Thứ bảy, 9/1/2016, 22h39

Nam giới được nghỉ thai sản khi vợ sinh con: Quy định nhân văn

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi có hiệu lực từ tháng 1-2016 với nhiều điểm mới về chế độ thai sản, trong đó có quy định nam giới được nghỉ thai sản từ 5-14 ngày khi vợ sinh con. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) về vấn đề này.

Luật sư Võ Đan Mạch (ảnh nhân vật cung cấp) 

PV: Thưa ông, với quy định nam giới được nghỉ thai sản từ 5-14 ngày khi vợ sinh con, vai trò của người phụ nữ đã được đánh giá cao hơn?

Luật sư Võ Đan Mạch: Với quy định mới này, vai trò của người phụ nữ đã được chú trọng và đề cao hơn trong gia đình, nguyên tắc bình đẳng giới giữa nam và nữ đã được đảm bảo áp dụng. Khi sinh con, người phụ nữ bị suy giảm sức khỏe rất nhiều nên việc họ cần người chăm sóc là yêu cầu phù hợp và cần thiết. Quy định người chồng được nghỉ theo chế độ thai sản là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các nước phát triển.

Luật BHXH sửa đổi đã thật sự linh hoạt, công bằng hơn hay chưa, thưa ông?

Nhìn chung, Luật BHXH sửa đổi áp dụng từ tháng 1-2016 đã có nhiều chế độ, chính sách được hoàn thiện, đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động, đặc biệt là chế độ thai sản linh hoạt hơn, tỷ lệ đóng - hưởng BHXH công bằng hơn. Những cặp vợ chồng là công nhân ở các khu chế xuất, xa quê hương đến lập nghiệp tại thành phố lớn, không có người thân, không có tiền thuê người giúp việc nên quy định mới này thật sự linh hoạt, có ý nghĩa thiết thực với họ.

Thưa ông, mục đích của Luật BHXH sửa đổi này là gì?

Mục đích của việc bổ sung quy định mới này nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, nguyên tắc đóng - hưởng (vì người sử dụng lao động vẫn phải đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản cho lao động nam). Mặt khác, trong thực tế, khi người vợ sinh con, người chồng vẫn phải nghỉ việc một vài ngày để chăm sóc con nhỏ. Thiết nghĩ, đây là vấn đề rất phù hợp với điều kiện thực tiễn. Luật BHXH sửa đổi cũng có sự phân định rõ ràng, số ngày nghỉ này sẽ tùy thuộc vào số con sinh ra (sinh một, sinh đôi, sinh ba) hoặc tùy thuộc vào hình thức sinh (sinh thường hay sinh mổ).

So với những nước phát triển, quy định cho nam giới được nghỉ thai sản ở nước ta được thực hiện chậm hơn. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Từ xưa, quan niệm của người Việt là việc sinh con gắn liền với trách nhiệm, bổn phận của người phụ nữ. Người đàn ông giữ vai trò, nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất của gia đình, kiếm tiền là chính. Xuất phát từ quan niệm đó mà vai trò của nam giới liên quan đến chế độ thai sản vẫn chưa từng được đề cập trong các văn bản luật trước đây.

Ngày nay, cùng với xu hướng phát triển chung của toàn thế giới, vai trò của người phụ nữ trong gia đình đã được chú trọng và đề cao. Đồng thời, quyền lợi của họ cũng được pháp luật quan tâm và bảo vệ. Việc nam giới cùng chung tay với phụ nữ chăm sóc gia đình là một xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Đây cũng là lần đầu tiên pháp luật Việt Nam quy định lao động nam được nghỉ thai sản. Quy định này ra đời ở Việt Nam hơi muộn hơn so với nhiều nước phát triển nhưng vô cùng cần thiết.

Quy định mới này có ý nghĩa như thế nào đối với nhiều gia đình, thưa ông?

Có thể nói đây là một quy định có tính nhân văn. Các tổ chức lao động quốc tế cũng đánh giá rất cao những quy định về chế độ thai sản cho nam giới. Theo đó, quy định lao động nam được nghỉ thai sản sẽ giúp những người chồng có thêm thời gian ở bên cạnh chăm sóc vợ trong thời gian vượt cạn. Qua đó, tình cảm gia đình sẽ được gắn kết, người chồng sẽ hiểu thêm những vất vả, đau đớn mà người vợ phải chịu khi sinh con. Từ đó, có thể họ sẽ dành sự quan tâm cho vợ con của mình nhiều hơn.

Luật BHXH sửa đổi còn có những điểm mới nào, thưa ông?

Luật sửa đổi còn bổ sung chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình từ ngày 1-1-2015 cho phép lao động nữ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Những quy định mới này hoàn toàn thiết thực, mang giá trị nhân văn cao.

Xin cảm ơn ông!

Yên Hà (thực hiện)