được phân công vừa xây dựng căn cứ, cơ sở để cất giấu vũ khí, vừa xây dựng lực lượng ở các quận trong nội thành. Ba Náo được Đội Biệt động 65 giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là đánh hai chiếc tàu USNS CARD và US COREE. Sau một thời gian tìm hiểu, anh đã nắm rõ tất tần tật lịch trình cập cảng, nơi neo đậu của từng chiếc. Mục tiêu đã có, trái nổ cũng được quân khu thiết kế, chỉ chờ tàu cập cảng là đánh.
Nhận được tin báo từ Ty điều độ cảng, tàu US COREE sẽ cập Cảng Sài Gòn vào chiều 29-12-1963. Ngày 28-12, Ba Náo liền lên kế hoạch tìm người hỗ trợ. Người mà anh tin tưởng để thực hiện đánh tàu US COREE không ai khác ngoài anh Sáu Cậy (thợ điện của cảng). Trước đó, Ba Náo đã đưa Sáu Cậy vào căn cứ để học tập, học cách sử dụng và thiết kế trái nổ. Để an toàn, Ba Náo lên phương án chuẩn bị xuồng (dành cho thợ hồ của công nhân cảng) đi sửa chữa để vận chuyển trái nổ vào gầm cảng. Bốn khối thuốc nổ TNT cùng đá, xi măng, dụng cụ… được chuyển từ nhà anh ra cảng bằng xuồng thợ hồ. Xuồng lách qua cửa sắt đã được mở khóa sẵn đi vào đường cống ngầm để vào gầm cảng. Xuồng chở vũ khí đến nơi cần đến an toàn trước khi tàu US COREE cập bến.
Từ đêm 28 đến ngày 29-12-1963, Ba Náo và Sáu Cậy chỉ uống nước cầm hơi nằm trên xuồng chờ tàu vào. Điểm đánh được Ba Náo xác định là bốn chiếc cột cầu cảng. 18 giờ, tàu US COREE dần tiến vào cảng. Tàu neo đậu xong, gần 100 kỹ thuật viên lắp ráp máy bay, phi công và binh lính canh gác nghiêm ngặt bên trên. Tiếng động cơ cần cẩu, máy bay ầm ầm rõ mồn một. Chúng không ngờ rằng, chiến sĩ đặc công Ba Náo lại có thể đi bằng đường cống. Ba Náo tiến hành đặt trái dưới nước, cứ cách nhau 5 mét đặt một khối thuốc nổ. Đặt xong lúc 23 giờ, hẹn đồng hồ đúng 7 giờ sáng sẽ nổ.
Làm xong nhiệm vụ được giao, Ba Náo ra hiệu cho Sáu Cậy nhấn chìm xuồng để phi tang, rồi cả hai lội theo đường cống để ai về nhà nấy. Ba Náo bặm môi đến ứa máu: “Rồi chúng bay sẽ biết tay tao”.
Trần Tuy An
Trong lịch sử chiến tranh của Mỹ có ba tàu chiến từng làm mưa làm gió suốt Thế chiến II. Trong đó, có một tàu đã bị quân đội Đức bắn hạ. Còn lại hai chiếc là tàu sân bay USNS CARD, ký hiệu là AGV-11 và tàu US COREE.

Kỳ 2: Lấy lại trái nổ lép
Pin yếu không đủ sức điểm hỏa bốn trái nổ. Lấy lại trái nổ lép là việc cần làm để bảo toàn vũ khí và để kế hoạch đánh tàu không bại lộ. Gài trái thì dễ, nhưng lấy trái khó khăn gấp bội. Ba Náo và Sáu Cậy đã lấy lại trái nổ như thế nào?