Thứ sáu, 10/6/2022, 13h54

Dạy tùy bút và tản văn trong ngữ văn 7

1. Trong chương trình ngữ văn 2018, ký được dạy ở các lớp 6 và 7 (lớp 8 và 9 không học ký nữa mà thay vào đó là đọc hiểu kịch bản văn học). Lớp 6 học đọc hồi ký và du ký; lên lớp 7, học sinh đọc tùy bút và tản văn. Tùy bút là thể loại đã có trong chương trình và sách giáo khoa 2006; tản văn là thể loại mới đưa vào chương trình 2018.


H
c sinh THCS đc sách  trưng (nh minh ha). Ảnh: Đ.Yến

Theo yêu cầu của chương trình, sách ngữ văn 7 (bộ Cánh diều) dạy đọc tùy bút và tản văn thông qua 4 văn bản tiêu biểu, gồm: 2 văn bản tùy bút là “Cây tre Việt Nam” (tác giả Thép Mới) và “Trưa tha hương” (tác giả Trần Cư); 2 bài tản văn là: “Người ngồi đợi trước hiên nhà” (tác giả Huỳnh Như Phương) và “Tiếng chim trong thành phố” (tác giả Đỗ Phấn). Tùy bút “Cây tre Việt Nam” là văn bản kế thừa, có trong chương trình 2006 và sách giáo khoa ngữ văn 6 (cũ). Ba văn bản còn lại đều là văn bản mới. Tùy bút “Cây tre Việt Nam” của tác giả Thép Mới là những dòng văn xuôi đầy chất thơ bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về hình ảnh cây tre - loài cây tiêu biểu cho tính cách, phẩm chất con người Việt Nam. Văn bản “Trưa tha hương” của tác giả Trần Cư ghi lại nỗi nhớ quê nhà da diết khi tác giả bất ngờ được nghe tiếng ru con xứ Bắc trên đất khách quê người. Tản văn “Người ngồi đợi trước hiên nhà” của tác giả Huỳnh Như Phương viết về sự hy sinh thầm lặng mà lớn lao của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Văn bản “Tiếng chim trong thành phố” của tác giả Đỗ Phấn ghi lại những kỷ niệm đẹp một thời của thành phố Hà Nội.

2. Dạy đọc hiểu ký ở môn ngữ văn 7, giáo viên cần lưu ý đặc điểm thể loại. Tùy bút và tản văn đều là các thể loại của ký, là văn xuôi đậm chất trữ tình. Có nhiều tài liệu viết về tùy bút và tản văn. Tuy nhiên, với học sinh lớp 7, giáo viên chỉ nên dừng lại một số hiểu biết cơ bản và sơ giản nhất. Cụ thể: Tùy bút là thể văn xuôi trữ tình ghi chép lại một cách tự do những suy nghĩ, cảm xúc mang đậm màu sắc cá nhân của tác giả về con người và sự việc. Ngôn ngữ của tùy bút rất giàu chất thơ. Tản văn, một dạng bài gần với tùy bút, là thể văn xuôi sử dụng cả tự sự, trữ tình, nghị luận..., nêu lên các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội và bộc lộ một cách chân thực, trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm cá tính của tác giả. Cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu chất trữ tình ở tùy bút và tản văn. Chất trữ tình là sự thể hiện trực tiếp những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc chủ quan của người viết trước con người và sự việc được nói tới. Vì thế, cái “tôi”, tức con người tác giả, hiện lên rất rõ nét như nhẹ nhàng, lặng lẽ hay sôi nổi; tinh tế, lịch lãm hay quyết liệt; sung sướng hay buồn rầu, căm giận... Do chú trọng tái hiện nội tâm, cảm xúc, miêu tả thiên nhiên thơ mộng, sử dụng nhiều biện pháp tu từ, câu văn giàu hình ảnh và nhịp điệu... nên ngôn ngữ của tùy bút và tản văn đậm chất thơ, chất trữ tình.

Dạy đọc hiểu tùy bút, tản văn cũng là chuẩn bị cho phần viết ở các tiết sau của bài 3: Viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc. Trong phần thực hành viết có đề luyện tập: Viết bài văn biểu cảm về sự hy sinh thầm lặng của dì Bảy trong bài tản văn “Người ngồi đợi trước hiên nhà” của tác giả Huỳnh Như Phương. Vì thế, khi dạy phần viết giáo viên yêu cầu học sinh liên hệ với phần đọc hiểu đã học ở phần trước như là các ngữ liệu mẫu. Không chỉ ở phần viết; đến phần nói và nghe, nội dung đọc hiểu lại được sử dụng tiếp với yêu cầu “Hãy trao đổi về vấn đề: Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước qua tản văn “Người ngồi đợi trước hiên nhà””...

Như thế, có thể thấy nội dung đọc hiểu, viết và nói, nghe được tích hợp trong 1 bài, giúp giáo viên và học sinh có điều kiện trao đổi, tìm hiểu rất kỹ; vận dụng các kỹ năng khác nhau (đọc, viết, nói, nghe) để cùng tìm hiểu 1 nội dung. Cũng vì thế thực hiện được yêu cầu giảm tải; tiết học trước mở đường cho tiết học sau; tiết học sau góp phần củng cố cho tiết học trước.

PGS.TS Đ Ngc Thng