Thứ tư, 1/8/2012, 15h08

Nguyễn An Ninh - Ước mơ làm “cơn gió thổi”…: Kỳ 1: Thần tượng của đồng bào Nam bộ

Học sinh Trường TH Nguyễn An Ninh (Hóc Môn) dâng hương trong lễ khánh thành tượng đài cụ Nguyễn An Ninh

“Tự thân cuộc đời anh đã đẹp, không cần chúng ta phải tô điểm gì thêm. Một con người như vậy không dễ có đâu, bình dị nhưng vĩ đại lắm…” - cố GS. Trần Văn Giàu nhận xét về Nguyễn An Ninh như thế.
Tiếng chuông đánh thức
Nguyễn An Ninh, một nhà cách mạng yêu nước. Một chiến sĩ cách mạng kiên cường. Một nhà trí thức tầm cỡ. Một học giả uyên thâm… Không còn từ ngữ nào hay hơn nữa để nói về thần tượng của đồng bào Nam bộ một thời. Trong phạm vi loạt bài viết về nhân vật lịch sử Nguyễn An Ninh, tôi xin mượn ý trong câu nói của ông với bà Nguyễn Thị Minh Khai vào năm 1939: “Tôi chỉ làm cơn gió thổi” để đặt tựa. Nguyễn An Ninh nguyện cả đời mình chỉ làm “cơn gió thổi” làm bùng lên ngọn lửa yêu nước, kêu gọi thanh niên đừng mê ngủ đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ.
Trong quyển Nguyễn An Ninh tác phẩm do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và NXB Văn học xuất bản năm 2009, có lời tựa của cố GS. Trần Văn Giàu: “Ở Nam bộ những năm trước 1930, có một người đã có công đánh thức cả một thế hệ thanh niên còn mê ngủ”. Người mà GS. Giàu muốn nói là Nguyễn An Ninh. Nguyễn An Ninh đã đánh thức cả một thế hệ thanh niên đi làm cách mạng khi ông mới 23 tuổi, cái tuổi tràn đầy ước mơ, mà theo ông phải là ước mơ cao đẹp. Ở Pháp về, ông đã từ bỏ quyền cao chức trọng, từ bỏ cuộc sống vương giả để dấn thân thực hiện ước mơ của mình là giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Vì vậy mà ông đã được đồng bào Nam bộ thời ấy nể phục, ông đi đến đâu là bà con ùn ùn kéo đến để xem mặt, để nghe ông nói. Khi ông bị bắt, đồng bào lên tiếng đòi thả ông, học sinh bãi khóa, thợ thuyền bãi công, bạn hàng bãi chợ, nông dân bỏ ruộng kéo lên biểu tình chật trước Khám lớn Sài Gòn.
Ông đánh thức thanh niên bằng bài diễn thuyết Lý tưởng thanh niên An Nam mà ông gọi là cao vọng của thanh niên An Nam vào cuối năm 1923 (tức mới 23 tuổi), lúc ông mới ở Pháp về. Ông ra tờ báo Tiếng chuông rè tự nguyện hiến dâng đời mình làm tiếng chuông đánh thức đồng bào giữa đêm đen mất nước. Ông đi khắp Nam kỳ với chiếc xe đạp cũ kỹ để tổ chức thanh niên yêu nước không phân biệt giai cấp, tôn giáo, cùng nhau đoàn kết chung sức lại để góp phần đấu tranh đòi quyền tự do, đòi sự công bằng, đòi thay đổi thể chế chính trị bần cùng ngu dân. Cuộc đời của ông thật ngắn ngủi, ông hy sinh ở tuổi 43 nơi địa ngục trần gian Côn Đảo do 5 lần vào tù, chế độ lao tù đã bào mòn sức lực của ông. Nhưng ông cũng để lại cho đời hàng ngàn trang viết, một di sản quý giá, đã từng đánh thức cả thế hệ thanh niên trước kia và cũng đầy tính giáo dục cho thế hệ thanh niên ngày nay.
“Tự thân cuộc đời anh đã đẹp”
Đánh giá về nhân cách của ông, cố GS. Trần Văn Giàu đã viết: “Anh là một nhà Tây học, một trí thức lớn, một học giả uyên thâm đã đi nhiều nước, giao du với nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới. Anh thừa sức có một cuộc sống nhung lụa nếu muốn nhưng anh đã không màng tới điều đó. Từ Paris trở về, anh đã gắn cuộc đời mình với vận mạng của dân tộc, vì vậy mà mọi tầng lớp nhân dân yêu kính anh. Con người giàu nhiệt huyết và năng động đó cũng lãng mạn, nhiều suy tư, thích làm thơ, sống lạc quan dù nhiều lần ra tù vào khám, lắm khi phải lặn lội nắng mưa, ngủ đình, ngủ chợ, bán báo, bán dầu cù là để đi vào quần chúng. Hơn 20 năm, anh hiến dâng đời mình cho Tổ quốc thì quá nửa sống trong lao tù thực dân. Con người đó dữ dội với bọn thống trị Tây tà, khiến chúng mất ăn mất ngủ, đấu tranh hết sức kiên cường, dám tuyệt thực dài ngày đến cận kề cái chết. Anh đã kiên quyết từ chối, không khoan nhượng đầu hàng khi bọn phát xít Nhật cho người ra Côn Đảo thuyết phục, nếu anh chịu hợp tác lập chính phủ thân Nhật thì chúng sẽ đưa anh về đất liền chữa trị trong lúc bệnh tình của anh đã bước sang giai đoạn trầm trọng… Anh san sẻ từng bát cơm, manh áo, dốc cạn đồng xu cho người khốn khổ hơn anh. Anh nhường từng lon nước, chỗ nằm cho bạn tù. Anh đem cả tình thương, tri thức dìu dắt cho những ai còn lầm lỡ, bất hạnh kém may mắn hơn anh. Ai đã gặp một lần đều kính anh, một nhân cách lớn lắm, một tấm gương sáng ngời cho thời đại này. Anh là một con người hầu như không có cá nhân chủ nghĩa, không có toan tính cho mình, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cái riêng vì dân, vì anh em bạn bè vì gia đình vợ con. Tự thân cuộc đời anh đã đẹp,không cần chúng ta phải tô điểm gì thêm. Một con người như vậy không dễ có đâu, bình dị nhưng vĩ đại lắm…”. 
Trên Báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày 14-8-1993, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Nguyễn An Ninh, đồng chí Phạm Văn Đồng có viết: “Nguyễn An Ninh là một nhà cách mạng yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, kiên quyết đấu tranh vì Tổ quốc và dân tộc, cho đến hơi thở cuối cùng. Nguyễn An Ninh có tầm vóc một nhà lãnh đạo cách mạng, cho nên chúng ta phải ghi nhớ những cống hiến quan trọng của một nhân vật có tầm vóc lịch sử”. Cũng trên số báo này, đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng bí thư đã hết lời ca ngợi: “Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước vĩ đại, là một trí thức tầm cỡ, nếu chịu khuất phục bọn đế quốc, chắc chắn ông sẽ giàu có và sống vương giả. Nhưng vì yêu nước thương dân, ông đã đi vào quần chúng lao khổ, vận động họ chống lại đế quốc và tay sai”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
LTS: Loạt bài về cụ Nguyễn An Ninh, tác giả không đề cập nhiều đến cuộc đời hoạt động cách mạng của ông ở trong nước cũng như trên đất Pháp mà chỉ phác họa lại chân dung của nhà trí thức yêu nước từ thuở thiếu niên đến khi trưởng thành là nhà cách mạng. Đây là tư liệu quý mà tác giả có được thông qua những người con của ông.
 
Kỳ 2: Dòng dõi có công với nghề dạy học