Thứ ba, 27/10/2020, 20h01

Cần phân biệt chương trình và sách giáo khoa

1. Chương trình môn ngữ văn cũng như tất cả các môn học khác, đều do một tiểu ban soạn thảo và hoàn thiện trong một thời gian nhất định chứ không phải do một người. Chương trình tiếng Việt - ngữ văn (2006) làm từ các thời điểm khác nhau (tiểu học 1995, THCS 1998 và THPT 2000), nhưng sau đó mãi tới 2006 mới hoàn thiện và in chính thức, nên gọi là chương trình 2006. Trong khi đó, chương trình 2018 làm trong 2 năm 2017 và 2018, công bố cuối 2018 nên gọi là chương trình 2018. Chương trình môn ngữ văn 2018 làm xong đã phải xin ý kiến của các chuyên gia văn học và ngôn ngữ; lấy ý kiến của tất cả các sở GD-ĐT, các trường, nhất là các trường ĐH sư phạm nhiều lần. Sau đó đã treo trên mạng và đăng tải trên báo chí công khai 45-60 ngày để xin ý kiến công luận. Sau khi sửa chữa, bổ sung chương trình phải thông qua thẩm định. Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình 3 lần, nếu thấy được mới kết luận để lãnh đạo Bộ GD-ĐT ký quyết định ban hành. Với cách thức và quy trình như thế, sản phẩm chương trình đã công bố không chỉ của riêng một người hay một tiểu ban.

2. Cần phân biệt chương trình và sách giáo khoa. Chương trình ngữ văn 2018 là chương trình mở, phục vụ cho chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa, vì thế chỉ nêu lên mục tiêu, các yêu cầu cần đạt và một số nội dung cốt lõi của mỗi lớp, mỗi cấp. Còn việc dạy thế nào, bắt đầu từ đâu, sắp xếp ra sao, ngữ liệu thế nào?… hoàn toàn do các bộ sách. Có nghĩa là trong thực tế 5 bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 sẽ có cách triển khai rất khác nhau, nhưng tất cả đều phải hướng đến mục tiêu và đáp ứng được các yêu cầu cần đạt mà chương trình đã nêu lên. Mục tiêu và yêu cầu cần đạt của tiếng Việt lớp 1 từ xưa tới nay đều có điểm thống nhất là: học hết lớp 1, học sinh biết đọc, biết viết. Phải biết đọc, biết viết thì mới có thể học các môn học khác. Muốn biết đọc, biết viết tiếng Việt thì phải dạy tất cả các chữ cái và các vần và cách ghép vần trong tiếng Việt. Vì thế chương trình bao giờ cũng dành nhiều thời lượng cho việc học đọc, học viết này. Sau mục tiêu biết đọc, biết viết mới đến giúp học sinh làm quen với những hiểu biết sơ giản về thế giới xung quanh mình thông qua các bài đọc. Có thể nói yêu cầu trên là chung cho tất cả các chương trình học tiếng mẹ đẻ của mọi quốc gia. Nhưng biên soạn sách giáo khoa và tổ chức dạy học thế nào để đạt được mục tiêu yêu cầu ấy là rất khác nhau.

PGS.TS Đ Ngc Thng