Thứ bảy, 21/11/2020, 12h11

Cô giáo Việt theo đuổi nghiệp sư phạm tại New Zealand

Bắt đầu với công việc trợ giảng ở trung tâm tiếng Anh tại Việt Nam, Nguyễn Như Quỳnh (sinh 1995 tại Hà Nội) ấp ủ ước mơ với nghề sư phạm. Chính đam mê này đã đưa Quỳnh tìm đến chân trời mới ở New Zealand để mở mang kiến thức và hiện thực hóa mục tiêu khi trở thành giáo viên tại Trường Tiểu học Lakeview (New Zealand).


Nguy
n Như Qunh (1995) hin là cô giáo Trưng Tiu hc Lakeview (New Zealand)

Bén duyên với nghề sư phạm 

Vốn yêu thích trẻ con và qua quá trình làm trợ giảng, ước mơ trở thành cô giáo tiểu học ngày càng lớn lên trong Quỳnh. Sau mấy tháng đi học trao đổi ở nước ngoài, Quỳnh càng thêm hứng thú với phương pháp giáo dục ở các nước tiên tiến. Từ đó, cô gái 9X nhen nhóm dự định du học ngành sư phạm. Quỳnh kể lại: “Mình chọn học Chứng chỉ sư phạm tiểu học (Graduate Diploma in Teaching and Learning (Primary Education)) ở Trường Đại học Canterbury vì chương trình gói gọn trong vòng 1 năm, giúp mình tiết kiệm cả thời gian lẫn tài chính. Nhưng yếu tố then chốt khiến mình chọn New Zealand là sự đồng cảm trong triết lý giáo dục mà mình theo đuổi. Đó chính là tinh thần học tập suốt đời và tôn trọng sự khác biệt”.

Trong quá trình học về văn hóa bản địa, Quỳnh ấn tượng với văn hóa của người Maori và tìm thấy nhiều nét tương đồng với người Việt mình, như truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, luôn nhớ về ông bà tổ tiên.

Chủ động trong giảng dạy và liên tục phát triển chuyên môn

New Zealand là quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai trong 3 năm liên tiếp 2017-2019 và sự chuyên nghiệp của giáo viên góp phần quan trọng trong việc khẳng định vị thế đó. Trong chương trình học của mình, Quỳnh có 9 tháng học trên giảng đường và hai lần thực giảng ở những ngôi trường khác nhau. Mỗi chuyến thực giảng kéo dài trong 7 tuần liên tiếp là những kinh nghiệm thực tế tuyệt vời, cơ hội cho Quỳnh và các bạn sinh viên khác được học hỏi những phong cách giảng dạy khác nhau và được đứng lớp như một giáo viên thực thụ.

Quỳnh cho biết: “Bậc tiểu học ở New Zealand không có sách giáo khoa, mỗi giáo viên sẽ tự soạn thảo giáo án dựa trên yêu cầu của khung chương trình quốc gia, phù hợp với trình độ của lớp và điều chỉnh trong suốt quá trình giảng dạy. Do đó mỗi người sẽ có một cách khác nhau để truyền tải kiến thức đến cho các em học sinh”. Ngoài ra, giáo viên được yêu cầu làm mới chứng chỉ giảng dạy mỗi 3 năm để chứng minh sự phát triển liên tục trong chuyên môn lẫn kỹ năng mềm.

Trở thành cô giáo xứ Kiwi ngay sau khi tốt nghiệp

Ở New Zealand, sinh viên quốc tế tốt nghiệp bậc cử nhân trở lên (level 7 - level 10) sẽ có cơ hội được ở lại làm việc từ 1-3 năm với thị thực làm việc cho sinh viên quốc tế sau tốt nghiệp (post-study work visa), đây là một trong những chính sách hỗ trợ để những sinh viên như Quỳnh có cơ hội trau dồi thêm kinh nghiệm làm việc ở môi trường quốc tế. “Trong giai đoạn tìm việc, thầy cô ở trường đã hỗ trợ rất nhiều từ việc xem và góp ý chỉnh sửa hồ sơ, phỏng vấn mẫu cho đến trấn an tinh thần cho sinh viên, có cô còn nhiệt trình giúp giới thiệu trường để mình ứng tuyển nữa”, Quỳnh cảm thấy rất biết ơn mỗi khi nhớ lại quãng thời gian đó. Và may mắn đã mỉm cười khi vào tháng 1-2020, Quỳnh chính thức trở thành giáo viên của Trường Tiểu học Lakeview nằm ở thị trấn Masterson xinh đẹp.

Sau gần 1 năm đứng lớp, Quỳnh cho biết mình đang rất hạnh phúc với lựa chọn này và mỗi ngày đến lớp là một hành trình có thú vị có thử thách. “Là giáo viên chủ nhiệm, mình đảm nhận về toán, đọc, viết cho các em. Bên cạnh truyền thụ kiến thức, giáo viên còn là người cộng sự, dẫn dắt và truyền cảm hứng để các em nuôi dưỡng tinh thần học suốt đời. Ngoài ra, ở bậc tiểu học, các em được khuyến khích phát triển nhân phẩm và đạo đức tốt, đúng như tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn” của người Việt mình vậy”, Quỳnh chia sẻ.

Đ.Thanh