Thứ sáu, 13/5/2011, 15h05

Kể chuyện đánh chìm tàu chiến của Mỹ tại Cảng Sài Gòn: Kỳ cuối: Một làn sóng đấu tranh mới

Vụ đánh chìm tàu USNS trở thành sự kiện lịch sử thế giới (ảnh tư liệu)
Sự kiện Biệt động Sài Gòn đánh chìm tàu USNS CARD đã gây chấn động khắp năm châu và trở thành một trong số ít những sự kiện của lịch sử thế giới từ sau thế chiến thứ hai (1945) đến nay.
Ngay sau khi tàu USNS CARDbị đắm, như thường lệ Ba Náo mở radio để nghe tin tức. Đài BBC buổi sáng phát tin nóng: “Tàu chiến Mỹ USNS CARD bị đánh chìm tại Cảng Sài Gòn lúc 4 giờ sáng ngày 2-5”. Nguyên nhân mà bản tin này đề cập: “Có thể do Việt cộng bí mật đặt bom từ hôm trước”.
Phần thưởng cho Ba Náo
Nghe đến đây, Ba Náo nghĩ thầm: “Chính Việt cộng chứ ai nữa mà có thể”. Tiếp sau đó là Hãng tin Mỹ UPI, Đài Phát thanh Sài Gòn, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đưa tin sự kiện chấn động này. Trong lòng Ba Náo và Hai Hùng cũng như quân dân cả nước vui mừng khôn xiết. Ba Náo vui đến quên cả ăn uống khi Đài Tiếng nói Việt Nam cứ dăm phút là phát lại bản tin này.
Hay tin Đội Biệt động 65 Sài Gòn hạ chiếc USNS CARD, Bác Hồ cho gọi người của Đài Tiếng nói Việt Nam đến để truyền tiếng nói của Bác chuyển đến quân dân cả nước. Ba Náo vẫn còn nhớ vanh vách lời Bác nói: “Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho tới nay chúng ta chưa mất một máy bay nào, một tàu chiến nào. Thế mà hiện nay, ta đã đánh đắm một tàu chiến của Mỹ, trong đó có nhiều máy bay, làm chết nhiều lính Mỹ. Bác biểu dương lực lượng du kích miền Nam. Bác động viên các cô các chú hãy phát huy chiến thắng này, tiếp tục đánh mạnh, đánh nhiều hơn nữa”. Tiếp theo lời Bác là lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “… Chiến thắng này đã trả lời Mỹ khi người Mỹ muốn can thiệp và gây chiến ở Việt Nam”. Lời của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ trên đài phát thanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cũng đã biểu dương chiến công của Biệt động Sài Gòn trong bản tin buổi sáng.
Sự kiện đánh đắm tàu chiến USNS CARD còn được Bưu điện Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho in con tem ghi dấu chiến công lừng lẫy. Trên con tem, bên góc trái có nội dung: MTDTGPMN VIỆT NAM 1960-1964, góc phải là dòng chữ HÀNG KHÔNG MẪU HẠM CỦA MỸ BỊ ĐÁNH ĐẮM BẾN CẢNG SÀI GÒN. Giữa con tem là hình vẽ chiếc tàu bị đắm, chìm dần xuống đáy sông. Phần thưởng dành cho người trực tiếp đánh tàu USNS CARD là một khẩu súng ngắn Bronil (Canada sản xuất) do Thủ tướng Cu Ba lúc bấy giờ gửi tặng. Tại Bảo tàng quân đội Cu Ba cũng có một phòng trưng bày hình ảnh và tư liệu về sự kiện tàu bị đắm. Đặc biệt ở đó có một tấm hình Ba Náo với chú thích: “Người đã đánh chìm tàu USNS CARD tại Cảng Sài Gòn sáng 2-5-1964” do phóng viên người Pháp chụp.
Người chiến sĩ cách mạng kiên trung
Chiến sự ở miền Bắc ngày càng ác liệt. Quân Mỹ tàn phá vùng đất này bằng không quân. Khi có chỉ thị của trung ương: “Miền Bắc gọi, miền Nam trả lời”, Quân khu Sài Gòn Gia Định thành lập đơn vị F100. Từ Đội Biệt động 65 tách ra để bổ sung vào đội mới 69 thuộc phân khu 3-Nhà Bè. Hai người bạn cùng đánh tàu USNS CARD được điều về đội mới có nhiệm vụ nghiên cứu tình hình, gầy dựng cơ sở. Lúc bấy giờ, Ba Náo làm Đội trưởng phân đội 1. Ba Náo bí mật trinh sát tàu hải quân, kho vũ khí và căn cứ quân sự của Mỹ trong nhiều vai như nhà buôn, sỹ quan ngụy, thợ hồ…
Ngày 23-2-1964, Ba Náo bị bắt giải về Tổng nha cảnh sát do một người trong phân đội 1 chiêu hồi chỉ điểm sau khi Ba Náo giao nhiệm vụ đặc biệt cho tên này. Dù đã đặc biệt cảnh giác nhưng Ba Náo vẫn không lường trước được chuyện này. Đây là sai lầm đầu tiên của anh trong nhiều năm hoạt động cách mạng. Khi bị bắt, Ba Náo không kịp phi tang khẩu súng Bronil đang cất giấu trong người. Bọn lính đánh phủ đầu Ba Náo để tìm ra căn cứ quân khu Sài Gòn - Gia Định. Do tên chiêu hồi biết rõ và khai với bọn lính nên Ba Náo bị động trước những câu hỏi của chúng. Nhưng với tài đấu trí có hạng của Ba Náo, đặc biệt là sức chịu đựng khi bị tra tấn, chúng không khai thác được gì ngoài dấu gạch đầu dòng bỏ lửng. Ba Náo tỉnh táo nghĩ rằng, nếu mình hé nửa lời thì chúng lại đánh để khai thác tiếp, vì thế phải chịu đựng. Chúng đánh Ba Náo ba ngày đêm đến nhừ tử, bất động. Sợ Ba Náo chết không moi được tin tức nên chúng đưa anh vào Bệnh viện Tổng nha. Ba Náo nằm không thở được, máu từ tai, mũi, miệng cứ ọc ra, bụng thì trướng lên vì đọng máu bầm. Cứ thấy Ba Náo khỏe là chúng đưa ra tra tấn tiếp. Những cuộc tra tấn kéo dài suốt tám tháng trời.
Không một cơ sở nào, một đồng chí nào bị lộ, hết cách chúng lại đưa Ba Náo vào trại Chí Hòa nhốt trong phòng biệt giam, tay chân xiềng xích. Ở đây cũng thế, Ba Náo không chịu chấp hành nội quy. Bốn tháng trôi qua, mẹ của Ba Náo vào thăm con nhưng không được gặp mặt bởi “Thằng con bà lì số 1”. Trong cơn mê man, Ba Náo nghe tiếng của tên giám thị trại giam văng vẳng bên tai: “Lâm Sơn Náo, có người nhà thăm nuôi”. Ba Náo nghĩ thầm, nó đem mình đi thủ tiêu chứ thăm nuôi gì. Bên ngoài, tên cai ngục giục gọi: “Bà Phạm Thị Song (mẹ Ba Náo - PV) đến đấy, ra nhanh đi”. Lúc này Ba Náo mới nghĩ rất có thể là mẹ vào thăm.
Hình ảnh người con trai râu dài như tóc, tóc dài bù xù như rơm, tàn tạ đến thảm hại khiến bà Song ngã quỵ. Tên quản giáo ra điều kiện: “Bà thuyết phục con đi. Nếu nó chịu ra thì ngày 29 Tết sẽ cho cả gia đình vào gặp mặt con”. Hiểu tính khí của con nên bà chẳng khuyên bảo gì. Thế mà ngày 29 Tết, cả nhà cũng được vào thăm Ba Náo. Thằng con trai bảy tuổi Lâm Văn Quản cũng khóc đòi theo ông bà nội vào thăm ba. Thấy ba mặt mũi tèm nhem, người ngợm ốm nhách, xanh xao, từ xa nó khóc to lắm rồi ùa chạy đến ôm ba.
Trước cuộc tấn công nổi dậy của ta, ngay trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, địch đưa Ba Náo và những người đồng đội xuống tàu ra nhà tù Côn Đảo.
Trần Tuy An

Sự kiện tàu USNS CARD bị đánh chìm khi đang neo đậu ở Cảng Sài Gòn năm 1964 là một trong những sự kiện nổi bật nhất trên thế giới từ sau thế chiến thứ hai. Tin chiến thắng đã tạo nên một làn sóng đấu tranh mới và sẵn sàng cho chỉ thị của trung ương: “Miền Bắc gọi, miền Nam trả lời”.