Thứ tư, 22/3/2023, 13h56

“Lớp học đảo ngược”: Mô hình giảng dạy ưu thế trong chuyển đổi số

“Lp hc đo ngưc” là mt phương pháp dy hc ng dng công ngh trong phương pháp dy hc hin nay. Mô hình này da trên cơ s lý thuyết v hc tp tích cc. Đó là quan đim dy hc ch đng khám phá, tiếp cn kiến thc thông qua quá trình tương tác.


Mô hình “Lp hc đo ngưc” giúp to ra môi trưng khuyến khích tính t giác, t ch trong hc tp ca hc sinh (nh minh ha). Ảnh: Y.H

Mô hình “Lớp học đảo ngược” giúp tạo ra môi trường khuyến khích tính tự giác, tự chủ trong học tập vì người học có cơ hội học tập theo cách riêng của bản thân và có trách nhiệm với việc tìm hiểu kiến thức thay vì chờ sự truyền đạt kiến thức từ giáo viên (GV). Phương pháp dạy học này đã được ngành giáo dục triển khai trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, khá nhiều GV đã có những thắc mắc về các bước thực hiện như: Dạy học theo mô hình “Lớp học đảo ngược” là phải dạy 2 lần? Có phải soạn 2 kế hoạch bài dạy cho một nội dung học tập? Bài giảng ở lớp khác gì với bài dạy đã gửi để học sinh (HS) tự học ở nhà? Bài dạy nào GV cũng phải làm video để gửi cho HS?... Những thắc mắc của thầy cô hoàn toàn chính đáng. Vì “Lớp học đảo ngược” khá mới mẻ và khi chuyên đề triển khai, GV tham gia chỉ được dự giờ phần thực hiện dạy ở lớp nên khó thể hiểu rõ được cách thực hiện. Theo tôi, để thực hiện dạy học theo mô hình “Lớp học đảo ngược”, các thầy cô có thể thực hiện theo 3 bước cơ bản. 

Bước 1 là xây dựng kế hoạch bài dạy theo mô hình “Lớp học đảo ngược”. Ở bước này, thầy cô phải chọn môn dạy, bài dạy phù hợp. Vì thầy cô mới bắt đầu thực hiện phương pháp dạy này nên phải nghiên cứu, chọn lọc nội dung mà HS có thể tiếp thu bài học dễ dàng khi tự học và thầy cô có đủ kiến thức, kỹ năng để thực hiện theo mô hình này. Sau đó, thầy cô phải xác định được yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất của bài học. Ngoài ra, thầy cô cũng phải xác định rõ yêu cầu cần đạt khi HS tự học ở nhà và yêu cầu cần đạt khi học ở lớp. Có như thế, thầy cô mới thiết kế được kế hoạch bài dạy không bị trùng lặp nội dung học tập ở nhà và học ở trường. Thầy cô chỉ soạn một kế hoạch bài dạy theo mô hình “Lớp học đảo ngược” cho bài dạy của mình. Tuy nhiên, trong kế hoạch bài dạy cần nêu rõ phần HS tự học và phần học ở lớp. Khá nhiều thầy cô nghĩ rằng dạy theo mô hình đảo ngược là GV phải quay video bài giảng để gửi cho HS học ở nhà. Thực tế, video bài giảng của GV chỉ là một trong nhiều nguồn tài liệu để HS tự học, không phải bài dạy nào thầy cô cũng phải nhọc công ghi hình, thu tiếng. Để HS tự học ở nhà trước, GV có thể gửi video bài giảng, file ghi âm của thầy cô dạy hoặc các đường link, video, tài liệu… mà thầy cô đã tìm kiếm được trên internet phù hợp với bài dạy của mình để làm nguồn tư liệu cho HS tự tìm hiểu trước. Thầy cô cần lưu ý những đường link, video, tài liệu… mà mình tìm kiếm được phải chuẩn xác và phù hợp với trình độ, lứa tuổi HS. Chẳng hạn, khi dạy các bài khoa học lớp 5 như: “Phòng bệnh sốt xuất huyết”, “Phòng bệnh sốt rét”, nhiều video, clip trên internet do các trung tâm y tế, bệnh viện thực hiện rất hay và phù hợp với HS tiểu học. Thầy cô có thể sử dụng để gửi cho HS mà không cần thiết phải mất nhiều thời gian, công sức để làm video hay ghi âm bài dạy. Đặc biệt, thầy cô cần chú ý nội dung học mà HS tự học ở nhà với nội dung trình bày, thảo luận trên lớp phải đảm bảo kết cấu hài hòa và hợp lý. Phần bài dạy ở lớp luôn cập nhật những nội dung mới, những tình huống trong thực tế để đưa vào bài giảng.

Bước 2 là HS tự học ở nhà. Vì đây là một mô hình mới nên GV cần hướng dẫn kỹ cách tự học cho HS. Nội dung mà HS tự học phải là những kiến thức cơ bản nhất, được trình bày dễ hiểu nhất. Theo đó, GV có thể cho HS một số câu hỏi gợi ý để khi tự học, các em chú ý ghi nhận lại vào giấy hay sổ tay tự học của mình. Tránh được việc HS tìm hiểu lan man, không đúng trọng tâm. Ví dụ, khi dạy bài khoa học lớp 5 “Phòng bệnh sốt xuất huyết”, thầy cô có thể cho HS tự tìm hiểu theo các câu hỏi như triệu chứng của bệnh ra sao? Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là gì? Muỗi truyền bệnh có tên gì? Những việc nên làm để phòng bệnh sốt xuất huyết?... Các em HS tự học, tự nghiên cứu nội dung bài học của GV gửi và chuẩn bị phần thực hành trên lớp. Việc học tập bị đảo ngược là nhằm hướng vào người học, thay vì GV điều khiển HS, giờ đây HS chủ động nghiên cứu các nội dung bài học để hình thành những ý kiến riêng. Những điều chưa hiểu rõ hoặc muốn hiểu thêm, HS có thể chuẩn bị các câu hỏi xung quanh nội dung để khi đến lớp có thể thảo luận với bạn bè hoặc đặt câu hỏi với thầy cô. GV nên khuyến khích HS thảo luận trực tuyến với bạn để cùng tìm hiểu bài học và tìm hiểu thêm các nguồn tư liệu khác nhưng đảm bảo nguồn tài liệu ấy đúng, chính xác. Ngoài ra, GV cũng cần liên hệ với phụ huynh để có sự hỗ trợ HS về kỹ năng sử dụng máy tính hoặc kết nối internet trên điện thoại thông minh, kỹ năng tìm kiếm kiến thức chuẩn xác trên mạng cũng như kiểm tra tự học của HS.

Bước 3 là dạy và học trên lớp. Đến lớp, HS sẽ trình bày những hiểu biết của mình qua việc tự học. Sau đó, các em sẽ thảo luận, trao đổi để nắm rõ kiến thức hơn. GV chủ yếu hướng dẫn HS làm bài tập, tìm hiểu các kiến thức HS chưa hiểu, chưa biết; tìm ra những cách thức làm bài hay nhất, nhanh nhất, tối ưu nhất cho HS hay cung cấp các kiến thức từ thực tế. Quan trọng nhất là GV cần lưu ý hướng HS các bài tập thực hành liên quan thực tế, cập nhật các kiến thức mới nhất, không hoàn toàn lệ thuộc vào các kiến thức trong sách giáo khoa. Chẳng hạn, ở bài khoa học lớp 5 “Phòng bệnh sốt xuất huyết”, sau khi HS trình bày, thảo luận, rút ra được kiến thức cơ bản nhất của bài học thì GV cần hướng các em đến những hiểu biết và thực hành trong thực tế như: Đã có thuốc chích ngừa bệnh sốt xuất huyết chưa? Đã có thuốc điều trị bệnh chưa? Tại sao người bệnh sốt xuất huyết nên ngủ mùng cả ban ngày? Trong những cách phòng bệnh sốt xuất huyết, theo em, cách nào dễ dàng mà đạt hiệu quả cao để bệnh không lây lan? Địa phương em ở và gia đình em đã làm gì để phòng bệnh sốt xuất huyết. Nếu trong nhà chưng các bình hoa hay trồng trầu bà, cây trường sinh, cây phú quý trong chậu nước thì cần làm gì?... Cuối tiết học, GV có thể cho HS dọn hộc bàn, quét lớp học cho sạch sẽ, kiểm tra các xô nước, chậu nước trong sân trường, trong nhà vệ sinh đã được đậy kín chưa… Với thiết kế kế hoạch bài dạy như thế, GV sẽ thấy rõ nội dung HS tự học và nội dung HS học ở lớp có sự liên kết chặt chẽ nhưng mở rộng và nâng cao kiến thức, nhất là những kiến thức trong thực tế.

Hiện tại, việc thực hiện “Lớp học đảo ngược” khó thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, trong tương lai, mô hình “Lớp học đảo ngược” sẽ là ưu thế giảng dạy trong chuyển đổi số của ngành giáo dục và giúp HS hướng đến việc học tập suốt đời. Vì thế, GV cần tìm hiểu và áp dụng mô hình “Lớp học đảo ngược” trong việc giảng dạy để góp phần cùng với Nhà nước và các ngành nghề khác thực hiện tốt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Lê Phương Trí