Thứ năm, 23/2/2017, 21h05

Ôn thi THPT quốc gia 2017 môn ngữ văn: Bài cuối: Một số lưu ý về kỹ năng làm bài

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đề thi môn ngữ văn có một số thay đổi cơ bản khiến không ít học sinh lo lắng. Do đó, để làm tốt bài thi môn này, các em cần lưu ý một số kỹ năng khi làm bài đọc hiểu.

Khi làm bài thi môn ngữ văn, thí sinh phải nắm được những hình thức câu hỏi tương ứng với các mức độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Ảnh: Anh Khôi

1. Các câu hỏi đọc hiểu trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó theo các mức độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Vì vậy, điều cần chú ý là thí sinh phải nắm được những hình thức câu hỏi tương ứng với các mức độ nhận thức nêu trên. Ở mức độ nhận biết, thí sinh cần chú ý các câu hỏi nhận diện như nhận diện phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, các biện pháp tu từ, vị trí thông tin, tái hiện thông tin. Ở mức độ thông hiểu, thí sinh cần chú ý các câu hỏi về nội dung văn bản, ý nghĩa câu nói, tác dụng của việc sử dụng biện pháp tu từ, chi tiết hình ảnh trong văn bản. Ở mức độ vận dụng, thí sinh vận dụng sự nhận biết, thông hiểu của bản thân để giải quyết, xử lí một tình huống, bày tỏ ý kiến, nhận xét đánh giá về tư tưởng, thái độ của tác giả thể hiện trong văn bản, đề xuất ý kiến bản thân.

2. Về kiến thức để vận dụng trả lời câu hỏi đọc hiểu: Thí sinh phải nắm vững kiến thức về tiếng Việt, làm văn như các phong cách ngôn ngữ (NN) đã học: phong cách NN sinh hoạt, phong cách NN nghệ thuật, phong cách NN chính luận, phong cách NN báo chí, phong cách NN khoa học, phong cách NN hành chính. Theo đó, các em phải nắm được nội dung cụ thể các phong cách NN thông qua 2 bảng tóm tắt giáo viên đã hướng dẫn tại lớp. Về các thao tác lập luận, ngoài nắm các thao tác phổ biến như giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh, bình luận, thí sinh chú ý nhận diện các thao tác lập luận qua đặc điểm. Về các phương thức biểu đạt, gồm có: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính - công vụ. Dựa vào đặc điểm để thí sinh nhận diện các phương thức biểu đạt trên. Ôn tập các biện pháp tu từ về từ, tu từ ngữ âm, tu từ cú pháp. Ngoài các biện pháp cần chú ý nhận diện và hiệu quả biểu đạt của các yếu tố ngôn ngữ khác như thể thơ, cách ngắt nhịp, từ ngữ, hình ảnh trong văn bản.

3. Về kỹ năng làm văn: Đối với nghị luận xã hội, các yêu cầu khi viết đoạn văn là phải đảm bảo dung lượng theo yêu cầu của đề khoảng 200 chữ; đảm bảo yêu cầu về nội dung và hình thức đoạn văn. Trong khi viết đoạn văn có thể đưa vào một vài dẫn chứng thực tế để làm sáng tỏ vấn đề, tăng sức thuyết phục cho lập luận. Các em chú ý 5 cách trình bày đoạn văn đã học đó là: Diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, song hành, móc xích dựa vào vị trí của câu chủ đề. Đối với nghị luận văn học: Để tìm hiểu giá trị bài thơ các em có thể chọn cách phân tích cắt ngang hoặc bổ dọc. Quá trình phân tích cảm nhận bài thơ phải theo trình tự từ nghệ thuật đến nội dung. Trong quá trình phân tích không nhất thiết phải trích dẫn tất cả những câu, đoạn thơ mà chỉ chọn những câu, đoạn thơ tiêu biểu để phân tích và làm dẫn chứng minh họa. Đối với đoạn thơ, các em cần đánh giá được vai trò, vị trí của đoạn thơ trong việc góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Không được tách rời tổng thể bài thơ. Về nghị luận một khía cạnh bài thơ, các em cần xác định trọng tâm nghị luận nhưng cũng không được tách rời hoàn toàn nội dung - nghệ thuật trong quá trình phân tích, cảm nhận. Dù ở phương diện nào cũng phải đề cập đến cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Về nghị luận tác phẩm văn xuôi: Các em phải chú ý đến đặc trưng thể loại, nhất là thể loại truyện. Phải chú ý đến các yếu tố cốt truyện, nhân vật, lời kể trong truyện. Ngoài ra các em cần nắm đặc trưng các thể loại khác như tùy bút, bút kí, kịch bản văn học vì cách làm bài với mỗi thể loại có sự khác nhau nhất định. Về nghị luận một nhân vật: Nghị luận về nhân vật không chỉ đơn giản là tìm hiểu tính cách, số phận nhân vật mà còn qua đó cảm hiểu, đánh giá được chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Đối tượng nghị luận nhân vật khá đa dạng, có thể là toàn bộ nhân vật hoặc một khía cạnh tâm trạng diễn biến tâm lý ở một chặng nào đó của cuộc đời nhân vật. Ở mỗi tác phẩm đoạn trích, cách thức xây dựng thể hiện nhân vật cũng không giống nhau vì vậy cần linh hoạt khi làm bài, tránh máy móc rập khuôn.

Triệu Thị Huệ
(Tổ trưởng bộ môn ngữ văn, Trường THPT
chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)