Thứ sáu, 27/5/2022, 09h34

Thi học sinh giỏi - tốt quá đi chứ!

1. Con gái tôi vừa đạt giải nhì học sinh giỏi môn văn lớp 12 cấp thành phố. Năm trước, cháu đạt huy chương bạc Olympic văn lớp 11 toàn miền Nam. Với cháu, đó là thành công của đời học sinh, là sự đền đáp bao nhiêu nỗ lực, là niềm hạnh phúc được cha mẹ, ông bà tự hào, là chút phấn khởi khi có những dấu ấn về thành tích học tập… Gia đình chúng tôi lấy làm vui với thành tích này, bởi thế hệ trước dù học tập khá tốt nhưng chưa ai được ghi nhận với các danh hiệu tương tự.


Ti
ết hc lch s ca hc sinh lp 12 (nh minh ha). Ảnh: Anh Khôi

Thực ra, là người có tham gia công tác giáo dục, tôi vui với thành tích của con ở góc độ là một người cha, đồng thời hiểu được kết quả thực sự từ nỗ lực của con chứ không phải ủng hộ hoàn toàn các giải pháp về thi học sinh giỏi hiện nay. Dẫu vậy, vẫn phải thấy rằng danh hiệu học sinh giỏi ở các kỳ thi cấp quận/huyện, thành phố hay quốc gia vẫn rất có ý nghĩa và là một ghi nhận về kết quả, chất lượng dạy và học ở không ít giáo viên cùng học sinh. Cho nên, ai đó phủ nhận toàn bộ sự đóng góp hay ý nghĩa của các kỳ thi học sinh giỏi thì hoặc là họ đã quá thành kiến hoặc chưa hiểu hết vai trò của thành tích này đối với nhà trường, giáo viên và nhất là với học sinh.

Sẽ có nhiều học sinh như con gái tôi có động lực lớn lao khi tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi và danh hiệu học sinh giỏi cũng tiếp tục tạo động lực để phấn đấu nhiều hơn nữa. Chắc chắn sẽ có những người thành danh ở những lĩnh vực nhất định sau khi đã từng đạt danh hiệu này thời đi học, bởi danh hiệu không chỉ chứng thực về mặt năng lực mà còn tạo đà tích cực để tiếp tục nỗ lực ở khía cạnh mình đã có được ghi dấu.

2. Lâu nay, nhiều người đã nhắc đến từ “gà chọi” để nói về việc “luyện thi học sinh giỏi”. Suy cho cùng, trong các cuộc thi, nếu không chuẩn bị, không ôn luyện kỹ thì sẽ khó có kết quả tích cực. Nhưng ở góc độ tiêu cực, việc bồi dưỡng không hoàn toàn nhằm nâng cao kiến thức mà chỉ chủ yếu giành kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi thì có thể coi là đã phi giáo dục, là biểu hiện của việc chạy theo thành tích.

Ta có thể hình dung, khi phân tích câu thơ đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” trong bài thơ Tràng giang (Huy Cận), giáo viên có thể tập trung nêu các ý như gợi nỗi buồn sâu lắng trong lòng người đọc; cho người đọc thấy rõ hơn cảm xúc chủ đạo của tác giả xuyên suốt tác phẩm; đó là tâm trạng “bâng khuâng”, nỗi buồn mênh mang, không rõ nguyên cớ nhưng da diết, khôn nguôi; đó còn là cảm nhận hình ảnh con người càng trở nên nhỏ bé, lẻ loi... Nhưng giáo viên cũng nên gợi cho học sinh nghĩ về thân phận của một người dân mất nước trong bối cảnh dân ta đang rên xiết dưới xích xiềng nô lệ của thực dân, phong kiến; điều đó phản ánh trăn trở của các thanh niên yêu nước trong bối cảnh bất lực về con đường cứu nước. Thậm chí, giáo viên còn có thể dẫn dắt cho học sinh suy nghĩ về tương lai của đất nước, về trách nhiệm của thanh niên, về hành động của bản thân trước định hướng “khát vọng hùng cường” trong bối cảnh hiện nay, liệu ta thấy phấn chấn để bắt nhịp với khát vọng đó của dân tộc hay lại tự ti về tâm thế bé nhỏ của tác giả hồi hơn 80 năm trước.

Tức là các đề thi học sinh giỏi không phải đóng khung trong các đáp án, trong một số cách hiểu nhất định, trong những cách giải quyết cụ thể mà phải dẫn dắt cho học sinh mở rộng hiểu biết, mở rộng tư duy, không chỉ ở lĩnh vực cụ thể của môn học mà còn ở nhiều khía cạnh khác.

3. Chúng ta phải bỏ dần tư duy thành tích và phải chống chạy theo thành tích. Chúng ta đã nói nhiều đến quan điểm “lấy người học làm trung tâm” nhưng cứ loay hoay với các thứ hạng, các danh hiệu mà chưa chú ý đầy đủ đến nhu cầu, sự phát triển, khả năng nâng chất của người học, đặc biệt là người học được bồi dưỡng để thi học sinh giỏi. Tức là, các cuộc thi học sinh giỏi không chỉ để chọn học sinh giỏi theo những tiêu chí khắt khe, xác đáng mà còn để khuyến khích các học sinh đó tiếp tục nỗ lực cho những mục tiêu lớn hơn, xa hơn, không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống. Và muốn vậy, các buổi học bồi dưỡng phải là những trao đổi học thuật, phương pháp thực sự chứ không phải là “lớp luyện”, theo kiểu chỉ ra các “từ khóa”, các mẹo, các thủ thuật nhằm chiếm điểm của giám khảo trong các ba-rem cứng nhắc.

Năm 2022 này, TP.HCM để học sinh trường chuyên và học sinh các trường THPT khác thi cùng nhau trong kỳ thi học sinh giỏi. Điều đó với một số em có vẻ là không công bằng, nhưng trong một kỳ thi học sinh giỏi, thực ra lại có ý nghĩa tích cực, bởi nó “thúc” học sinh các trường THPT phải nỗ lực quyết liệt, còn học sinh các trường chuyên cũng không thể lơ là. Có thể từ đó mà chất lượng kỳ thi được nâng cao. Tuy nhiên, cần phải tránh trạng thái đem “thí sinh chuyên nghiệp” đấu với “thí sinh nghiệp dư” mà phải tạo ra cuộc cạnh tranh bình đẳng bằng cách ra đề hướng đến sự sàng lọc ở khía cạnh năng lực tư duy, đến những bộ óc thực sự xuất sắc, chứ không phải chỉ dành cho các học sinh siêng học, nhớ dai hay… viết chữ đẹp!

Đồng thời, trong các tiêu chí thi đua, xếp hạng, nên xem tiêu chí về tỷ lệ học sinh giỏi là một chỉ số phụ, bên cạnh các tiêu chí quan trọng khác là hiệu suất đào tạo, sự hài lòng về chất lượng dạy học của học sinh và phụ huynh, về tiêu chí “trường học hạnh phúc”, về sự tận tụy của người thầy trong vai trò người truyền đạt kiến thức và hướng dẫn vào tương lai cho thế hệ sau… Điều này có nghĩa là, cần các tiêu chí đánh giá tuy vẫn bằng các con số cụ thể nhưng không thể làm giả được, không thể thực hiện được bằng cách dễ dãi trong kiểm tra, không thể tạo ra bằng cách kéo thấp sự phát triển năng lực của học sinh…

Trong tâm thế đó, kỳ thi học sinh giỏi vẫn rất cần và chính nó bước đầu định hướng cho những tài năng mới của xã hội, của đất nước!

Nguyn Minh Hi