Thứ sáu, 10/2/2023, 11h26

Du học đại học tự túc tại CHLB Đức cần lưu ý những gì?

Hiện nay, du học đại học tự túc tại CHLB Đức đã trở nên rất dễ dàng đối với các bạn trẻ Việt Nam và đang là “hiện tượng “hot” ” của các bạn trẻ trên thế giới. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thành Thịnh (CEO trung tâm đào tạo tiếng Đức DSHi và du học Đức) để du học đại học tự túc tại Đức  trở nên  dễ dàng, các bạn trẻ cần nắm rõ một số thông tin cần thiết. Giaoduc.edu.vn  trích dẫn chia sẻ của TS Nguyễn Thành Thịnh cụ thể về nội dung này.

*Những ưu điểm khi du học đại học tự túc tại CHLB Đức là gì, thưa ông?

Tại Đức các bạn sẽ được trải nghiệm một môi trường học tập thân thiện, dễ dàng hoà nhập với sự giao lưu văn hoá giữa các quốc gia trên thế giới.

Chính phủ Đức đã đưa ra chính sách để cải thiện nền giáo dục đó chính là miễn phí học phí cho hầu hết các trường học ở Đức, miễn 100% học phí cho các cấp đào tạo hệ Đại học và Cao đẳng.

Đức có trên 300 trường đại học lớn nhỏ trải đều khắp các bang vì vậy người học có cơ hội lựa chọn nhiều trường đại học, nhiều ngành học. Bên cạnh đó, chính sách có hỗ trợ khoa học đặc biệt đối với sinh viên nước ngoài.

Ngoài ra, người học được làm thêm để có thu nhập và để trau dồi ngoại ngữ và kinh nghiệm sống (việc làm thêm 20h/tuần, từ 10- 15euro/giờ). Đặc biệt, sau tốt nghiệp người học được ở lại 18 tháng để tìm việc làm và hoàn toàn có cơ hội định cư tại Đức sau 2 năm làm việc.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Thịnh

*Du học đại  học tự túc Đức cần thoả những điều kiện gì, thưa ông?

Học sinh vừa tốt nghiệp THPT với tổng điểm 6 môn thi đạt tối thiểu 36 điểm (không có điểm thi nào dưới 4.0; có 4 môn thi đạt 6 điểm trở lên; không tính điểm làm tròn). Học sinh đã trúng tuyển vào một trường đại học hệ chính quy Việt Nam.  Có giấy báo nhập học Hệ đào tạo chính quy của bất kỳ trường đại học nào tại Việt Nam (Giấy báo thi ghi rõ tên ngành học để xác định khối học tại Đức). Hoặc người học có Bằng và bảng điểm THPT.

Ngoài ra, tất cả sinh viên đang học ĐH, CĐ tại Việt Nam. Sinh viên đã học trên 4 học kỳ tại Việt Nam có thể chuyển thẳng vào học năm nhất của một trường đại học Đức. Sinh viên tốt nghiệp hệ Cao Đẳng và thi chuyển tiếp lên đại học thành công (học kỳ thứ 5) thì có thể được chuyển thẳng vào học năm nhất một trường đại học trong cùng nhóm ngành. Hoặc người học có bằng tốt nghiệp và bảng điểm các học kỳ tại đại học Việt Nam.

*Xin Ông chia sẻ lộ trình và từng bước tuyển sinh như thế nào?

Tại Đức, hệ THPT là 13 năm nên mặc định nhiều hơn hệ đào tạo THPT ở Việt Nam 01 năm. Do đó, có 1 năm dự bị dành cho sinh viên nước ngoài để bổ trợ kiến thức phù hợp với hệ đào tạo tại Đức.

Studienkolleg (STK) là trường dự bị tại Đức, chương trình học dự bị sẽ giúp bạn chuẩn bị kiến thức nền trước khi vào học tại trường đại học. Trong năm học dự bị, bạn được hỗ trợ toàn bộ chi phí năm học dự bị và những năm đại học tiếp theo.

Trường đại học sẽ dựa vào quá trình học dự bị đại học của bạn kết hợp cùng kết quả của kỳ thi Feststellungsprũfung (là “kỳ thi đánh giá chất lượng” theo sau chương trình học đại học dự bị) để đánh giá khả năng và chấp nhận bạn vào học chính thức tại trường đại học.

*Thủ tục nhập học của các trường tại Đức thế nào, thưa ông?

Đối với sinh viên chưa tốt nghiệp thì thẩm tra APS đơn thuần chỉ là xét điều kiện điểm thi THPT và hồ sơ học tập ở cấp 3 + đại học (nếu đang học đại học).

Việc xét hồ sơ APS đối với sinh viên đã tốt nghiệp đại học sẽ khó khăn hơn vì lúc đó các bạn đã có được kha khá kiến thức học tập cũng như kinh nghiệm sống nếu bạn nào đã đi làm. Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học ngoài việc thẩm tra hồ sơ thì cần trải qua 1 buổi phỏng vấn nhỏ với các đại diện xét hồ sơ ở Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán. Buổi phỏng vấn thường kéo dài khoảng 30 phút và đòi hỏi người học cần có vốn ngoại ngữ ở mức trung bình trở lên để có thể hoàn thành tốt bài phỏng vấn của mình. Thời gian đăng ký APS sau đại học chỉ có 2 tháng trong năm là tháng 5 và tháng 11, người học cần nộp hồ sơ và đăng ký trễ nhất là cuối tháng 2 hoặc cuối tháng 8 cho mỗi lần thi ( nộp hồ sơ trước 3 tháng).

Việc thẩm tra sẽ được kéo dài từ 3 tuần đến 1 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ cho Đại sứ quán (đối với sinh viên sau đại học sẽ tính từ lúc phỏng vấn). Sau đó người học sẽ được nhận 10 tờ giấy chứng nhận APS dùng để nộp cùng hồ sơ sang trường đại học để xin thư mời nhập học.

Một điều kiện bắt buộc nữa là Test AS. Đây là bài kiểm tra chung kiến thức bắt buộc dành cho sinh viên chưa tốt nghiệp đại học, người học có thể chọn một trong hai ngoại ngữ (tiếng Anh và Đức) để đăng ký thi. Test AS không có đậu hoặc rớt mà chỉ thể hiện điểm số và thứ hạng ở từng phần thi. Kết quả bài thi sẽ được các trường đại học của Đức đánh giá, nên bạn nào chọn trường càng tốt thì nên thi điểm Test AS càng cao.

*Việc tìm trường và chọn trường như thế nào, thưa ông?

Tại Đức các trường đại học được chia làm 2 loại hình đào tạo đó là: Universität (đại học tổng hợp) và Fachhochschule (đại học chuyên ngành hay còn gọi là đại học khoa học ứng dụng). 

Trường đại học tổng hợp chủ yếu học lý thuyết, nghiên cứu khoa học hàn lâm, giảng dạy các kiến thức chuyên sâu giúp sinh viên tự phát triển bản thân. Ở đây thường đào tạo ra các nghiên cứu sinh, nhà khoa học…

Đại học ứng dụng được nhiều sinh viên lựa chọn hơn vì đây là trường đào tạo vừa lý thuyết vừa thực hành, giúp sinh viên vừa học vừa thực hành, định hướng, lựa chọn nghề nghiệp cụ thể trong tương lai, tiếp xúc gần hơn với công việc thực tiễn.

*Người học cần chuẩn bị hồ sơ gì, thưa ông?

Người học cần có đầy đủ các giấy tờ sau để đủ điều kiện đi du học Đức cũng như có thể đăng ký vào trường đại học mình muốn: Hộ chiếu; bằng và học bạ cấp 3; Giấy báo điểm thi đỗ đại học; Giấy xác nhận đang là sinh viên và bảng điểm đại học; Chứng chỉ tiếng Đức B1; Căn cước công dân; Ảnh 3.5x4.5 (16 ảnh, nền trắng).

Ngoài những thông tin như đã chia sẻ, các bạn có thể truy cập vào  website Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức tại Việt Nam https://www.daad-vietnam.vn để tìm hiểu thêm.

* Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Xuân Lữ (thực hiện)