Thứ năm, 23/6/2022, 11h51

Tình nghĩa giáo khoa… văn

Bui sáng, hn hò cà phê. Nhng ngưi bn v hưu - có mt thi là chuyên viên, là phó, trưng phòng giáo dc, có bn tng là hiu trưng. Gp nhau nói đ th chuyn và dn dn đi đến sách v, hc hành ca thi ci cách giáo dc…

1.Một bạn đọc lại vài đoạn bài học thuộc lòng “Tiếng ru” (của Tố Hữu): “Con ong làm mật yêu hoa/ Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời/... Một người đâu phải nhân gian/ Sống chăng một đóm lửa tàn mà thôi” - SGK Tiếng Việt lớp 3, tập 1.

Các bạn ngồi nhấm nháp cà phê, mắt đưa về thời xa vắng của những năm 198... rồi nói, như nói một mình, cho một mình nghe. Bài “Tình quê hương” (của Nguyễn Khải), tôi nhớ lắm. Nhiều học trò bây giờ đã lớn, gặp tôi cũng nói thích bài “Tình quê hương”: “Làng quê tôi đã khuất hẳn, nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo. Tôi đã đi nhiều nơi, đóng quân nhiều chỗ phong cảnh đẹp hơn ở đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng và cũng có người yêu tôi tha thiết, nhưng sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cọc cằn này”.

Tôi nghe mà bần thần, khâm phục trí nhớ của bạn. Nhưng một bạn nữ đọc tiếp bài “Chị Sứ” (của Anh Đức), nghe càng thấy hay: “Chị Sứ yêu biết bao mảnh đất này, nơi chị oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái xanh đã thắm hồng da dẻ chị, chính tại mảnh đất này mẹ chị hát ru chị ngủ và khi làm mẹ chị lại hát ru con bằng câu hát ngày xưa”.

Hay quá! Tôi chưa kịp nói câu nào thì một bạn khác nói: “Bài “Dừa ơi” (của Lê Anh Xuân) mà không đẹp à”. Đi về miền Tây, qua cầu Rạch Miễu nhìn xuống Bến Tre thì nhớ ơi là nhớ: “Dừa ơi dừa, người bao nhiêu tuổi/ Mà lá tươi xanh mãi đến giờ/ Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi/ Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua”. Và bài này cũng hay nữa nè: “Đẹp lắm anh ơi! Con sông Ngàn Phố/ Sáng cả đôi bờ hoa bưởi trắng phau/ Nay mai những chuyến đò xuôi ngược/ Bưởi quê mình rời bến nối đuôi nhau” (Bài “Mùa hoa bưởi” của Tô Hùng)

2.Cải cách giáo dục từ năm 1981 dạy cho đến khi thay sách bằng Chương trình đổi mới 2000. Cái thuở khó khăn, trăm bề thiếu thốn. Người thầy cũng khó khăn gian khổ. Câu chuyện hài “Sáng em dạ, chiều cô dạ” là chuyện hài mà như thật, rất đau lòng. Nhưng trong giáo dục vẫn là tươi trong và thật đẹp. Các bạn bồi hồi, các bạn cảm xúc và tôi cũng miên man nhớ thời dạy ở Trường Sư phạm.

Bỗng một bạn đọc to: “Con yêu quý của bố, học quả là khó khăn gian khổ. Bố muốn con đến trường với lòng hăng say và niềm phấn khởi. Con hãy nghĩ đến những người thợ, tối tối đến trường sau một ngày lao động vất vả. Cả đến những người lính vừa ở thao trường về là ngồi vào bàn đọc đọc, viết viết. Con hãy nghĩ đến các em nhỏ bị câm hoặc bị điếc mà vẫn thích đi học” (Bài “Lời khuyên của bố”, tác giả Edmondo De Amicis (Ý))

Các bạn đều gật gù, thích bài tập đọc này. Một bạn nói hồi đi dạy, bài này chẳng phải phân tích giảng giải gì, chỉ cần cho các em đọc, đọc to, đọc nhỏ, đọc diễn cảm thế nào cũng được theo cảm xúc của chính các em là thấm vào lòng. Có em, bây giờ làm cha cũng đọc cho con nghe và nói với con đây cũng như thư của Ba gửi cho con.

Tôi lại nhớ quyển “Tâm hồn cao thượng”. Hồi xửa hồi xưa học tiểu học, thầy của tôi cũng đọc cho học trò nghe mà thấm mãi cho đến lúc già như bây giờ: “Trước mặt cô giáo của em con, con đã tỏ ra vô lễ với mẹ con. An ơi! Hành động của con như một nhát dao đâm thấu trái tim cha”. Bạn khác thì nói: “Đoạn này mà không hay à” và đọc: “Giọng nói bà tôi đặc biệt trầm bổng, nghe như tiếng chuông đồng. Nó khắc sâu vào trí nhớ tôi dễ dàng, như những đóa hoa và cũng dịu dàng, rực rỡ, đầy nhựa sống. Khi bà tôi mỉm cười, hai con ngươi đen sẫm nở ra, long lanh, diệu hiền khó tả. Đôi mắt ánh lên những tia sáng ấm áp, tươi vui và không bao giờ tắt. Mặc dù trên đôi má ngăm ngăm đã có nhiều nếp nhăn, khuôn mặt của bà tôi hình như vẫn tươi trẻ. Lưng hơi còng, bà tôi đi lại vẫn nhanh nhẹn”. Các bạn đều lặng im nghe đọc và cũng im lặng khi nghe đọc xong.

3.Đưa tay nâng ly cà phê mà không uống, cứ để đó trên môi. Tôi nghĩ chắc trong lòng mỗi người nhớ đến lớp học, nhớ học trò và chắc cũng là nhớ người bà thân thương của riêng mình. Tôi phá vỡ bầu không khí hoài niệm, mơ màng này bằng câu nói: “Các bạn ơi, bây giờ mình có thể nhớ bài thơ này không, tôi đọc cho các bạn nghe rồi mình về, trưa rồi đó” và tôi đọc: “Có nơi đâu đẹp tuyệt vời/ Như sông, như núi, như người Việt Nam/ Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang/ Cà Mau mũi đất mỡ màng phù sa/ Trường Sơn, chí lớn ông cha/ Cửu Long, lòng mẹ bao la sóng trào” (bài “Nguyễn Văn Trỗi” của Lê Anh Xuân)…

Các bạn vỗ tay như trong hội trường đang tập huấn thay sách mới. Tôi nói cảm ơn các bạn - các thầy cô của thời cải cách giáo dục đã qua lâu rồi. Thời đại 4.0 rồi. Và thật là quý các bạn.

Làm thầy, cô không chỉ giở sách ra dạy mà còn thuộc lòng mãi đến bây giờ lên tuổi lão còn đọc cho nhau nghe. Thật là người thầy rất quý. Ta về, thỉnh thoảng cùng nhớ nhe. Nhớ tình nghĩa giáo khoa tiểu học.

Tôi cũng xin ghi nhớ nhà văn Sơn Nam trong “Hương rừng Cà Mau” có bài đọc mà khi đọc xong cảm xúc vẫn còn bàng bạc, lâng lâng trong đầu “Tình nghĩa giáo khoa thư”.

Ngày nay, thầy cô dạy học trò tiểu học mà vẫn còn nhớ còn đọc thì cũng thật đậm đà tình nghĩa giáo khoa văn.

Lê Ngc Đip
(Nguyên Trưng phòng Giáo dc
Ti
u hc, S GD-ĐT TP.HCM)

* Các đoạn văn trong bài đều ở trong Sách giáo khoa Tiếng Việt - Chương trình Cải cách giáo dục.