Thứ hai, 13/4/2009, 13h04

“Làng tiến sĩ” xuất thân từ đồng ruộng

Bao đời nay, người dân Vĩnh Cửu (xã Vĩnh Thanh – Nhơn Trạch - Đồng Nai) vẫn “cày sâu cuốc bẫm” trên những thửa ruộng lắm cát nhiều phèn, vừa kiếm cái ăn cái mặc qua ngày, vừa “nuôi” gánh chữ cho con. Và ít ai biết được, chính trên mảnh đất lắm cát nhiều phèn đó cùng những giọt mồ hôi mặn chát của người dân đã “sản sinh” ra trên 10 người tiến sĩ, thạc sĩ cùng hàng trăm cử nhân, cao đẳng, ..

Một ngày cuối tháng, chúng tôi qua phà Cát Lái (Q.2), lần theo chỉ dẫn của người dân địa phương rồi chạy dọc theo ngã ba Đại Phước (Nhơn Trạch) về xã Vĩnh Thanh để được nghe câu chuyện về “làng tiến sĩ” xuất thân từ ruộng đồng. Trong cái nắng gay gắt của tháng 3, những người dân vẫn đang hối hả vào vụ mùa thu hoạch mì…. “Từ khi đến mảnh đất này lập nghiệp, cho đến khi đứa cháu tôi học cao học và đang đi làm, đời sống của bà con nơi đây vẫn chủ yếu bám vào cây mì, cây lúa, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng mấy năm trở lại đây, cuộc sống có phần khấm khá hơn cũng bởi lớp trẻ đi học, làm ở Sài Gòn trở về địa phương” - Cụ Trần Dưng (ấp Vĩnh Cửu) – một trong những người già nhất làng nói với tôi rồi cụ chỉ đường cho chúng tôi ra UBND xã.

Tiến sĩ từ ruộng đồng

Tiếp chúng tôi tại UBND xã Vĩnh Thanh, ông Nguyễn Văn Hoàng- Phó chủ tịch hội khuyến học phấn khởi cho biết: “Không kể số học sinh đang theo học ở các cấp, toàn xã Vĩnh Thanh có 474 trí thức, 522 người đang theo học đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp và có trên 17 người đang học sau đại học. Đặc biệt, ở ấp Vĩnh Cửu chỉ có 350 hộ dân với 1.705 nhân khẩu nhưng có đến 5 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 2 cao học và trên 100 người đã tốt nghiệp cũng như đang theo học đại học, cao đẳng và hàng trăm người đang theo học trung học chuyên nghiệp.

Để hiểu rõ hơn về “sự học” của vùng đất nghèo khó này, chúng tôi đi dạo quanh một vòng ấp Vĩnh Cửu, ghé thăm những gia đình có những người con đang là cử nhân, thạc sĩ. Dừng chân trước con đường đất đỏ đầy bụi, chúng tôi ghé nhà ông Phạm Cẩn -Trưởng ban đại diện Hội cha mẹ học sinh Trường THPT Nhơn Trạch, khi ông đang loay hoay với từng xấp giấy khen để phát cho tân sinh viên. Biết ý định chúng tôi muốn tìm hiểu về những gia đình có con thành đạt, ông Cẩn khiêm tốn nói: “Từ xưa đến giờ, đây là vùng đất thuần nông, nhưng đất đai ngày một eo hẹp nên để thoát nghèo thì chỉ còn cách tìm cái chữ cho con. Những gia đình có con ăn học, rồi có việc làm và cải thiện được cuộc sống, dần dần mọi người trong làng tự bảo nhau và noi theo việc học”. Ngay chính gia đình ông cũng xuất thân từ nghề nông, suốt ngày “bán lưng cho đất, ngửa mặt cho trời” “cày sâu cuốc bẫm” trên những cánh đồng nhiễm phèn kiếm cái ăn đắp đổi qua ngày và nuôi chữ cho con. Khó khăn là thế, nhưng ông cũng quyết không để 5 người con thất học. Hiện 2 người con đầu của ông đã tốt nghiệp ĐH đang làm việc tại thành phố, 2 người con sau đang học năm 2. Không chỉ riêng gia đình ông Cẩn mà còn có nhiều gia đình khác như gia đình ông Phạm Trạch, Phạm Ngọc Đại,.. Gia đình ông Phạm Ngọc Đại có 5 người con đều là trí thức thành đạt: Người con đầu có 2 bằng ĐH (Kinh tế và Bách khoa), một cử nhân ĐH Sư phạm kỹ thuật - hiện là trợ giảng của Trường ĐH Bách khoa, một là năm cuối ĐH Bách khoa và một tân sinh viên mới đậu 2 trường.

Về những tiến sĩ, thạc sĩ xuất thân từ gia cảnh khó khăn cũng không ít. Riêng gia đình ông Nguyễn Văn Cư (ấp Vĩnh Cửu) có đến 9 người con, trong đó có một người con bị bệnh bẩm sinh và một người con út đang học lớp 5, còn lại tất cả đều có trình độ đại học. Đặc biệt ông có một người con là Nguyễn Minh Tuấn đang là tiến sĩ ngành Công nghệ thông tin đang học ở Thụy Sĩ, sang năm người con ông sẽ trở về vinh quy bái tổ. Hay như ông Trần Ngọc Bích cũng có 7 người con đều là trí thức thành đạt. Họ hiện đang giữ vị trí quan trọng ở những công ty lớn. Riêng ông còn có một người em đang học cao học ở Pháp và trở về làm GĐ một siêu thị ở thành phố. Và có lẽ chính những đều đó, nên làng Vĩnh Cửu trong những năm gần đây được người dân xã Vĩnh Thanh gọi với cái tên trìu mến mà cũng rất vinh dự: “Làng tiến sĩ”.

Con có chí – cha mẹ có công

Bà Võ Thị Trang Dung – Phó CT UBND xã Vĩnh Thanh cho biết: “Đời sống người dân nơi đây chủ yếu xuất thân từ đồng ruộng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đã đạt thành tích đó là đều rất đáng mừng. Đó còn là mũi nhọn để chúng tôi phát triển khuyến học trong toàn xã”

Thoạt đầu khi nghe câu chuyện về “làng tiến sĩ”, tôi cũng như một số người cứ cho rằng chuyện đó không còn lạ ở xã hội ngày nay khi điều kiện ngày một phát triển. Nhưng khi đến làng Vĩnh Cửu, trò chuyện với người dân nơi đây, được tận mắt chứng kiến cảnh nhiều trẻ em một buổi đến trường, một buổi theo ba mẹ ra đồng cắt cỏ, bẻ mì; cảnh những ông bố bà mẹ suốt ngày “đầu tắt mặt tối” với đồng ruộng nhưng vẫn quyết không để con thất học, tôi mới hiểu được họ thật đáng khâm phục. Và những học vị, văn bằng mà con cháu của họ phấn đấu có được hôm nay là một “gia tài” vô giá, xứng đáng với danh hiệu là vùng đất hiếu học. “Những tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân ở làng Vĩnh Cửu này không chỉ giúp họ thoát nghèo, mà còn là một “bệ phóng” cho phong trào khuyến học ở xã ngày một lan rộng” – ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã tâm sự. Ông Hoàng cho biết thêm, ngày trước, vùng đất này lắm cát nhiều phèn, người dân làm ăn sinh sống rất khó khăn. Các bậc làm cha làm mẹ chịu đựng mọi gian khổ quyết cho con đến trường và phải học hành thành đạt. Và bây giờ đời sống của họ đã một bước khá hơn.

Ông Trần Ngọc Bích chia sẻ: “Ngày xưa, tôi không có một tài sản gì cho các con, và các em cả. Bởi lúc ấy hoàn cảnh còn khó khăn, hầu như là hai bàn tay trắng, nhưng chúng tôi đã nỗ lực làm hết sức mình cho các con ăn học và bây giờ tôi cũng rất vui vì đời sống phần nào đã đỡ hơn nhiều nhờ những kiến thức đã học được”.

Có một điều rất hay là ngoài truyền thống và động lực từ gia đình thì ngay ở mỗi gia đình, các anh chị em trong nhà tự bảo ban nhau là chính. Hễ có người anh đỗ đạt thành công thì người em cũng theo thế mà phấn đấu. Và rất nhiều cựu sinh viên ra trường có việc làm đã trở về giúp các em trong làng, bằng cách lập quỹ học học bổng “Hội cựu SV”. Hiện ấp Vĩnh Cửu cũng có 8 nhóm học từ lớp 6 -12 (mỗi nhóm 10 -12 em) học thi đua với nhau cuối năm, ấp sẽ chọn ra để phát thưởng động viên.

Chia tay người dân Vĩnh Cửu, chúng tôi trở lại Sài Gòn khi ánh nắng của buổi chiều tà còn sót lại trên tháp chuông nhà thờ, xô bóng những người dân xiêu vẹo bên cánh đồng đang vào vụ thu hoạch trở về nhà. Gió tràn xuân ngập cả làng với hy vọng tương lai nơi đây rồi sẽ khá hơn nhờ những con chữ, và con số tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, cao đẳng sẽ không chỉ dừng lại ở đó.

Theo GD&TĐ