Thứ sáu, 12/3/2010, 16h03

Kỷ niệm 65 năm ngày khởi nghĩa Ba Tơ 11-3-1945/11-3-2010: Kỳ 2: “Sự tích” anh hùng của người dân tộc Ba Tơ

Cảnh núi rừng Ba Tơ. Ảnh: T.L

Từ bao năm trước, đồng bào trên đỉnh Cao Muôn xâu(*) không làm, thuế chẳng nộp. Bọn Tổng, Lý phải run sợ kiêng nể. Trong vùng có người nào kêu gọi đánh Tây, đuổi Nhật là được nhân dân che chở, giúp đỡ, bảo vệ. Đồng chí Đỗ Đình Cẩn, người chiến sĩ kiên cường, sau này là thiếu tá Quân đội nhân dân đã hy sinh ở khe Sanh, lúc còn sống có kể cho chúng tôi nghe nhiều “sự tích” anh hùng cũng như tinh thần đùm bọc, thương yêu của dân làng Ba Tơ.
Những câu chuyện ngày ấy…
Năm 1930, có một chiến sĩ cách mạng từ dưới xuôi lên lập vườn cùng với đồng bào dân tộc H’rê để hoạt động, giác ngộ dân làng. Anh bị Tây bắt, gia sản vườn tược bị tịch thu đem bán đấu giá. Đồng bào H’rê thương quá, đã chung sức nhau, kẻ mua một cái nồi, người mua một chiếc chảo, kẻ mua cái bàn, cái ghế, người mua cái giường, cái tủ, cuối cùng góp nhặt lại đã mua đủ cả nhà và vườn. Đến khi người chiến sĩ ấy mãn hạn tù, dân làng mới đến giao nhà, vườn lại và nói: “Người làm cách mạng đánh Tây đều là con em của buôn làng, chẳng kể Kinh hay Thượng”.
Thời Pháp, cơ Nhì và cơ Nhất đông dân, ruộng rẫy phì nhiêu. Cơ Năm giáp miền Tây Bình Định, rừng núi hiểm trở là nơi có tinh thần bất khuất không kém các cơ khác. Khi tôi về đây, nơi căn cứ chống Mỹ của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng chí Nguyễn Nghĩa lúc bấy giờ là Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, phụ trách Ban An ninh, đồng chí Từ Tân Vũ, Chánh văn phòng Tỉnh ủy tiếp tôi trong một căn nhà hầm, đã kể biết bao “sự tích” anh hùng của người dân tộc Ba Tơ. Lúc ấy, Mỹ ngụy đặt Ba Tơ thành quận, chúng chia làm 5 khu nhỏ để dễ bề đàn áp, bóc lột. Các khu Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung mỗi khu từ 4 đến 5 xã. Chúng cắt các xã Ba Vì, Ba Chi, Ba Tiêu, Ba Ngạc cùng hai xã Sơn Thủy, Sơn Kỳ của huyện Sơn Hà lập thành quận Sông Rhê. Trở về khu Đông Sơn Tịnh, tôi và đồng chí Nghĩa bị địch pháo kích, đạn cối nổ chung quanh, may chỉ bị thương nhẹ.
Đồng bào H’rê sống tập thể trong những mái nhà sàn lớn. Nhà sàn dựng nơi cao ráo, ẩn trong vườn cau cao cao, hoặc vườn mít xanh um. Nhà thường dựng bên suối, tiếng suối róc rách chảy dưới cầu thang, gõ vào vách đá như tiếng phách nhịp trong lễ hội đâm trâu. Sàn nhà bằng gỗ xoan đào, hoặc gỗ mít vàng bóng như nghệ, chạm trổ tinh vi, khắc họa nhiều hoa văn. Mỗi nhà ngăn làm nhiều bếp, mỗi bếp là một gia đình ở. Bên trong những vách núi dưới thung lũng có nhà ruộng, lúa cắt về xếp đầy và cất giấu để nuôi bộ đội, nuôi cán bộ cách mạng mà không hề tính toán hơn thiệt. Mùa lúa về, đồng bào H’rê cũng có tục cúng cơm mới như bao dân tộc khác. Nhân dân đốt lửa, đàn hát, múa nhảy và ăn cơm mới. Cơm vắt thành từng nắm ăn với cá niêng, cá vột hoặc thịt trâu khô nướng lên thơm phức. Nhà nào cũng nuôi trâu để tế lễ, cúng thần linh hoặc đám ma, đám cưới, ăn hỏi, ăn thề. Việc đâm trâu có ý nghĩa thiêng liêng với đồng bào dân tộc, trai gái trong làng khua chiêng, đánh trống, gảy đàn, múa nhảy hò hát thâu đêm. Kẻ nào phản bội dân làng đi khai báo với giặc sẽ bị trừng phạt. Trai làng đi săn bắn ngày ngày, những mũi tên thường bắn thú rừng, khi có giặc Mỹ đến làng sẽ trở thành tên có ngạnh và tẩm thuốc độc. Già làng cầm dao, đeo đoản kiếm, vỏ bằng bạc chạm trổ rất công phu. Mỗi mũi lao phóng ra là một con thú rừng ngã. Đối với dã thú mặt người đi càn quét đốt phá, mũi lao căm thù có thể xâu xiên bụng. Lao phóng ra mạnh đến nỗi ghim chặt xuống đất.
Nét đẹp Ba Tơ
Thung lũng Ba Tơ không rộng lắm, nhưng từ Hoàng Đồn lên Măng Đốc, Giá Vụt có những cánh đồng phẳng lì. Đây là những cánh đồng màu mỡ, xanh um khoai lúa. Những cánh đồng đẹp năng suất lúa cao ấy trong những năm Mỹ xâm lược, biến thành sân bay phản lực, ngày ngày từ nơi đây biết bao chiếc máy bay cất cánh đi gây tội ác với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Ở Ba Tơ, nhiều cánh rừng già bạt ngàn cao vút gỗ xoan đào, và nhiều cây dầu rái, một loại cây lấy nhựa dùng để trát ghe thuyền, trầm hương, nấm hương, măng rừng, mật ong thì nhiều vô kể. Nhiều gia đình cứ đến mùa xuân là đi vào rừng lấy tổ ong, sáp làm nến thắp thay dầu, còn mật chứa đầy những chum to để ở đầu chái nhà phơi nắng, lâu ngày mật đóng thành khối vàng trong suốt như pha lê. Rừng Ba Tơ là kho tài nguyên vô tận, nhưng suốt bao năm chiến tranh, nó đã bị chất độc hóa học napan, B52 của Mỹ làm cho trơ trụi. 65 năm qua, Ba Tơ cho ta bài học quý, có tác dụng lớn trong những ngày tổng khởi nghĩa 1945 và cao trào đồng khởi ở miền Nam những năm đánh Mỹ. Trong tác phẩm cách mạng tháng 8, đồng chí Trường Chinh đã đánh giá: “Sau ngày Nhật Pháp đánh nhau, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã đẻ ra một đội du kích nữa. Những đội quân này đóng vai trò hết sức quan trọng trong cao trào chống Nhật, cứu nước của cuộc cách mạng tháng 8”.
Nhà văn Đoàn Minh Tuấn
Kỳ cuối: Ba Tơ đi vào thơ ca
(*): Đi lao động khổ sai