Thứ năm, 14/5/2020, 10h00

Chuyện ít người biết về hai bài thơ Bác Hồ viết ở tuổi lên 5

Lúc được cha cõng ra kinh đô Huế để đi học, qua Đèo Ngang, cậu bé Tất Thành đã viết hai bài thơ như dự báo về con đường "vượt biển lớn" của mình.

Đó là câu chuyện được người anh Nguyễn Sinh Khiêm của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại trong cuốn sổ tay Tất Đạt thông ngôn (quyển ghi chú sau này được trao gửi cho nhà văn, nhà báo lão thành Sơn Tùng). 

"Cụ Sinh Khiêm viết rằng: Cha quyết định đưa gia đình vào Huế để các con đi học, vì Huế là cái nôi của văn hóa dân tộc Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX. Trên đường vào kinh đô Huế, anh Sinh Khiêm đi bộ, chân mang dép mo cau, hai bàn chân bị sưng, rất đau, còn em Tất Thành thì được cha cõng trên lưng.

Đến Đèo Ngang, cả nhà ngồi nghỉ ăn cơm, lấy sức để leo đèo. Anh Sinh Khiêm ngồi ôm chân đau, còn em thì hỏi cha về núi, về biển, về thuyền buồm. Ngay sau đó ứng khẩu hai bài thơ..." - Cựu Đại sứ Việt Nam tại Cuba, tác giả Võ Anh Tuấn viết trong cuốn sách Một lòng theo Bác (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM vừa ấn hành, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Tác phẩm vừa được xuất bản của tác giả Võ Anh Tuấn

Theo đó, bài thơ thứ nhất Bác viết về hình ảnh cha cõng con qua núi. Bài thứ hai có nội dung: 

"Biển là ao lớn

Thuyền là con bò

Bò ăn no gió

Lội trên mặt nước

Em nhìn thấy trước

Anh trông thấy sau

Ta lớn mau mau

Vượt qua ao lớn"

Hai bài thơ này, mãi đến năm 1980 mới được in lần đầu trên Văn Nghệ Xuân, sau đó in trong cuốn Búp Sen Xanh của nhà văn, nhà báo Sơn Tùng.

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã hết sức ngạc nhiên và có nhận xét về bài thơ mà Bác đã viết từ thuở lên 5: "Cấu trúc bài thơ tạo dựng được sự tương phản giữa cái tĩnh và cái động, đó là tư duy "Dịch lý". Thơ có cái "thần", có lời ngộ nghĩnh của đứa trẻ là thuộc về tư tưởng, tầm nhìn. "Ta lớn mau mau/Vượt qua ao lớn" để đi năm châu bốn bể tìm đường cứu nước".

Tiểu thuyết Búp Sen Xanh vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng cho tái bản

Tác giả Võ Anh Tuấn chia sẻ, do nhu cầu ngoại giao, ông có dịp tiếp xúc với lý lịch của khá nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Nhưng ''không một vị nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc thiếu thời đã manh nha thiên tài xuất chúng và hoài bão lớn, suốt đời đem trái tim và khối óc, tinh thần và nghị lực, để thực hiện cho bằng được lý tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy đến tính mạng, không mảy may toan tính lợi ích cá nhân".

Một lòng theo Bác dành phần Một Tôn vinh Hồ Chủ tịch vĩ đại, với hai bài viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài có một không hai trong lịch sử cổ kim và Hồ Chí Minh, thiên tài ngoại giao với tư duy "ngoại giao nhân dân đi trước một bước".

Các phần còn lại viết về các bậc "khai sơn phá thạch": Bác Tôn, nguyên Phó thủ tướng - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ...; cùng những bài viết tưởng nhớ những người góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến cứu nước đến thắng lợi trọn vẹn: Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, giáo sư Ca Văn Thỉnh, giáo sư Phạm Thiều...

Một số bài viết trước đây đã phát biểu tại các cuộc hội thảo khoa học do TPHCM tổ chức và đã đăng trên các báo. Tác giả tập hợp in thành sách với nguyện vọng: ghi công đông đảo học trò xuất sắc của Bác Hồ đã một lòng theo Bác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng ra mắt tác phẩm mới viết về Bác của nhà báo Kiều Mai Sơn: Suốt đời học Bác. 16 câu chuyện về Bác trong sách được ghi chép qua lời kể từ những "người thật việc thật": cụ Hoàng Thị Đào (dân tộc Tày, Cao Bằng), đại tá Nguyễn Xuân Lương...; theo chân Bác từ Pác Pó lên chiến khu Việt Bắc...

Chiếc áo Bác Hồ, Bác Hồ với ngư dân Sầm Sơn cùng những câu chuyện dung dị mà sâu sắc, cảm động về vị Cha già kính yêu của dân tộc được nhà báo Kiều Mai Sơn ghi lại trong Suốt đời học Bác

Các tác phẩm: Nhật ký trong tù (bản dịch của Viện Văn học), tiểu thuyết Búp Sen Xanh của nhà văn Sơn Tùng, truyện tranh Chuyện làng Sen và tập chuyện kể Bác Hồ kính yêu cũng vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng cho tái bản dịp này. 

Theo Song Giang/PNO