Thứ năm, 28/3/2024, 16h41

Học sinh trải nghiệm cùng trí tuệ nhân tạo để viết “văn hay chữ tốt”

150 học sinh tham gia hội thi “Văn hay chữ tốt” TP.HCM lần thứ 24 năm học 2023-2024 sáng 28-3 đã cùng trí tuệ nhân tạo (AI) trải nghiệm các loại hình nghệ thuật: cầm, kỳ, thi, họa để viết ra những cảm nhận của riêng mình…


Các thí sinh lắng nghe tiết mục do học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong thể hiện và so sánh với phần thể hiện do AI trình bày

Đây là lần đầu tiên AI được TP.HCM đưa vào cùng với văn học thông qua hội thi.

Cụ thể, ở trải nghiệm cầm, học sinh được thưởng thức tiết mục văn nghệ bài Thương ca tiếng Việt (sáng tác Đức trí, lời Hà Quang Minh) do nhóm nhạc Trường THPT Lê Hồng Phong thể hiện, cùng với đó lắng nghe bài hát do chính AI sáng tác và thể hiện với chủ đề về quê hương.

Ở trải nghiệm kì, học sinh được xem một số thông tin về việc đối đầu giữa những kì thủ cờ vây, cờ tướng và trí tuệ nhân tạo, dự đoán ai sẽ dành phần thắng. Kết thúc đoạn phim, học sinh trả lời câu hỏi kết quả có đúng với dự đoán ban đầu của các em.

Đối với trải nghiệm về thi (thơ), học sinh và AI cùng sáng tác thơ với các từ khoá tuổi trẻ, thơ ca, cuộc sống, so sánh sự khác biệt giữa thơ của trí tuệ nhân tạo và thơ của chính bạn bè mình sáng tác.

Cuối cùng, ở trải nghiệm hội họa, học sinh xem tranh do AI và các bạn học sinh sáng tác tranh với chủ đề Thành phố của tôi, đồng thời phác hoạ ý tưởng bức tranh của riêng mình về thành phố. Từ đó so sánh bức vẽ nào thể hiện rõ tính chất “của tôi” hơn.


Học sinh đọc bài thơ do mình sáng tác để "so tài" với AI

Ở hoạt động viết văn, yêu cầu đặt ra trong hội thi dành cho học sinh:

Câu 1 (3 điểm): Nếu được chọn một từ (hoặc cụm từ) để nói về sự khác biệt của con người so với trí tuệ nhân tạo thì em sẽ chọn từ (hoặc cụm từ) nào. Vì sao em chọn? (trả lời trong khôangr 80-100 chữ).

Câu 2 (7 điểm):

Dành cho học sinh khối 6, 7: Từ những trải nghiệm cùng trí tuệ nhân tạo trong buổi sáng hôm nay, em hãy viết bài văn với nhan đề “Ngày hôm nay tôi biết…”.

Dành cho học sinh khối 8, 9: Từ những trải nghiệm cùng trí tuệ nhân tạo trong buổi sáng hôm nay, em hãy viết bài văn nghị luận trả lời câu hỏi: Phải chăng trí tuệ nhân tạo cũng là mọt biểu hiện cho sức mạnh của con người?


Bức tranh "Thành phố của em" do học sinh tiểu học TP.HCM vẽ xuất hiện trong cuộc thi để cùng so tài với bức tranh của AI

Sau những trải nghiệm về sự sáng tạo của AI về cầm, kỳ, thi, hoạ, Thùy Linh - học sinh Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp) chia sẻ, dù AI thể hiện được năng lực sáng tạo kinh ngạc của mình ở mọi lĩnh vực song vẫn thiếu đi cảm xúc và những giá trị riêng biệt của mỗi người. “Bài hát do AI sáng tác giai điệu cũng nhịp nhàng, cũng nói về tình yêu quê hương nhưng không da diết như sáng tác của nhạc sĩ Đức Trí. Bức tranh về thành phố của tôi do AI vẽ cũng nhạt nhòa, không chứa đựng được tình cảm về thành phố của riêng mỗi người…”.

Trong khi đó, Phan Nguyễn Nhật Hào - học sinh Trường THCS Hậu Giang (quận 6), cho rằng chính con người mới quyết định AI phát triển chung với con người, tạo ra một thế giới tốt đẹp vì khác với AI con người có tình yêu thương, lòng trắc ẩn, có trái tim để chung sống với tất cả mọi người…

Đưa công nghệ vào văn học

Ông Trần Tiến Thành (chuyên viên môn Ngữ văn, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, với học sinh hiện nay trí tuệ nhân tạo, ChatGPT không còn xa lạ. Việc đưa công nghệ gắn với văn chương, hướng tới mong muốn làm sao mỗi học sinh giỏi văn không chỉ có độ nhạy cảm cuộc sống, có cảm xúc nhưng mà còn phải nắm bắt được chuyển biến của xã hội. Để từ đó nhận ra giá trị của con người trong chuỗi phát triển của xã hội. Trải nghiệm với AI trong cuộc thi năm nay nhằm giúp học sinh nhận ra sự khác biệt giữa AI và con người. Và điều mà học sinh cần lưu giữ đó chính là cảm xúc, để không quá kỳ vọng, tôn thờ AI…

“Nếu chỉ nói về trí tuệ nhân tạo thì sẽ rất khô khan. Còn nếu đặt vấn đề rằng “trí tuệ nhân tạo là thù hay là bạn” thì cũng quá sức với học sinh. Do vậy, phải làm sao cho nhẹ nhàng nhất phù hợp với lứa tuổi học sinh THCS, để các em tin vào con người và những giá trị của cảm xúc…” - ông Trần Tiến Thành chia sẻ.

Nhiều năm nay, TP.HCM đổi mới tổ chức hội thi “Văn hay chữ tốt” theo hình thức kết nối văn chương với cuộc sống, học sinh thể hiện bài thi từ chính những trải nghiệm thực tế. Trong các mùa thi trước, học sinh được trải nghiệm ngắm bình minh thành phố tại Công viên 23/9; trải nghiệm cuộc sống qua ô cửa xe bus; thể hiện thành phố qua những góc nhìn khác từ trải nghiệm đi tàu cao tốc trên sông Sài Gòn; trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM; trải nghiệm bịt mắt để hiểu về cảm giác của những bạn học sinh hòa nhập, thiệt thòi…

“Từ những trải nghiệm thực tế, những góc nhìn khi đi vào bài làm có thể ngây ngô nhưng đó là tiếng lòng của các em, có những em chưa gửi được thông điệp mà chỉ dừng ở việc hiện thực thế nào thì miêu tả như vậy. Tuy nhiên, đây là những bài văn đầu tiên đặt nền móng cho những quan sát và cảm xúc của các em say này…” - ông Trần Tiến Thành nhìn nhận.


Lần đầu tiên AI được đưa vào văn học trong hội thi

Theo ông Phạm Quang Tâm - Phó phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, hội thi “Văn hay chữ tốt” là sân chơi dành cho học sinh THCS, nhằm phát triển khả năng cảm thụ văn học, sáng tạo văn học từ những trải nghiệm của bản thân. Qua mỗi mùa tổ chức, hội thi đều mang đến cho học sinh những trải nghiệm bên ngoài nhà trường. Từ đó, các em sẽ viết ra được những suy nghĩ, cảm nhận theo yêu cầu của đề.

“Ở góc nhìn của tuổi trẻ, các em có những suy nghĩ rất độc đáo, các câu trả lời đều riêng biệt, độc đáo, đến từ cảm nhận của từng em nên vì thế mà mang bản sắc rất riêng. Năm nay với chủ đề mới mẻ là văn học và công nghệ, dường như có vẻ độc lập nhưng lại trở thành cầu nối trong cuộc thi để các em cảm nhận được sự khác biệt, hỗ trợ qua lại giữa công nghệ và văn học qua 4 lĩnh vực cầm, kỳ, thi, hoạ…” - ông Tâm nói thêm.

Yến Hoa