Thứ bảy, 28/12/2019, 21h37

Dạy kỹ năng sống cho trẻ phải đồng bộ

Mt gi hc k năng đi mũ bo hi trưng mm non

Hiện nay, trong chương trình giáo dục mầm non luôn quan tâm đến việc dạy cho trẻ những kỹ năng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, nhằm giúp trẻ có thể tự lập, khi bước vào những môi trường mới, nhất là giai đoạn chuẩn bị cho trẻ có khả năng vững vàng để mạnh dạn - tự tin, bước vào những năm đầu cấp của môi trường tiểu học.

Cấp học mầm non, như là một nền móng, là viên gạch đầu tiên cho việc hình thành nhân cách, cũng như tạo nên những bước đi bền vững nhất, trong sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm xã hội, đạo đức, đặc biệt là sự tự bảo vệ cho chính bản thân mình, đồng thời giúp đỡ bạn bè xung quanh, thông qua việc nhắc nhở nhau, đồng hành cùng nhau làm những điều tốt đẹp.

Trong chương trình giáo dục mầm non, bộ chuẩn để giáo viên dựa vào những chỉ số, trẻ em cần nên đạt được, dù chỉ số này không áp đặt lên trẻ, có thể trẻ này đạt, nhưng trẻ khác thì không. Sự truyền tải kiến thức của người dạy và người học phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tùy năng lực tiếp thu của mỗi người học, mỗi sự nhận thức khác nhau của trẻ trong mặt bằng chung cả lớp. Nhưng, phải công nhận rằng, thời gian qua, giáo viên mầm non đã luôn cố gắng để làm tròn chức năng của mình, chăm chỉ, chịu khó, nhẫn nại, giảng giải cho trẻ những bài học đầu tiên cần thiết. Những điều này, tôi may mắn là hiện nay đang làm công việc ở trường mầm non, nên nhận thấy được qua các buổi học tập chuyên đề, thao giảng của giáo viên trong khối tổ, tại trường chúng tôi và trường bạn.

Cho nên, phụ huynh về nhà, hỏi trẻ hôm nay ở trường, cô giáo đã dạy cho con điều gì, thì trẻ sẽ trả lời tất cả những gì trẻ được học ở lớp, như rửa tay, lau mặt, dọn dẹp bàn ăn, thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong, để cặp dép đúng nơi quy định, cách ngồi vào bàn ăn, cách tự xúc cơm ăn, cách sắp xếp nơi ngủ, rồi những việc đơn giản hơn như: bỏ rác đúng nơi quy định, xếp quần áo gọn gàng cho vào cặp, thu dọn đồ dùng học tập sau khi học xong. Theo từng độ tuổi, trẻ mầm non sẽ được học tập các bài học về kỹ năng sống được áp dụng hàng ngày: cách đánh răng, bảo vệ giữ gìn vệ sinh răng miệng, phương pháp đội mũ bảo hiểm, hay một số Luật An toàn giao thông đơn giản. Những hành động bảo vệ môi trường, hoặc nguyên tắc ứng xử lễ phép, thanh lịch, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những điều có thể gây ra nguy hiểm, kỹ năng giao tiếp với mọi người, và một số bài học về lễ giáo - chào hỏi - cảm ơn...

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non, có một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ một đứa trẻ. Và để làm được điều đó, phải chăng rất cần có một môi trường giáo dục thật sự sáng tạo và năng động, để mỗi giáo viên cảm thấy, thay vì ra sức bảo bọc trẻ, trông trẻ từng giây từng phút khi trẻ vui chơi học tập, không ý nghĩa bằng cách, chúng ta cho trẻ được tìm hiểu, trải nghiệm trước những hành vi có thể gây nguy hiểm cho bản thân, trẻ sẽ có được khả năng, kiến thức bảo vệ chính mình. Trước khi chuẩn bị bài dạy, người giáo viên sẽ truyền đạt những hiểu biết về lợi ích, của một hành vi tốt đẹp, như việc tham gia giao thông thì trẻ em cần phải đội mũ bảo hiểm, để phòng nguy cơ gây thương vong cao khi tai nạn xảy ra, và cho trẻ xem những vấn đề liên quan đến tai nạn giao thông, từ đó khắc họa hình ảnh nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ an toàn giao thông là hành vi đẹp, tốt cho mình và cho cả xã hội. Hoặc một số hành vi vứt rác bừa bãi, hay lười biếng đánh răng, rửa tay, lau mặt hàng ngày thì sẽ xảy đến những hệ lụy và sẽ mang đến kết quả như thế nào? Khi chúng ta giúp trẻ có những nhận thức, hiểu biết nhất định về kiến thức cuộc sống, dạy cho trẻ những thói quen hàng ngày, từ đó - trẻ sẽ hình thành nên lối sống lành mạnh - văn minh - thanh lịch. Đó là, việc xây dựng một thế hệ con người Việt Nam rất phù hợp với sự phát triển định hướng giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, việc giáo viên mầm non có ra sức giảng dạy mỗi ngày ở trường, nhưng khi về đến nhà, thì mỗi đứa trẻ sẽ có một cuộc sống gia đình khác nhau. Đó chính là việc mà giáo viên mầm non hiện nay, họ rất cần sự phối hợp, giúp đỡ của quý phụ huynh. Những việc cô giáo dạy ở trường, thì khi về nhà, trẻ cũng phải tiếp tục thực hiện, điển hình như, việc ở trường - trước khi ăn trẻ thường được rửa tay theo 6 bước của Bộ Y tế khuyến cáo, rồi lau mặt theo quy cách chuẩn nhất, nhưng khi về nhà thói quen đó, thường bị lãng quên, có khi trẻ vừa ăn vừa xem ti vi, iPad, hoặc ba mẹ trẻ dắt đi khắp xóm để bón cơm cho con ăn... Biết bao những điều cô giáo dạy ở trường, nhưng về nhà, đều không thực hiện, hoặc có phụ huynh thực hiện, nhưng con số còn rất khiêm tốn. Cho đến việc dạy trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, thì một vài trẻ em ra đường cũng chưa thật sự được cha mẹ quan tâm vấn đề này.

Phải chăng, đây là điều cần phải nhìn nhận lại, trong việc dạy kỹ năng sống cho trẻ, và tôi thiết nghĩ rằng, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ em không phải riêng gì cấp học mầm non, mà cần phải xây dựng liên tục khi trẻ vào tiểu học, chúng ta cần phải song song với việc dạy kiến thức và kỹ năng mỗi ngày. Có như vậy, thì những gì trẻ tiếp thu được, không chỉ là những bài học trên lớp, qua đi rồi thôi, không nhớ đến nữa. Nói đến hai từ “kỹ năng”, là chúng ta đều mong muốn tất cả những hành vi đúng, khoa học, tốt cho sự phát triển, hình thành nhân cách của trẻ là những hành vi, hành động, việc làm tốt được thực hiện xuyên suốt mọi lúc mọi nơi, từ trong gia đình, đến trường học, và sinh hoạt chung của xã hội rộng lớn.

Muốn làm được những điều đó, rất cần thiết sự chung tay của các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh, và sự hợp tác của tất cả các em học sinh. Để thế hệ trẻ, của những năm về sau, thực sự là những cây lá vững vàng trước cuộc sống, khi bước vào đời nhiều thử thách. Tư duy kỹ năng sống là một đề tài rất rộng, không chỉ ở trường trẻ được học đủ, mà rất cần đến sự quan tâm của ba mẹ, bằng rất nhiều phương pháp khác, như đọc sách cho con nghe, trò chuyện cùng con mỗi ngày, vào giáo dục con mọi lúc mọi nơi. Để một đứa trẻ được phát triển tốt nhất, thì gia đình và nhà trường cần chung tay, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được hưởng những giá trị giáo dục thiết thực nhất.

H Xuân Đà