Thứ năm, 18/5/2017, 21h53

Vẻ vang “Huy hiệu Bác Hồ”

Đối với mỗi người dân Việt Nam, niềm vinh dự lớn nhất là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh dù chỉ một lần trong đời. Niềm hạnh phúc lại được nhân đôi khi mỗi công dân của đất nước anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ và xây dựng cuộc sống mới được Bác Hồ trao tặng huy hiệu của Người.

Nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế trong bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ với thanh niên xung phong” (ảnh tư liệu)

Huy hiệu Bác Hồ là một kỷ vật thiêng liêng không chỉ là nguồn động viên để các anh hùng, dũng sĩ có thêm sức mạnh lập chiến công mà còn là tình cảm quý báu của nhân dân đối với lãnh tụ, đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Những chiếc huy hiệu vô giá

Hàng năm cứ vào tháng 5 lịch sử, sắp đến dịp cả nước kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, quê ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình lại cẩn thận lau chùi tấm hình bà chụp với Hồ Chủ tịch tại Đại hội thanh niên xung phong toàn quốc năm 1967 được đặt trang trọng giữa nhà và từng chiếc huy hiệu Bác Hồ. Mặc dù trước đó đã 2 lần vinh dự được gặp Bác nhưng lần gặp thứ 3 này ấn tượng sâu sắc nhất vì đây bà được vinh dự tặng hoa cho Người ngay trước khi đại hội diễn ra. Cùng với nữ Anh hùng Nguyễn Thị Nguyệt - Tổng đội phó Tổng đội TNXP miền Nam, nữ Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6 được đứng gần bên Bác Hồ trong niềm vui sướng vô tận. Khoảnh khắc thiêng liêng đó đã được ghi lại bằng bức ảnh sau đó được đăng tải trên các tạp chí, báo trong và ngoài nước. Còn nhớ mùa xuân năm 1968 hầu như gia đình nào cũng treo tấm lịch Tết trang trọng “Bác Hồ với TNXP” có hình nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế cười tươi ôm bó hoa tươi thắm đến bên Bác Hồ. Đây cũng là lần bà được Chủ tịch nước trao tặng Huy hiệu Bác Hồ và một chiếc đồng hồ Liên Xô vì cô gái có dáng người nhỏ nhắn quê đất lửa được vinh danh là anh hùng. Đó là chiếc huy hiệu hình tròn bên ngoài là hình quốc huy nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nổi bật ở giữa nền đỏ tượng trưng cho màu cờ đất nước là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh phía dưới có dòng chữ Huy hiệu Bác Hồ. Dù đã đi qua nửa thế kỷ chiếc huy hiệu vẫn được bà cất giữ cẩn thận như một báu vật trong cuộc đời mình để mỗi khi nhớ lại tuổi thanh xuân và đặc biệt là nhớ lại hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu bà lại mở ra ngắm nhìn một cách trân trọng.

Tại ngôi nhà nhỏ giữa vườn cây trái rộng ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, trong tủ quần áo của mình, Anh hùng phi công - Đại tá Nguyễn Văn Bảy luôn treo chiếc áo màu xanh người chiến sĩ để mặc mỗi khi đi dự họp vào các ngày đại lễ. Ngoài những tấm huân huy chương lấp lánh trên ngực áo là 7 chiếc Huy hiệu Bác Hồ mà ông từng được Người trao tặng trong những lần lập chiến công trên bầu trời xanh với không lực Hoa Kỳ. Cũng như nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, nhắc đến Bác Hồ, Đại tá Nguyễn Văn Bảy kể trong niềm xúc động: “Đó là buổi chiều cuối năm 1966, sau Đại hội anh hùng và Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc tôi cùng 37 chiến sĩ phi công có thành tích xuất sắc được vinh dự vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Sau một hồi hỏi thăm tình hình từng người, Bác tươi cười hỏi: “Chú nào bắn rơi 4 máy bay Mỹ trở lên?”. Nghe xong đồng chí Đặng Tính là Chính ủy quân chủng Phòng không Không quân báo cáo, đột nhiên Bác đề nghị: “Chú Mẫn, chú Bảy, chú Trung đâu, đứng lên cho Bác biết?”. Nghe vậy, tôi cùng đồng đội sung sướng đứng dậy còn Bác thì tỏ ra rất hài lòng”. Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Bảy, sau đó Tư lệnh Phùng Thế Tài báo cáo thêm thành tích với Người, đồng thời nhắc đến chiến công hai phi công Bảy và Mẫn chiến đấu cùng một biên đội trong trận chiến với địch ngày 5 tháng 9 năm 1966 đã diệt gọn 3 chiếc F-8. Giọng Bác ôn tồn: “Bác nhớ rồi hai chú đều quê ở miền Nam. Chú Bảy ở Sa Đéc còn chú Mận ở Bến Tre quê hương Đồng Khởi. Bác hoan nghênh chiến công của tất cả các chú”. Điều bất ngờ nhất là tối hôm đó Bác đã gửi tặng hai huy hiệu cho 2 phi công quê ở miền Nam ra Bắc tập kết. Đối với ông Bảy và các phi công sau đại hội này nhiều anh em như được lên dây cót chỉ được mong được lệnh để toàn phi đội xuất kích.

Lớn lao sức mạnh tinh thần

Đại tá Nguyễn Văn Bảy trò chuyện cùng thế hệ trẻ

Đại tá Nguyễn Văn Bảy cho biết, Huy hiệu Bác Hồ là phần thưởng do Hồ Chủ tịch trực tiếp trao tặng cho các cá nhân có những gương làm việc tốt mà Người đọc được trên báo chí của miền Bắc trong khoảng thời gian từ năm 1959 đến 1969. Giống như câu thơ Tố Hữu: “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”. Bác Hồ từng nói: “Một trăm bài diễn văn hay không bằng một tấm gương sống”. Vì thế từ đó trở đi mỗi khi đọc trên báo thấy tấm gương “người tốt việc tốt” nào nhất là những người khởi xướng phong trào như “Cờ Bắc Lý, gió Đại Phong” thì được Bác tặng Huy hiệu Bác Hồ sau khi có cán bộ xuống cơ sở đi xác minh. Vì thế, ở bất cứ đâu trên nông trường hay ngoài trận địa đều dấy lên phong trào thi đua “nhà nhà làm việc tốt, người người làm việc tốt” để được đón nhận Huy hiệu Bác Hồ coi như một niềm vinh dự lớn lao và niềm tự hào cho mỗi công dân. Theo tổng kết, trong khoảng 10 năm đó đã có khoảng 5 nghìn người đã được Hồ Chí Minh tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ qua phong trào sôi nổi và thiết thực này.

Không thể kể hết những anh hùng dũng sĩ được Bác trao tặng huy hiệu như Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách, Phạm Duy Chúc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hanh, Ngô Thị Tuyển, La Thị Tám. Riêng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Kim Huế và Nguyễn Văn Bảy là hai trong số 5 nghìn bông hoa nghìn việc tốt mà tôi đã được gặp để ghi lại những cảm xúc và tình cảm của các anh hùng dũng sĩ vinh dự được gặp Hồ Chủ tịch và được Người tặng Huy hiệu Bác Hồ có thêm nguồn động viên tinh thần lớn lao vượt qua mọi khó khăn để làm nên những chiến tích phi thường mà cả thế giới ngưỡng mộ. Cho đến nay dù hơn nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh viễn ra đi, những bài học về giáo dục con người đặc biệt là bài học về tinh thần động viên và khích lệ mỗi công dân hãy phát huy năng lực của mình để có nhiều cống hiến có ích cho xã hội đến nay vẫn còn nguyên giá trị nhất là khi cả nước đang dấy lên cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Phan Ngọc Quang