Thứ bảy, 21/11/2020, 12h39

Vai trò làm thầy!

Hn nhiu ngưi biết đến câu chuyn vua Hàm Nghi (1871-1944) vì th l vi thy mà b l thân phn trưc gic Pháp.


Ngày nay xã hi có nhiu biến đi nhưng không vì thế mà vai trò ca ngưi thy b sút gim, đc bit là đi vi ngưi hc (nh minh ha). Ảnh: Yến Hoa

Năm 1885, nhà vua trẻ Hàm Nghi đã cùng phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết làm cuộc binh biến, phát hịch Cần Vương, kêu gọi sĩ phu và nhân dân cả nước chống Pháp. Sử sách gọi đây là “Khởi nghĩa Cần Vương” và đã được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Tuy nhiên, 3 năm sau, thực dân Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn để làm tan rã cuộc khởi nghĩa. Khuya 26-9-1888, vua Hàm Nghi bị bắt khi đang ngủ, người bảo vệ của ngài là Tôn Thất Thiệp bị đâm chết. Khi đó, ông mới 17 tuổi… Tên thuộc hạ cũ đã phản bội nhà vua là Trương Quang Ngọc mang vua Hàm Nghi về đồn Thuận Bài (Quảng Bình) vào ngày 14-11-1888. Quân Pháp tổ chức chào đón nhà vua rất long trọng nhưng ngài đã tỏ ra không hiểu, không nhận mình là Hàm Nghi. Ngài thản nhiên nói: “Tôi chỉ là bề tôi, không dám nhận lời chúc mừng của các ông. Vua Hàm Nghi của chúng tôi hiện ở trong rừng sâu”. Bọn Pháp rất bối rối, chúng dùng nhiều cách thức để nhận diện nhà vua nhưng đều không thành công. Nhưng khi chúng đem thầy dạy học cũ đến xem thì nhà vua vô tình đứng dậy vái chào. Đến lúc đó thì chúng mới yên trí là đã bắt được vua Hàm Nghi.

Người thầy đó của vua Hàm Nghi là thầy Nguyễn Nhuận (Nguyễn Văn Nhuận), quê ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Ông đỗ cử nhân, có trí tuệ uyên thâm, tính thẳng thắn, liêm khiết. Sau một thời gian dạy học ở quê, ông được mời vào kinh dạy con cháu hoàng tộc, trong đó có Hoàng thân Ưng Lịch, con trai Kiên Thái vương Hồng Cai, cháu nội vua Thiệu Trị. Sau khi vua Kiến Phúc mất, năm 1884 triều đình tôn Ưng Lịch lên làm vua, đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Nhớ ơn thầy, vua Hàm Nghi muốn phong cho thầy Nguyễn Nhuận một chức quan. Nghĩ đến vùng đất Quảng Bình nghèo khó, Nguyễn Nhuận xin được về Tuyên Hóa nhận chức Tri huyện. Là người sống trong dân, hiểu được dân nên trong thời gian ông làm quan ở đây, toàn huyện không có ăn xin, trộm cắp, nhà nhà không phải đóng cửa khi chủ đi vắng… Hiện người dân xứ này vẫn còn nhớ đến công lao của vị “vương sư” đặc biệt này. Sau khi bị bắt, vua Hàm Nghi cự tuyệt mọi sự mua chuộc của thực dân Pháp. Bất lực trước tinh thần bất khuất của ông, ngày 13-12-1888, quân Pháp bắt vua lên thuyền đưa đày đến Algeria - một thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi. Tại đây, sau này nhà vua trở thành một nhà điêu khắc, một họa sĩ tài năng. Ngài qua đời tại đây vào năm 1944 vì bệnh ung thư dạ dày.

Vua Hàm Nghi, cùng với các vua Duy Tân, Thành Thái là những vị vua yêu nước của nhà Nguyễn, đã tìm nhiều cách chống lại thực dân Pháp. Tình yêu nước đó của nhà vua cũng một phần bắt nguồn từ những bài học mà người thầy đã dạy dỗ từ thuở nhỏ. Trong đó, vua Duy Tân (1900-1945), người đã cùng với các chí sĩ Trần Cao Vân, Thái Phiên đã tổ chức cuộc khởi nghĩa ở Trung kỳ vào năm 1916 nhưng nhanh chóng bị thất bại, cũng có một người thầy nổi tiếng là cụ Mai Khắc Đôn (1853-1930), sau trở thành nhạc phụ của nhà vua.

Trong xã hội cũ, vai trò người thầy được đặt ở vị trí trang trọng: quân - sư - phụ, tức là người thầy chỉ đứng sau vua và trên cả cha, bất kể tuổi tác. Sự trọng thị đó không đơn thuần ở quan niệm tôn sư trọng đạo mà còn vì vai trò to lớn của người thầy đối với người học, đối với gia đình người học và đối với xã hội. Đối với người học, dĩ nhiên người thầy đã khai sáng về kiến thức, nhận thức, đồng thời hình thành và bồi đắp lý tưởng, cũng như rèn giũa về mặt đạo đức. Người thầy đóng vai trò là một tấm gương sáng để người học noi theo, ở khía cạnh nào đó, có thể có sự rập khuôn nhưng về mặt tích cực thì hễ thầy giỏi, thầy có đạo đức thì sẽ đào tạo nên những học trò giỏi và có đạo đức. Chuyện xưa nói về thầy Chu Văn An giữ lễ với trẻ nhỏ trên đường hẳn có giá trị biểu tượng không nhỏ, đặc biệt là câu nói: Trẻ nhỏ còn biết chào ta chẳng lẽ ta làm thầy mà không biết giữ lễ? Đối với gia đình người học, người thầy thường nhận được sự gửi gắm, thậm chí là ký thác, với niềm hy vọng lớn lao về sự thành tài của con cái họ. Ngày trước, việc làm lễ bái sư, ra mắt thầy khá trang trọng, không chỉ có vật chất đáng kể mà các nghi thức cũng phải cầu kỳ; người làm cha mẹ phải thể hiện lòng yêu kính thầy, chứ không thể khinh suất. Có khi, cha mẹ gửi con đến ở nhà thầy để tiện việc học mà cũng là một sự thử thách, rèn luyện. Đối với xã hội, người thầy hẳn có một vị trí đáng kể, không chỉ nhờ đỗ đạt được miễn phu dịch, được cấp ruộng công mà còn được trọng vọng, được ăn trên ngồi trước, được hỏi ý kiến về những vấn đề của làng xã. Dĩ nhiên, người không có năng lực, không thể hiện được vai trò của mình mà chỉ có hư vị thì uy tín sẽ không duy trì được lâu…

Mt khi ngưi thy phát huy tt nht vai trò ca mình bng s n lc ca bn thân, s to điu kin ca xã hi thì nht đnh ngưi thy s đưc xã hi tôn trng như đã tng th hin!

Ngày nay, xã hội có nhiều biến đổi nhưng không vì thế mà vai trò của người thầy bị sút giảm, đặc biệt là đối với người học và đối với xã hội. Người thầy vẫn là người truyền đạt kiến thức rất quan trọng cho người học, có tác động đến việc hình thành, hoàn thiện nhân cách, lối sống, lý tưởng cho người học. Trong nhiều trường hợp, người thầy còn truyền cảm hứng cho người học, để từ đó đi theo con đường của thầy hoặc làm tiếp các công việc mà người thầy của mình chưa làm trọn vẹn. Truyền thống kính trọng người thầy vẫn tiếp tục được duy trì. Không ít vị lãnh đạo cao cấp vẫn kính cẩn trước thầy cô giáo cũ của mình, khiêm tốn nép mình trở lại làm học trò nhỏ của thầy cô như thuở trước. Trong việc đó, ngoài tình cảm thiêng liêng hẳn còn sự biết ơn vì đã góp phần khai sáng cuộc đời của người học, góp phần nâng bước của người học đi đến thành công. Hiện nay, có lúc có nơi, cái nhìn và sự tôn trọng của xã hội đối với người thầy ít nhiều bị mai một. Trong việc đó, có sự xuống cấp, thậm chí băng hoại của đạo đức xã hội, nhất là chịu sự tác động của đời sống trọng vật chất, trọng kim tiền. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận có những hạn chế xuất phát từ chính người thầy, như có người không thực sự có năng lực, có uy tín, có phẩm cách phù hợp để đứng lớp nhưng bằng cách nọ, cách kia vẫn thao thao rao giảng; có người xem người học và gia đình họ như là “chùm khế ngọt” để kiếm chác, lợi dụng; có người yêu ghét không rõ ràng, không phân minh mà ứng xử không hợp lẽ; có người vì lợi riêng mà xem nghề dạy học là công cụ chỉ để kiếm tiền, rồi từ đó phát sinh việc vòi vĩnh điểm số, dạy thêm, thiên vị…

Trách nhiệm để xảy ra hiện tượng đó không hẳn nằm ở chỗ người thầy thiếu rèn luyện, tu dưỡng mà còn ở chỗ nhà trường sư phạm đã xem nhẹ việc đào tạo ra những người thầy mẫu mực, có đủ năng lực, hay các tổ chức đã không chọn lựa kỹ mà sắp những người không có phẩm cách vào vị trí bục giảng, kể cả việc xây dựng chương trình học, cách thức tổ chức giảng dạy có thể làm cho người thầy không được tôn trọng đúng cách, hoặc chính các phụ huynh (có khi có cả người học) dùng vật chất, địa vị để thúc đẩy sự tha hóa của người thầy. Và, có khi xã hội đã rẻ rúng người thầy, xem đây chỉ là người “bán chữ” thuần túy mà không xem xét đến các vai trò khác.

Do đó, kể lại chuyện vua Hàm Nghi ứng xử với thầy dạy học của mình là thêm một lần nữa khẳng định vai trò của người thầy trong xã hội. Một khi người thầy phát huy tốt nhất vai trò của mình bằng sự nỗ lực của bản thân, sự tạo điều kiện của xã hội thì nhất định người thầy sẽ được xã hội tôn trọng như đã từng thể hiện!

Trnh Minh Giang