Thứ ba, 27/8/2019, 20h44

Đổi thay trên dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) từ ngày “thay da đổi thịt” không chỉ là dòng kênh xanh mát mà còn là “sân chơi dưới nước” phục vụ nhu cầu giải trí, du lịch của người dân trong nhiều năm qua. Cuối tuần qua, Ban tổ chức các ngày lễ lớn TP.HCM đã tổ chức Giải đua thuyền truyền thống TP.HCM năm 2019 trên dòng kênh này (đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè) thu hút 25 đội với 500 vận động viên. Ông Mai Bá Hùng (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Trưởng ban tổ chức) cho biết: “Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là tuyến kênh mang lại niềm tự hào cho người dân thành phố về việc cải tạo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại. Tuyến kênh mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển thành phố toàn diện, bền vững”. Tại cuộc đua, người dân trong khu vực và du khách đã có cơ hội thưởng lãm màn trình diễn của môn thể thao Flyboard (ván bay) do nam vận động viên của Công ty Đại Nam biểu diễn. Flyboard được thiết kế như một bộ ván trượt có 2 ống đẩy và động cơ phản lực mạnh, hút nước qua một ống dài phía dưới và đẩy ra với một áp suất rất lớn. Chính lực đẩy của nước thổi bay vận động viên lên không trung với khoảng cách từ 6 đến 10 mét, khiến người xem có cảm giác như đang xem “siêu nhân” biểu diễn những pha nhào lộn đẹp mắt và điêu luyện.

Là sân chơi mới của những môn thể thao dưới nước nên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng là nơi CLB Sup TP.HCM diễu hành chèo thuyền SUP (Stand Up Paddle Boarding). Đây là môn thể thao nước có nguồn gốc từ Hawaii mới du nhập vào Việt Nam khoảng 3 năm nay. Với môn thể thao này, người chèo thuyền bắt đầu ở tư thế ngồi, sau đó chuyển dần sang tư thế quỳ và sau cùng là đứng thăng bằng để di chuyển. Thậm chí những người đã thành thạo còn có thể vừa nằm vừa chèo thuyền, hoặc có thể hoạt động tự do trên thuyền cũng như tham gia các trò chơi tập thể. Do được trang bị áo phao và dây bảo hộ nên luôn đảm bảo an toàn cho người chơi phòng khi bị ngã xuống nước.

Từ khi dòng kênh được hồi sinh, không gian đôi bờ đã trở thành những địa điểm lý tưởng để người dân hóng gió, tập thể dục mỗi ngày. Là người chứng kiến sự thay đổi của dòng kênh đen xưa, bà Lê Thị Thủy (Tổ phó Tổ 67, khu phố 4, phường 17, Q.Bình Thạnh) khẳng định: “Dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được thành phố chỉnh trang sạch đẹp như hôm nay là niềm hạnh phúc lớn lao cho người dân. Còn gì vui hơn khi ban ngày chúng tôi được hít thở không khí trong lành, được tập thể dục trong không gian an toàn; đêm về còn được nghe đờn ca tài tử nữa. Trước đây, người dân muốn bán nhà chuyển đi nơi khác thì không có người mua, còn bây giờ có người đến mua thì đa phần lại không muốn bán”.

Ban ngày là sân chơi của những môn thể thao dưới nước, khi đêm về dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở nên trữ tình, thơ mộng. Tại khu vực phường Đa Kao (Q.1), trải dài theo 2 bên bờ kênh (từ cầu Thị Nghè đến cầu Điện Biên Phủ) là những chiếc thuyền nhỏ lung linh ánh đèn trên mặt nước lấp lánh. Giữa dòng kênh bình lặng là một chiếc thuyền lớn văng vẳng tiếng hát, tiếng đàn với những điệu đờn ca tài tử đậm tình, da diết. Có thể nói đây là một trong những hoạt động văn nghệ hấp dẫn phục vụ nhu cầu giải trí của người dân hai bên bờ kênh hiền hòa.

Trong nhiều năm qua, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được xem là điểm đến của du khách trong và ngoài nước với những hoạt động du lịch thú vị như du thuyền trên sông bằng thuyền quy, thuyền phụng; các dịch vụ chụp hình cưới, tổ chức liên hoan… Đặc biệt, những chiếc thuyền nhàn rỗi ở bến thuyền Q.1 và Q.3 còn được tận dụng làm “quán cà phê” trên sông, là nơi gặp gỡ bạn bè, hòa mình cùng thiên nhiên…

Bích Vân