Thứ năm, 20/2/2020, 20h27

Khi ban lãnh đạo nhà trường chưa thực sự đồng thuận

Có lẽ khi chọn “ê-kíp” của một ban lãnh đạo nhà trường, người ta đã nghĩ tới sự đoàn kết, nhất trí của cơ cấu! Không hiểu do ngẫu nhiên hay do vấn đề gì khác mà hiệu trưởng thường là những giáo viên xuất thân từ các bộ môn khoa học tự nhiên như toán, vật lý, hóa học, sinh học… Các bộ môn khoa học xã hội như ngữ văn, lịch sử, Anh văn rất ít khi làm hiệu trưởng. Có lẽ giáo viên các môn khoa học tự nhiên giỏi “tính toán” hơn chăng?

Các hiệu phó (tùy theo quy mô trường, có từ hai đến ba vị) có khi được phân chia đều các bộ môn vật lý, ngữ văn, sinh học; rất hiếm khi hiệu phó là các bộ môn như giáo dục công dân, thể dục!

Tất cả sự phân công các chức vụ đều do trên “áp xuống” nên nhà trường có nhiều khi phải chịu cảnh “may nhờ rủi chịu”! Chỉ khi hết nhiệm kỳ đầu (5 năm) thì mới có “màn” lấy phiếu tín nhiệm của giáo viên, nhân viên để trên quyết định bổ nhiệm lại.

Khi bước vào năm học mới, hiệu trưởng sẽ phân công các hiệu phó phụ trách từng mảng theo thế mạnh của từng thành viên. Thông thường các hiệu phó thuộc bộ môn tự nhiên sẽ phụ trách mảng cơ sở vật chất vì bây giờ phòng học được trang bị máy chiếu; có phòng thực hành, phòng học vi tính.

Nhưng cũng có khi phân công cho một hiệu phó thuộc bộ môn xã hội. Điều này gây khó khăn phần nào vì sự am hiểu về trang thiết bị, máy móc của hiệu phó bộ môn xã hội có khi còn bị hạn chế!

Rồi các hiệu phó sẽ kiêm nhiệm thêm các công tác như giáo dục đạo đức học sinh; giáo dục nghề nghiệp; đánh giá hạnh kiểm học sinh; phụ trách nền nếp dạy của giáo viên…

Còn công việc của hiệu trưởng là phụ trách chung, chịu trách nhiệm trước cấp trên về mọi hoạt động của nhà trường và là chủ tài khoản.

Nếu hiệu trưởng là người “biết người biết ta” thì các hiệu phó cũng được thoải mái trong công việc được giao. Nhưng không ít hiệu trưởng chỉ coi các hiệu phó là “người giúp việc” cho mình mà không biết rằng chính những hiệu phó làm hết tinh thần trách nhiệm thì hiệu trưởng mới “vững vàng, an nhàn” hơn!

Những mâu thuẫn nảy sinh bắt đầu từ đây! Có nhiều hiệu trưởng tự cho mình quyền cao hơn nên tỏ ra độc đoán, mọi chủ trương đều tự ý đưa ra; không mời các hiệu phó góp ý, phản biện!

Thay vì trân trọng sự nỗ lực, trân trọng các ý kiến của các hiệu phó (cũng là ý kiến của đội ngũ giáo viên nhờ nói) thì hiệu trưởng không thấy hoặc bỏ ngoài tai. Biết rằng cơ sở vật chất của trường khá tốt, được trang bị khá đầy đủ máy móc, thiết bị dạy học nhưng nếu hiệu phó phụ trách không điều hành, không kiểm tra thường xuyên; không động viên, nhắc nhở mọi người giữ gìn, bảo quản thì có được như vậy không?

Buồn nhất là khi chia tiền quản lý ôn thi lớp cuối cấp, bao giờ hiệu trưởng cũng “tự thưởng” cho mình số tiền hơn các hiệu phó từ 3 đến 4 triệu đồng! Lẽ ra phải có sự bàn bạc, thống nhất cao trong ban lãnh đạo và nên chia đều vì công việc của thành viên nào cũng quan trọng; không nên cho rằng người này làm hơn, cực nhọc hơn người kia!

Tìm được một hiệu trưởng thời nay thực sự công tâm thật khó! Có thể có nhưng rất hiếm, quá hiếm vì sự cám dỗ quá mạnh của đồng tiền, của vật chất giữa thời buổi kinh tế thị trường này!

Trưng Sa Đông (Sóc Trăng)