Thứ hai, 5/11/2012, 16h11

Những chuyện chưa biết về cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ: Kỳ 1: Cậu học trò “cá biệt”

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ thời kỳ là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân (ảnh tư liệu gia đình nhạc sĩ cung cấp)

Thời cắp sắch, ba mẹ của Phạm Thế Mỹ thường xuyên bị cô giáo mắng vốn vì tính ngỗ nghịch, ngang bướng của con. Vì có năng khiếu vẽ, mê thổi sáo mà lắm lúc Mỹ cao hứng vẽ ngay vào bài kiểm tra, kèm thêm dòng: “Em không làm bài được”.
Cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là con út “thứ 13” trong một gia đình trung lưu ở Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 12 tuổi, vì gia đình đông con, thiếu ăn, các anh đi tập kết, là con út nên Mỹ được ở lại đi học và sinh hoạt văn nghệ ở Trường Thiếu sinh quân Liên khu 5.
Bướng hạng… “ưu”
Thời cắp sách, Mỹ nổi danh không chỉ vì thổi sáo hay mà còn nhờ… bướng bỉnh hạng “ưu”. Cái bướng của Mỹ cũng lắm trò, nhiều chiêu nhưng bù lại Mỹ rất sáng dạ, tiếp thu bài nhanh. Lúc bấy giờ, cô giáo của Mỹ (sau này là chị dâu, tức vợ của nhà văn Phạm Hổ - một trong những người đầu tiên sáng lập NXB Kim Đồng) lắm lúc phải “điên đầu” vì cậu học trò ngang bướng. Khi cô giáo cho làm bài kiểm tra, có lẽ vì đêm qua mê thổi sáo nên Mỹ không làm được bài, còn viết mấy chữ: “Em không làm bài được” rồi đem nộp. Cuối giờ, cô giáo gọi Mỹ lại hỏi sao lại viết như thế?, Mỹ thành thật đáp: “Dạ, thưa cô, em không làm được thì nói không làm được. Em không thể nói khác”. Cô giáo giận, đem chuyện này mách với gia đình. Tuy ngang bướng nhưng Mỹ được thầy cô thương mến. Đối với thầy cô giáo, Mỹ rất quý trọng. Sau này, cô giáo cũng đã hiểu hơn về tính khí của Mỹ nên không còn la mắng nhiều. Lớn lên, cái tính bướng bỉnh của Mỹ vẫn không hề thay đổi, không thích gì thì nói thẳng thừng, không ngại ngùng, bất kể người đối diện là ai, ở địa vị nào. Mỹ còn có một đức tính nữa mà thầy cô giáo cũng như mọi người quý mến đó là ham học hỏi, thấy ai làm gì, học gì cũng tập tành làm theo. Cái gì Mỹ không làm được thì ngày mai, ngày kia Mỹ cố làm cho được bằng mọi cách.

 

Từ nhỏ đến lớn, Mỹ chưa một lần bị đòn roi từ mẹ. Vì được mẹ rất chiều chuộng nên anh em trong nhà cũng hay ganh tị. Nhưng không vì thế mà Mỹ hư theo kiểu ông bà xưa thường nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Mỹ rất thích được mẹ gãi lưng. Khi đã bước sang cái tuổi ngũ tuần, mỗi khi ngồi đàn hay viết nhạc mà ngứa lưng thì nhạc sĩ này lại gọi: “Mẹ ơi, con ngứa lưng quá”. Mỗi lần như vậy, mẹ già vui vẻ bước đến cạnh con gãi lưng thật lâu. Trong mắt mẹ, thằng Mỹ vẫn là đứa con tuyệt vời nhất. Có thể nói, mẹ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là người mẹ rất hạnh phúc bởi bà được con viết nhạc tặng lúc còn sống. Sau khi bài hát Bông hồng cài áo đến rộng rãi với công chúng, mẹ ông đi ngang qua nhà ai mà nghe bài hát này, bà liền khoe với giọng đầy mãn nguyện: “Thằng Mỹ làm tặng tui đó”. Bài hát Bông hồng cài áo như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng gửi gắm đến những ai đang còn mẹ. Đó là bài hát mà ông cảm tác sau khi đã đọc bài tùy bút Bông hồng cài áo của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh. Bài tùy bút đó nói về tục lệ bạn bè gặp nhau ở Nhật Bản, ai còn mẹ thì cài áo bông hoa hồng, ai mất mẹ thì cài hoa hồng trắng. Sau này, trong dịp lễ Vu lan báo hiếu, người Việt có “quy ước” tương tự như thế. Hoa trắng tượng trưng cho sự nhắc nhở, không quên ơn đấng sinh thành. Hoa hồng là “biểu tượng” của niềm hạnh phúc, sung sướng khi còn có mẹ.
Từ tay sáo bén duyên guitar
Lúc nhỏ, Phạm Thế Mỹ có năng khiếu vượt trội về sáo trúc. Năm lên 7, lên 8, Mỹ trở thành tay sáo rất cừ. Cứ chiều chiều, đám trẻ chăn trâu thường tề tựu lại ở bụi tre đầu làng nghe Mỹ thổi sáo. Có đứa vì mê tít tiếng sáo của Mỹ mà quên bẵng đàn trâu, để chúng đi lạc, về bị ba mẹ cho ăn… đòn đến tứa máu ở mông. Tiếng sáo của Mỹ không chỉ được người trong làng biết đến mà còn vang xa nhiều nơi khác. Một số nghệ sĩ lúc bấy giờ nghe Mỹ thổi đều có chung nhận xét: “Thằng Mỹ là một tài năng âm nhạc, tiếng sáo của nó như rót mật vào tai”. Có người đáo để hơn, lại đánh giá: “Đúng là một nghệ sĩ sáo trúc thực thụ”.
Tuy nhiên, lòng đam mê sáo trúc của Mỹ không được thầy (tức cha - vì thầy dạy học nên gọi cha là thầy) ủng hộ. Thầy cho rằng chơi sáo dễ mắc bệnh lao. Biết không thể lay chuyển đứa con có tính ngang bướng như Mỹ, thầy phải mua cho một cây đàn guitar. Mỹ làm quen với guitar từ đó và bén duyên với sáng tác năm 14 tuổi. Chỉ 2 năm sau, tức năm 16 tuổi, Mỹ vinh dự nhận giải thưởng Phạm Văn Đồng. Giám khảo lúc bấy giờ là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Nhạc phẩm đầu tay của Phạm Thế Mỹ là Nắng lên xóm nghèo. Đầu thập niên 1950, ông làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Sau 1954, ông được bố trí ở lại miền Nam. Năm 1959, ông học ở Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Sau đó ông dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường trung học tư thục ở Đà Nẵng như Bồ Đề, Tây Hồ, Sao Mai, Nguyễn Công Trứ… Những năm 1965-1966, vì tham gia đấu tranh trong phong trào Phật giáo, ông đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam. Đó cũng là thời điểm ông cho ra đời ca khúc Bông hồng cài áo. Sau khi ra tù, ông lại tiếp tục cho ra đời các ca khúc như: Hoa vẫn nở trên đường quê hương; Người về thành phố, Những người không chết… Đó là những ca khúc được phổ biến trong phong trào HS-SV Sài Gòn lúc bấy giờ.
Trần Trọng Tri
LTS: Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam với rất nhiều ca khúc để đời. Nhân kỷ niệm 82 năm ngày sinh nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (15-11-1930/15-11-2012), Giáo Dục TP.HCM thực hiện loạt bài xung quanh những chuyện chưa biết về cố nhạc sĩ này.
 
Kỳ 2: “Người trăm năm” ở Vạn Hạnh
Cô sinh viên yêu nhạc của Phạm Thế Mỹ đến nỗi buổi biểu diễn nào cũng thể hiện các sáng tác của ông. Người nhạc sĩ và cô ca sĩ sinh viên ấy tình cờ quen nhau ở giảng đường Vạn Hạnh rồi nên duyên đôi lứa.